Ngoại giao "đặc phái viên"

Thứ ba, 07/02/2017 08:55

(Cadn.com.vn) - Khi quyết định bổ nhiệm đại sứ đặc biệt tại cơ sở của những người khổng lồ công nghệ như Apple và Facebook, Đan Mạch rõ ràng đang chứng tỏ thiện chí tham gia các vấn đề toàn cầu và không tự cô lập trong sợ hãi.

Trong bộ phim bom tấn “Arrival” (Cuộc đổ bộ bí ẩn), một nhà ngôn ngữ học do diễn viên Amy Adams thủ vai được chính phủ Mỹ giao nhiệm vụ giao tiếp với người ngoài hành tinh vốn đã đổ bộ xuống trái đất. Họ là bạn hay thù? Cô phải chạy đua với thời gian để tìm câu trả lời cho nhiều bí ẩn. Để rồi, trong quá trình tìm kiếm, cô phát hiện những điều có thể đe dọa cuộc sống của cô và sự tồn tại của cả nhân loại. Và cô đã hành động vì nhân loại bằng cách “chấp nhận” những người lạ này.

Nội dung bộ phim được so sánh với quyết định mới đây của chính phủ Đan Mạch: chỉ định đặc phái viên - “đại sứ kỹ thuật số” tại những người khổng lồ công nghệ trên thế giới như Facebook, Amazon, Google và Apple. Rõ ràng, việc nắm đến những thực thể phi chính phủ toàn cầu lớn mạnh và giàu có như thế này không phù hợp với đường lối ngoại giao bình thường của Đan Mạch. Mục đích của họ là tốt hay xấu?

Trong quyết định bổ nhiệm đặc phái viên này, Đan Mạch hy vọng không chỉ giúp mời đầu tư công nghệ cao hơn mà còn có cơ hội làm việc với các Cty nước ngoài về các vấn đề như bản quyền kỹ thuật số, an ninh mạng, tin tức giả mạo, và những ảnh hưởng của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trên công việc và xã hội. “Chúng tôi chỉ đơn giản là cần mối quan hệ gần gũi hơn với các Cty có ảnh hưởng đến chúng tôi”, Ngoại trưởng Đan Mạch Anders Samuelsen nói như vậy khi được hỏi về vấn đề này.

Việc bổ nhiệm đặc phái viên như vậy không mới trong chính sách ngoại giao. Dưới thời các tổng thống Mỹ gần đây, số lượng đặc phái viên đã bùng nổ. Hầu hết đều được cử đến các quốc gia cụ thể, các khu vực chiến tranh như Darfur hay các cuộc xung đột Israel-Palestine. Thực tế cho thấy, khi các vấn đề toàn cầu phát triển – sự sợ hãi gia tăng - số lượng đặc phái viên – cũng phát triển theo tỷ lệ thuận để đối phó với chúng.

Nhiều quốc gia cũng như LHQ hiện nay có đặc phái viên cho các vấn đề biến đổi khí hậu, khủng bố, di cư, hoặc tội phạm mạng. Bằng cách bổ nhiệm đặc phái viên, các nước hy vọng những nhân vật này có thể giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu, bởi bản chất của chính chiếc ghế này đã có tác động rất tốt.

Thanh Văn