Ngôi trường trên đỉnh núi mù sương
Trên sườn Núi Quế, ngọn núi được mệnh danh là “cổng trời” giữa đại ngàn Trường Sơn, miền biên ải Việt-Lào, Tây Giang, Quảng Nam, sương trắng phủ bốn bề quanh năm. Nổi bật giữa miền hoang sơ mà hùng vĩ ấy, là ngôi trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tr’hy, có lẽ cũng là một công trình khang trang nhất ở nơi cổng trời này… Sương trắng như chốn bồng lai tiên cảnh, sà vào từng lớp học, sà cả vào bếp lửa đỏ bập bùng trong nhà ăn của các thầy cô giáo cùng các em học sinh trong chiều biên cương se lạnh…
Giờ chơi của các em học sinh bán trú ở Tr'hy. |
Chúng tôi tạm dừng chân trong hành trình lên biên giới, giữa cơn mưa rừng như trút nước, không hẹn trước, nhưng thấy có khách lạ, thầy giáo Trần Trực-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tr’hy tất tả đội mưa ra đón, phân bua: “Đang chuẩn bị cho ngày 20-11, năm nay toàn tỉnh không làm lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhưng trường vẫn “tự lực cánh sinh” được...”. Chỉ tay ra vườn bắp cải xanh mơn mởn trong khuôn viên trường, thầy Trực khoe: “Đấy, rau và cộng thêm 2 con heo tự nuôi nữa, thế là thầy trò trường tôi “xôm” quá rồi phải không...”. Rồi thầy cười vang khiến chúng tôi cũng vui lây. Tr’hy là một trong 8 xã biên giới của H. Tây Giang, đây là trường phổ thông cơ sở trung tâm của xã, có 150 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và 13 thầy cô giáo.
Với đặc thù là địa phương miền núi cao, giao thông cách trở, từ các thôn về tới tới trung tâm xã phải đi bộ, gần nhất cũng vài tiếng đồng hồ, có thôn vào những ngày mưa này cũng phải đi mất nửa ngày, nên trường có tới hơn 50 em học sinh phải ở bán trú tại trường. Cơ sở vật chất của trường vẫn còn thiếu thốn, còn tới 4 điểm trường ở các thôn Dầm 1, A Banh 1, A Banh 2, A Riêu, buộc các thầy cô giáo phải “cắm bản”, tức là cùng ăn, cùng ở với người dân, lâu lâu mới về trường trung tâm sinh hoạt hội họp một lần. Thầy Trực bảo, toàn các thầy cô còn trẻ cả, như cô Ploong Nhàn, thầy Clâu Minh, thầy Bling Thành... ai cũng quê ở xa, cách trường ngót trăm cây số, nhiều khi cả tháng mới thăm gia đình một lần. Ngay như thầy Trực, gia đình ở tận Điện Bàn, lại là người giữ trọng trách “đầu tàu” của trường, cả năm học, số lần thầy về thăm gia đình cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay...! Các thầy cô bảo, đồng lương giáo viên miền núi, dù đã có phụ cấp biên giới, nhưng cũng chả thấm vào đâu, khi ở vùng biên cương heo hút, mọi thứ đều đắt đỏ, lại thêm những chuyến về phép với kinh phí bằng đi từ Đà Nẵng ra tới Hà Nội.
Các em học sinh vùng biên giới Tr’hy, Tây Giang, Quảng Nam đọc sách báo trong nhà gươl. |
Tr’hy chưa có điện lưới quốc gia, mọi công việc như in ấn tài liệu, văn bản, báo cáo đều trông chờ vào chiếc máy nổ phát điện duy nhất của trường. Thầy Trực giãi bày: “Mà chiếc máy nổ này tốn xăng lắm, cả tuần chỉ dám phát vài tiếng, nhưng ngốn gần 20 lít xăng, chỉ dành cho trường hợp thật cấp bách thôi...!”. Không có điện, mọi phương tiện sinh hoạt đều xếp một góc, tivi, máy vi tính, điện thoại có cái mua gần 10 năm rồi vẫn như mới. Không có điện, chất lượng dạy và học cũng ảnh hưởng đáng kể, học sinh miền biên giới này được cái rất ham học, ở trường chưa bao giờ có trường hợp học sinh bỏ học. Các thầy cô cho biết, có tới 8 em học sinh mắc căn bệnh chậm phát triển trí óc, do ảnh hưởng từ tập tục hôn nhân cận huyết thống nhưng các em vẫn bám trường, bám lớp. Còn các em học sinh khỏe mạnh khác, nhiều em lực học yếu, cũng từ nguyên nhân không có điện, ban ngày lên lớp nghe thầy cô giáo giảng bài, nhưng tối đến cũng đành gấp sách vở, đi ngủ sớm, vậy là hôm sau “chữ thầy lại trả thầy”.
Thương các em ham học mà còn thiếu thốn khó khăn quá nhiều về mọi điều kiện, thầy cô luôn nhắc nhở, động viên nhau dành hết tình cảm, chăm lo cho các em từ bữa cơm, tấm áo. Hôm lên Tr’hy, tôi được anh Arất Blúi-Phó Chủ tịch H. Tây Giang “bật mí”: “Anh lên trên Tr’hy, nhớ thăm mô hình trồng rau, nuôi heo của thầy Trực, cả huyện đang học tập theo đấy...”. Dẫn tôi đi thăm vườn rau, thầy Trực bảo, ở vùng biên giới này, mọi thứ sinh hoạt đều đắt đỏ, nếu mình không nghĩ cách, không chịu khó tăng gia sản xuất thì làm sao cải thiện đời sống cho các thầy cô giáo cùng các em học sinh. Nói là làm, những lần về phép tranh thủ thăm gia đình, chiếc xe máy của thầy Trực lại lỉnh kỉnh đủ thứ ngược lên biên giới, nào là hạt giống rau, bầu, bí, nào là heo, gà giống...
Vườn rau của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tr’hy. |
Đã gần 5 năm nay, từ ngày thầy Trực về nhận công tác ở Tr’hy, vườn rau của trường lúc nào cũng xanh tốt, lúc nào cũng có cả chục con heo béo ú trong chuồng. Bữa ăn của các thầy cô, các em học sinh lúc nào cũng rau xanh, thịt tươi tươm tất... vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tiết kiệm được kinh phí mà lại tạo nên được phong trào tăng gia, sản xuất, rèn luyện sức khỏe cho thầy cô và học sinh trong trường.
Hôm đó chúng tôi là “thượng khách” của trường. Bên bếp lửa đỏ bập bùng, nâng ly rượu vừa rót ra, thầy Tư, giáo viên cắm bản mới từ thôn A Riêu về đọc một bài thơ của những người giáo viên nơi miền biên giới: “Ai đi lên miền núi/Đất Tr’hy thân yêu/Ai đi tới Tr’hy/Vùng biên cương tuyến đầu/Bên lưng sườn núi Quế/ Đầy ắp giọng cười vui/ Có chúng tôi, đang chung tình xây đắp nước non này…”.
HỒNG THANH