Nghiên cứu cách thức giúp người dân nhận biết được xuất xứ của thực phẩm

Thứ tư, 18/01/2017 08:52

(Cadn.com.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2016 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017 diễn ra ngày 17-1.

Khó quản lý phụ gia thực phẩm

Theo ông Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP, trong năm 2016, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP được các ngành thực hiện một cách thường xuyên. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, thực hiện một cách đồng bộ công tác quản lý nhà nước về ATTP, góp phần tích cực làm giảm nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP đã bước đầu tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng...

Đà Nẵng hiện có 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với tổng công sức giết mổ ngày đêm khoảng 60-70 con trâu bò, 1.000-1.200 con heo, 2.400-2.500 gia cầm. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này vẫn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có 70 chợ truyền thống, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 35/2016/QĐ-UBND quy định quản lý về ATTP đối với sản phẩm nông – lâm – thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau – trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại thành phố, góp phần kiểm soát chất lượng ATTP đối với thực phẩm rau – củ - quả nhập vào thành phố. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về ATTP tại các chợ thuộc tuyến quận, huyện vẫn còn bất cấp như cơ sở vật chất còn hạn chế, hệ thống cống rãnh thoát nước chưa đảm bảo. Vẫn xảy ra tình trạng tư thương sử dụng các hóa chất bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là rau, củ, quả, nội tạng động vật...

Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đặng Ngọc Hùng, phụ gia thực phẩm (PGTP) được sản xuất chủ yếu ở TPHCM, Hà Nội và nhập từ các nước khác về, TP Đà Nẵng hầu như không có cơ sở sản xuất PGTP, chỉ có các cơ sở kinh doanh PGTP. Năm 2016, qua tiến hành thanh tra, kiểm tra 4/4 cơ sở kinh doanh PGTP, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 cơ sở có hành vi vi phạm. “Việc quản lý, thanh tra, kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh PGTP không gặp nhiều khó khăn, trở ngại gì. Tuy nhiên việc quản lý, thanh tra, kiểm tra kinh doanh PGTP ở các chợ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do tiểu thương thường chia nhỏ các loại PGTP vào trong các bao bì nhỏ mà không giữ lại các bao bì gốc, cho nên rất khó để nhận biết được các loại PGTP có nguồn gốc từ đâu, cũng như không rõ được hạn sử dụng của nó, nhãn mác của các loại phụ gia đó có đúng quy định hay không. Do đó, gặp khó khăn trong quản lý, kiểm tra cũng như xử lý vi phạm”, ông Đặng Ngọc Hùng khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại chợ đầu mối Hòa Cường.       

Còn chủ quan

Ông Nguyễn Tiên Hồng cho rằng, hiện nay một số cán bộ đứng đầu chính quyền, sở, ban ngành liên quan đôi lúc còn chủ quan, xem nhẹ, chưa tương xứng giữa thẩm quyền và trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện ATTP. Đồng thời, hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP chủ yếu bằng trực quan, kinh nghiệm là chính và công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xác định nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm cũng như xử lý vi phạm có lúc chưa kịp thời, chưa nghiêm. Chưa kiểm soát được ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm và chưa có biện pháp hữu hiệu trong đánh giá mức độ an toàn của các loại thực phẩm. Đặc biệt, các ngành, địa phương chưa kiểm soát được các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chế biến thủ công sử dụng hàn the, phẩm màu và chất bảo quản độc hại. Vẫn còn xảy ra một số vụ việc, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân như việc sử dụng chất Auramine (Vàng ô) trong nhuộm vàng măng tre và mua bán, chế biến, sử dụng nội tạng, mỡ động vật hôi thối...

“Thực phẩm về thành phố bằng nhiều con đường nên việc kiểm soát sản phẩm thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, nạn buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không nhãn mác, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP ngày càng tinh vi, phức tạp, né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn sản phẩm nông nghiệp không đảm bảo an toàn gặp nhiều khó khăn do đặc thù sản phẩm rau mau hư hỏng mà thời gian chờ kết quả phân tích, kiểm nghiệm mẫu kéo dài 5-7 ngày, đến khi có kết quả thì sản phẩm đã được tiêu thụ vì không có căn cứ để lưu giữ lô hàng. Trường hợp sử dụng test nhanh phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì chưa đủ căn cứ pháp lý để tạm giữ hoặc tiêu hủy lô hàng”, ông Nguyễn Tiên Hồng khẳng định. 

Quá nhiều đầu mối quản lý

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đề nghị trong thời gian đến, các địa phương và sở ngành liên quan cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về vấn đề ATTP mà HĐND TP đã kết luận. Đồng thời,  tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền những kiến thức cơ bản về ATTP đến tận các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm và toàn thể người dân. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra phải được triển khai chặt chẽ, thường xuyên và mạnh tay xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về ATTP. Tăng cường hơn nữa công tác lấy mẫu xét nghiệm, nhất là một số loại mẫu không đạt như hàn the. Cũng như, tập trung kiểm tra các cơ sở, tư thương mua bán hóa chất, phụ gia thực phẩm tại các chợ cũng như các cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn thành phố. Có chế độ khen thương, kỷ luật và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các doanh nghiệp làm tốt và vi phạm. Nghiên cứu điều chỉnh lại bộ máy tổ chức từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đảm bảo ATTP. Riêng Sở Y tế cần sớm thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP thành phố và phân công một phó giám đốc Sở chuyên trách về vấn đề ATTP...

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho rằng: “Hiện nay vấn đề ATTP được giao cho quá nhiều ngành và địa phương quản lý. Tuy nhiên, những ngành này và các địa phương lại phải đảm trách rất nhiều công việc nên có ít thời gian tập trung cho công tác ATTP. Chính vì vậy, để làm tốt công tác đảm bảo ATTP thì cần phải có cán bộ chuyên trách. Trước mắt, cấp thành phố phải có cán bộ chuyên trách về vấn đề này và sau đó nghiên cứu bổ sung biên chế quản lý nhà nước về ATTP đối với tuyến quận, huyện, xã, phường. Cũng như, nâng cấp các chợ tuyến quận, huyện để đảm bảo ATTP theo quy định của các Bộ, ngành. Đặc biệt, phải tổ chức nghiên cứu cách thức nhằm giúp cho người dân có thể dễ dàng nhận biết được sản phẩm thủy sản đó do ai bán, có xuất xứ từ đâu và chất lượng như thế nào. Nếu làm được việc này thì chúng ta mới tạo được niềm tin cho nhân dân trong vấn đề ATTP... Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 là thời điểm vô cùng quan trọng trong công tác đảm bảo ATTP vì người dân sử dụng rất nhiều thực phẩm. Nếu chúng ta không tăng cường kiểm tra thì rất dễ gây nên tình trạng mất ATTP. Chính vì vậy, lãnh đạo các sở ngành, địa phương cần phải tăng cường kiểm tra công tác ATTP...”.

Lê Hùng