Nghiên cứu Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhân dân để học tập và làm theo

Thứ sáu, 16/05/2014 09:43

(Cadn.com.vn) - Cả cuộc đời cao đẹp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân, với cách sống, làm việc theo các chuẩn mực “Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công - Vô tư” do Người xác định và gương mẫu làm trước để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân học tập, noi theo. Quả thật, không thể có giấy bút nào ghi chép đầy đủ công ơn trời biển của Bác Hồ, càng không có gì so sánh bằng sự kính trọng và tình thương yêu bao la Bác đã dành cho nhân dân.

Người từng chỉ rõ: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước  độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(1).

Sáng 14-5, Đảng bộ P. Hòa Thọ Đông (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) tổ chức dâng dương, báo công dâng Bác tại Nhà bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5 (TP Đà Nẵng) và công bố quyết định khen thưởng cho 16 tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ.NGA

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc lo cho Đảng, cho Tổ quốc, nhưng Người vẫn thường xuyên lo nghĩ về nhân dân. Bác không quên tự dặn chính mình và cũng là nhắc nhở cho mọi cán bộ, đảng viên của Đảng rằng: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm - Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (2), đó phải chăng là cách thể hiện nghệ thuật giáo dục vừa giản dị và dễ hiểu, vừa hết sức uyên thâm và sâu sắc của một lãnh tụ anh minh đối với cán bộ, đảng viên. Điều đó nói lên sự quan tâm có tính mẫu mực, thấu nghĩa đạt tình của một Danh nhân văn hóa tầm cỡ thế giới, của một lãnh tụ tối cao luôn lấy sự ấm no, tự do và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu không bao giờ mệt mỏi. Dựa vào quan điểm sáng suốt này của Người, để soi xét vào thái độ chính trị đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người được mệnh danh là đầy tớ nhân dân của chúng ta hiện nay, thật không khỏi giật mình trước thực trạng còn khá nhiều cán bộ, đảng viên như “đã quên” trách nhiệm của mình là công bộc của nhân dân như Bác Hồ đã dạy, đây đó vẫn còn tồn tại thái độ ứng xử hống hách, trịch thượng, thô lỗ khi tiếp xúc với nhân dân; chỗ này chỗ khác còn gây phiền hà, hách dịch, vòi vĩnh nhân dân; nơi kia nơi nọ còn tình trạng“đè đầu cưỡi cổ” để xí phần, nhũng nhiễu, ăn chặn của dân... làm cho nhân dân ta bức xúc, bất bình, phẫn nộ, tố cáo, khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài. Điều đáng mừng là Trung ương đã kịp nhận ra thực tế nguy cơ xâm hại trực tiếp đến“thế trận lòng dân” để quyết tâm sửa sai, kịp thời chỉnh đốn, chỉnh phong bằng cách chỉ đạo tổ chức học tập trở lại Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ và những lời dạy bảo ân cần, đầy tính nhân văn cao cả trong các bài viết, bài phát biểu của Người, trong đó có sự nhìn nhận đúng đắn về lực lượng, vai trò và sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, Trung ương Đảng và Chính phủ tập trung thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách an dân trong giai đoạn mới.

Còn nhớ, trong bài báo có tựa đề “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho Báo Sự thật (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ) vào ngày 15-10-1949, trong đó Người khẳng định: “...NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân...”.

 Theo quan điểm ấy, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách để khoan sức dân, thể hiện đúng đắn quan điểm “lấy dân làm gốc”. Đó là cơ sở lý luận và thực tiễn để trong những năm gần đây, Trung ương Đảng đã có những chủ trương đúng đắn, kịp thời hướng về nhân dân, lắng nghe ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thể hiện ngày càng rõ nét hơn về vai trò, hiệu quả lãnh đạo tất thắng của một Đảng cầm quyền, bảo đảm cho bộ máy công quyền các cấp hoạt động đúng theo quyền lực của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ngày 5-4-2007, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn với 6 Chương bao gồm 28 Điều, cho thấy vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã được đề cao hơn bao giờ hết, nội hàm dân chủ đã được nâng tầm pháp lý, góp phần bảo đảm cho sự công bằng, minh bạch về hoạt động của các cơ quan công quyền ở cơ sở, cũng chính là bảo đảm cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân được thi hành triệt để. Mặt khác, sự ra đời và từng bước đi vào cuộc sống cộng đồng của pháp lệnh trên, thể hiện sự tôn trọng của Đảng và Nhà nước ta đối với nhân dân theo tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như Người từng chỉ rõ: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Trong bài viết ngắn ngủi này chưa thể trình bày đầy đủ những hiểu biết của mình về tư tưởng vĩ đại, về quan điểm sâu sắc của một lãnh tụ thiên tài, của một anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, người viết chỉ xin mạo muội góp phần nhỏ bé không ngoài mục đích trao đổi, tìm hiểu để học tập và làm theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân dân.

Mai Mộng Tưởng

—————————————

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB CTQG, Hà Nội, trang 56

(2) Sách đd, tập 4, trang 56-57