Ngọn gió gọi miền tri âm

Thứ hai, 29/05/2023 16:56
Tập thơ "Gọi nhau gió sông đầy" của Thảo Nguyên (tên thật Lê Văn Sỹ, 1950, Hội viên Hội Nhà văn Quảng Nam), chỉ với 41 bài thơ nhỏ nhưng lắng sâu tình người, tình quê xứ Quảng cùng niềm yêu tha thiết với thơ ca, nghệ thuật.
Bìa tập thơ "Gọi nhau gió sông đầy" của Thảo Nguyên.
Bìa tập thơ "Gọi nhau gió sông đầy" của Thảo Nguyên.

Thảo Nguyên luôn thầm mong mỗi trang viết của anh là cầu nối đôi bờ yêu thương, tìm được niềm giao cảm nơi độc giả: Như muôn hoa/ Như sứ giả/ Ngọn giông dạt phương ngày lạ/ Cuối trời thổn thức/ Gọi nhau gió sông đầy...

Phần đầu của tập sách Gọi nhau gió sông đầy (NXB Hội Nhà văn, tháng 1-2023) của Thảo Nguyên là những thi phẩm kết đúc từ những cuộc đi: Một sóng trùng dương/ Một đường chim biển/ Một rạn san hô/ Một bàn tay vẫy/ Vấn vương mỗi bước tôi về (Tiếng lòng tôi bập bùng). Đọc thơ Thảo Nguyên, ta nhận ra một thi sĩ lãng du cùng ánh nhìn men rượu của váy hoa sinh động nơi đồi chè Quyết Thắng ở Đông Giang, cùng say bồng bềnh trong chiều Tam Đảo Để ai nhớ nắng trổ ngồng loe hoe. Người thơ ấy đã từng ngẩn ngơ trước gùi hương đại ngàn cùng Khúc biếc Tây Giang, mê hoặc bởi Bãi Làng, Bãi Hương ở Cù Lao Chàm hay hòa vui cùng nhịp điệu Sài Gòn. Những cung đường đi qua để lại trong anh bao nhớ thương luyến lưu và nỗi niềm ấy được gửi vào từng ý thơ.

Trong trang viết của Thảo Nguyên, thị xã Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam) ghi dấu ấn khá rõ bởi đó là nơi anh đã gắn bó cả một đời. Một chiều mưa nơi phố nhỏ thân thương, một ánh mắt biết nói, một vai cầu nối nhịp tình quê… đều để lại những vấn vương cho thơ anh. Với tôi, cái thị xã trong lòng bàn tay ấy càng dễ thương bội phần: Ta còn Vĩnh Điện ngày hoa/ Em non nõn nụ nhạt nhòa bên sông?/Mái trường còn thắm hoài mong/ Vai cầu lắm rối bòng bong… một lời… (Mưa chiều Vĩnh Điện). Đọc những câu thơ hồn nhiên nhưng tình tứ này, không ai nghĩ người viết đã vào tuổi thất thập. Dường như em vẫn "non nõn nụ", anh vẫn còn trẻ trung như "chiếc lá hồi sinh", tất cả những rung động đầu đời như mới vừa hôm qua. Những kỷ niệm của tình yêu, những xao xuyến với mảnh đất quê hương cũng in dấu trong tập sách Thảo Nguyên qua hàng loạt bài thơ có nhan đề: Phố nhớ, Gửi yêu vào nắng, Dự cảm giêng, Nguyên xuân, Mùa hoa phố, Trên cánh đồng tình yêu, Mắt biếc…

Có thể nói, những vần thơ của Thảo Nguyên ở phần đầu tập sách dạt dào cảm xúc, dẫn dắt người đọc theo từng cung đường in dấu chân anh. Điều đáng quý nhất của thơ anh là tình nghĩa quê hương đậm đà bình dị. Đây cũng chính là vòng nôi nuôi lớn tâm hồn, thể xác của mỗi sinh thể, kết đúc cho ta nhân phẩm vững bền. Đọc thơ anh, ta như giao hòa cùng niềm lâng lâng của thi nhân khi đất trời làng quê vào tiết nguyên xuân: Một vùng trời đất lâng lâng/ Mùa mùa hoa phố trong ngần tứ xuân (Mùa hoa phố).

Bên cạnh những vần thơ dễ thương, bát ngát một tình yêu với xứ sở và đối tượng "em", Thảo Nguyên còn gửi gắm những suy nghĩ về cuộc đời, về thi ca qua hàng loạt thi phẩm được viết theo thể tự do. Ghi nhận sự nỗ lực của người thi sĩ tuổi thất thập trong ý muốn cách tân, tôi tạm gọi phần này là "ý tưởng chuyển động". Những chuyển động trong thơ của Thảo Nguyên thể hiện qua việc anh chọn đặt bài thơ Vía chữ lên trang đầu. Mỗi con chữ phải có hồn có vía, người chơi với chữ phải lọc đãi chữ của đời mà viết nên thơ, đôi khi họ phải đánh đu trên những ngọn triều khát giữa đại dương bao la. Ở đây, ta bắt gặp một cách nghĩ khá lạ của Thảo Nguyên về nghề, về thi ca. Mỗi người viết phải cẩn trọng văn từ, đắn đo câu chữ; mỗi người đọc cần tiếp nhận bằng tấm lòng chân thành, tinh thần cầu thị thì khi đó chữ mang vía lành sẽ nụ nở lửa thơm/ mầm lên trong sáng và ngược lại nếu người viết cố tình bẻ cong ngòi bút, vía chữ sẽ tổn thương/…tràn tràn nước mắt. Ngoài ra, người làm thơ phải kiên nhẫn như hoa sen chắt lọc từ bùn đất tinh hoa đất trời dâng hiến cho cuộc đời này: Kiên nhẫn một đời thảo ngay tinh lọc/Một đời hiến dâng/ Tâm ngát (Sen).

Viết về đề tài dịch COVID-19, Thảo Nguyên có ba bài, mỗi bài là một nét cảm riêng. Nếu bài thơ Qua từng hơi thở: "Nơi ngọn gió corona đi qua/Con phố êm gối ngủ/Con đường lặng yên/Sự lặng yên/Rờn rợn" gợi nhiều ám ảnh, thì đôi mắt của Tượng Chăm nơi ngọn tháp Mỹ Sơn đã nói bao điều với nhân thế. Tượng đau đời nhưng có cứu được đời đâu, chỉ con người tự cứu nhau bằng sự đồng lòng, chia sẻ : Tượng Chăm/Ngút ngàn bao nỗi/Đôi mắt nghiền bóng đêm… (Tượng Chăm). Còn ở Vọng âm, tôi hình dung lại cảm giác hãi hùng của chính mình khi nghe tiếng còi xe cứu thương vọng lại đêm khuya khoắt giữa những ngày phong tỏa: "Và phố khuya/Cột đèn trầm tư/Chiếc bóng in hồi còi hụ…''.

Mỗi bài thơ của Thảo Nguyên dung lượng không dài, mỗi ý tưởng được anh cô nén chỉ trong vài dòng, câu chữ không nhiều và đôi khi hơi rời rạc; đôi ba bài thơ ý tưởng còn mơ hồ. Nhưng, đọc thật chậm và kỹ lưỡng cảm nhận, ta sẽ nhận ra dạng "vân chữ" của anh. Thơ anh không cầu kỳ mà thô mộc, dung dị; một vài bài có cách vận chữ sáng tạo. Tập thơ Gọi nhau gió sông đầy của Thảo Nguyên là những vọng âm, chắt đúc từ niềm gắn bó máu thịt với quê hương, lòng mê đắm không vơi cạn thi ca. Trang thơ của anh ngày càng gọi được và gọi nhiều tâm hồn tri âm đồng điệu.

Nguyễn Thị Thu Thủy