Ngôi nhà cổ hiếm thấy ở Quảng Nam

Thứ hai, 08/12/2014 09:02

(Cadn.com.vn) - Nhiều nhà nghiên cứu và giới sưu tầm nhà cổ khắp nơi trong cả nước đều khẳng định ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Đình Hoan ở làng Lộc Yên, thôn 4, Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam là ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo có 1 không 2 trong số hàng trăm ngôi nhà cổ đang tồn tại ở các vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam.

Ông Hoan cho biết: ngôi nhà được xây dựng từ thời cụ cố Nguyễn Đình Hoằng-Cửu phẩm bá hộ vào khoảng giữa thế kỷ thứ XIX do nhóm thợ làng mộc Vân Hà, Tam Thành, Tam Kỳ (nay là H. Phú Ninh) xây dựng trong 3 năm. Cùng với lối kiến trúc, những vật dụng, như:  bộ phản gỗ, tủ thờ, cặp trường kỷ, bức hoành phi, chiếc bàn tự xoay... cùng những hoa văn được chạm trổ công phu đã nói lên được sự giàu có một thời của chủ nhân ngôi nhà. Tài hoa người thợ Vân Hà làm nên căn nhà gỗ độc nhất này theo kiến trúc nhà rường Quảng Nam với 3 gian 2 chái, 8 cây cột nhứt gỗ mít ròng, 16 cây cột nhì, 12 cây cột chái và vì kèo, xuyên, trính, đầu hồi... chạm trổ công phu được dựng trên khu đất có thế đắc địa về phong thủy. Trước nhà là dãy núi Hòn Ngang làm bình phong che chắn, sau lưng tựa vào núi Gò Tròn làm điểm tựa. Trải qua hàng trăm năm, ngôi nhà qua nhiều lần sửa chữa nhưng những giá trị kiến trúc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

 Toàn cảnh ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Đình Hoan.

Xoay quanh câu chuyện bảo quản, gìn giữ ngôi nhà cổ này, ông Nguyễn Đình Hoan cho biết: Cha ông là cụ Nguyễn Huỳnh Anh lúc còn sống thường nói với con cháu ngôi nhà là báu vật vô giá mà tổ tiên dày công xây dựng nên bất cứ giá nào cũng phải cố gìn giữ. Việc bảo quản, gìn giữ ngôi nhà cổ vô giá này cũng trải qua bao sóng gió của thời tao loạn. Năm 1939 Ngô Đình Diệm lúc đó là thượng thư, vào Quảng Nam chơi với anh mình là tổng đốc Ngô Đình Khôi, nghe tiếng ngôi nhà tìm đến thương lượng mua nhưng không được. Đến năm 1960, khi đã làm Tổng thống, Ngô Đình Diệm lại một lần nữa nhờ người mai mối tìm mua lại căn nhà này nhưng cũng bị từ chối thẳng thừng. "Chính quyền địa phương gọi cha tôi lên và o ép để bán ngôi nhà nhưng ông nói "Thà chết còn hơn bán hương hỏa ông bà". Mãi đến khi anh em Diệm - Nhu bị lật đổ, cha tôi mới được yên thân"-ông Hoan kể. Tiếp nối truyền thống gia đình, đến hôm nay, ông Hoan vẫn cố gắng gìn giữ ngôi nhà một cách nguyên vẹn.

M.T-V-H