Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28:

Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Thứ hai, 16/12/2013 23:29

(Cadn.com.vn) - Sáng 16-12, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 với chủ đề "Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế" đã khai mạc tại Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự lễ khai mạc còn có các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố; các vị nguyên lãnh đạo và cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao; các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hơn 700 đại biểu là cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao và phụ trách công tác đối ngoại của các địa phương.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Lợi ích quốc gia đặt lên hàng đầu

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hội nghị Ngoại giao 28 được tổ chức trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến quan trọng.

Đất nước ta đã bước vào thời kỳ then chốt thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020 và tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng về chính trị, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội.

Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; nhưng tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diến biến phức tạp; các thách thức đa chiều đang tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của nước ta.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 có nội dung rất quan trọng là kiểm điểm, đánh giá việc triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, tiếp tục xác định các biện pháp toàn diện, hiệu quả để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng trong các năm tới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Việt Nam đã thực sự phát huy được vai trò là thành viên tích cực của các thể chế khu vực và toàn cầu, tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình liên kết khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương.

Mới đây, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng thống đốc Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO và lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 với số phiếu cao, cho thấy uy tín quốc tế và lòng tin của Cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng tăng. Bên cạnh đó, công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có những chuyển biến rõ rệt.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Những thành tích và kết quả đã đạt được là sự kiểm chứng sinh động đối với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta, thể hiện sự vận dụng sáng tạo và hiệu quả các bài học của thời kỳ đổi mới, luôn quán triệt tư tưởng đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với hội nhập quốc tế, triển khai các hoạt động đối ngoại một cách đồng bộ và toàn diện.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị.

Tranh thủ những cơ hội mới

Phân tích bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đang đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Tổng Bí thư căn dặn: Phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của cha ông “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Cần kiên trì đường lối đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đưa các mối quan hệ láng giềng thân thiện, hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu thực chất; đồng thời xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp, đưa Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế vào cuộc sống, tích cực và chủ động tham gia các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế, nhằm xác định vị trí tối ưu cho đất nước trong cục diện mới.

Cần kiên trì xử lý đúng đắn vấn đề biên giới lãnh thổ, từng bước giải quyết một cách hòa bình các vấn đề tồn tại, nhận thức khác nhau trên biển Đông, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng DOC và nỗ lực góp phần, thúc đẩy xây dựng COC.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung cao độ tâm huyết và trí tuệ, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phân tích làm rõ những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục, quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Tại phiên khai mạc hội nghị, Lãnh đạo Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Quốc Phòng, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã phát biểu tham luận, đóng góp những đánh giá, nhận định quan trọng về tình hình thế giới, khu vực.

Các tham luận nêu bật những thành tựu mà ngành ngoại giao đạt được từ Hội nghị Ngoại giao 27 đến nay, đánh giá cao công tác phối hợp giữa ngoại giao với các ngành trên mặt trận đối ngoại. Các tham luận cũng đã nêu phương hướng, biện pháp thúc đẩy công tác đối ngoại trên tất cả các trụ cột, cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại trong thời gian tới.

T.Thủy – Đ. Quyên – TTXVN