Ngỡ ngàng Ngũ Hành Sơn

Thứ sáu, 29/03/2024 07:00
Những ai đi xa, có dịp về Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển của vùng đất anh hùng này. Ngoài phường Hòa Quý từ quê nghèo lên phố mới, những Hòa Hải, Mỹ An cũng thay đổi đến ngỡ ngàng.
Lễ hội cầu ngư làng Tân Trà được bảo tồn, gìn giữ.
Phố mới Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn.

Những ngày đầu gian khó

Tháng 1-1997, Đà Nẵng có quyết định thành lập quận Ngũ Hành Sơn gồm 3 phường Bắc Mỹ An, Hòa Hải và Hòa Quý. Nguồn nhân lực lúc bấy giờ được điều động từ nhiều địa phương về công tác tại Ngũ Hành Sơn. Dù không chịu cảnh xa nhà, song so với địa phương khác, Ngũ Hành Sơn là khó khăn nhất. Bằng sự đoàn kết, bằng lòng quyết tâm làm cho Ngũ Hành Sơn giàu đẹp, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, đảng bộ, chính quyền, nhân dân Ngũ Hành Sơn đã vượt muôn vàn những khó khăn để xây dựng nên thành tựu hôm nay.

Trong ký ức nhiều người, ngày ấy Ngũ Hành Sơn còn hoang tàn với nhiều tàn tích của chiến tranh. Nghĩa địa nối tiếp nhau trên những trảng cát trải dài từ Hòa Hải đến Hòa Quý. Cả khu vực bờ đông sông Hàn thuộc phường Bắc Mỹ An um tùm đủ loại cây hoang dại. Nhiều khu mộ nằm xen kẽ trong khu dân cư trên khắp địa bàn. Làng chài Tân Trà (phường Hòa Hải) lơ thơ nhà, vườn. Trên danh nghĩa là đơn vị hành chính cấp phường nhưng Hòa Quý chưa có một tấc đường nhựa, mưa bùn, nắng bụi. Đa số người dân tại địa phương đều sống trong những căn nhà lụp xụp, mái tôn cũ kỹ, vách nhà được che phên tre, hoặc bằng những chiếc thùng phuy cắt ra. Đời sống cũng chẳng mấy khấm khá. Thu nhập chủ yếu dựa vào nghề trồng rau nhưng do không có nơi tiêu thụ nên thường xuyên bị ế, phải bán với giá rẻ, một gánh rau chưa đủ tiền ăn một tô bún. Cũng ngày ấy, hành trình đi tìm con chữ của các em cũng vô cùng gian nan. Mang tiếng là đơn vị hành chính cấp quận nhưng Ngũ Hành Sơn chưa có trường THPT, học sinh lên lớp 10 phải sang học ở Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) hoặc vượt sông sang Cẩm Lệ ở trọ đi học…

Vượt khó đi lên

Gần như từ con số không, cán bộ và nhân dân quận Ngũ Hành Sơn bắt tay vào xây dựng lại quê hương. Bắt đầu từ việc di dời gần 70.000 ngôi mộ đến nghĩa trang Hòa Sơn (Hòa Vang) trong sự đồng thuận của toàn dân. Tiếp đến, HĐND quận xác định phát triển hệ thống giao thông là điều kiện tiên quyết để Ngũ Hành Sơn tạo bước đột phá trong việc tạo dựng bộ mặt mới tại địa phương. Từ chủ trương đúng đắn này cộng với sự đồng tình từ phía người dân, 35 tuyến đường huyết mạch được nâng cấp hoặc xây dựng mới cùng với việc bê-tông hóa kiệt hẻm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân” cùng làm. Từ đó mạng lưới giao thông ở các khu dân cư đã hoàn thành sớm trong sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, tạo một diện mạo mới và thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội… Các “bãi tha ma” năm xưa nhường chỗ cho những khu phố mới, nhiều nơi đã phát triển thành khu đô thị sầm uất. Làng chài Tân Trà hiu quạnh ngày nào trở thành khu đô thị mới, những căn nhà lụp xụp năm nào từng bước thay bằng những ngôi nhà cấp 2, cấp 3 kiên cố. Khu đất hoang hóa ven biển năm xưa giờ đã trở thành những khu nghỉ dưỡng cao cấp…, tất cả đã và đang từng bước chuyển mình trở thành đô thị hiện đại.

Từ việc lựa chọn cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp đã tạo ra sức bật mới trong việc phát triển kinh tế-xã hội, từng bước hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi ngành nghề.

Lễ hội cầu ngư làng Tân Trà được bảo tồn, gìn giữ.

Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, cho biết: Phát huy thành tựu đạt được trong nhiều năm, năm 2023 Q. Ngũ Hành Sơn đã có những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo tiền đề cho việc xây dựng khu Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn trở thành hạt nhân trong phát triển du lịch; tổ chức các tour du lịch theo chuyên đề để gia tăng trải nghiệm cho du khách; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tạo lập các sản phẩm dịch vụ, du lịch mới phù hợp, như: du lịch thiền, ẩm thực chay, các khóa tu,… Nhờ có cơ chế phát triển kinh tế phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương nên tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận trong năm 2023 thực hiện đạt 828,168 tỷ đồng, đạt 104,8% kế hoạch. Công tác đầu tư cũng được chú trọng, năm 2023 đã giải ngân 136,276 tỷ đồng và tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn quận. Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn quận có những cách làm hay, đat kết quả khá tốt. Năm 2023, đã vận động bàn giao mặt bằng được 515 hồ sơ, hoàn thành 10 dự án. Vấn đề an sinh, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, người có công cách mạng được chú trọng triển khai và tập trung các giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo. Cụ thể, đã giảm 262/289 hộ nghèo, chế độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn đạt tỷ lệ 97,6% dân số. Công tác quốc phòng, an ninh - chính trị, trật tự an toàn tiếp tục được giữ vững, đảm bảo tạo cuộc sống an bình và sự yên tâm trong nhân dân.… Đặc biệt, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tâm linh, dân gian… được chú trọng, các lễ hội cầu ngư, thần nông được phục dựng một cách đầy đủ, trang nghiêm…

Những đổi thay to lớn của quận Ngũ Hành Sơn đã làm không ít người ngỡ ngàng, khi đời sống người dân không ngừng đi lên, kinh tế -xã hội ngày một phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững đã thể hiện ý chí, nghị lực của người dân của vùng đất anh hùng.

M.T