Ngổn ngang dự án ở Hòa Liên

Thứ năm, 26/04/2018 15:00

Vùng Tây Bắc Hòa Vang, TP Đà Nẵng trong thời gian qua  đang có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa ở nông thôn nơi đây nhanh đến mức "chóng mặt". Chỉ riêng xã Hòa Liên tính từ năm 2004 đến nay, đã có 12 năm triển khai công tác giải tỏa đền bù, trên địa bàn có 38 dự án với 2.802 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 1.349 hộ thuộc diện di dời hẳn. Tuy nhiên, trò chuyện với chúng tôi, một số cán bộ địa phương cho rằng, "đụng" đến dự án nào cũng có những bất cập, phức tạp khiến người dân rất bức xúc.

Thôn Quan Nam 6 trở thành "rốn lũ" do ảnh hưởng dự án Kênh thoát lũ Hòa Liên.

Dự án "treo", thiết kế bất cập, ô nhiễm môi trường

Chẳng cần phải tìm hiểu gì nhiều, chỉ cần đọc sơ qua báo cáo về giải quyết các kiến nghị của cử tri của HĐND xã Hòa Liên, chúng tôi đã có thông tin ban đầu để đi thực tế một số điểm mà người dân đang bức xúc từng ngày. Đơn cử,  hơn 6 năm nay, 80 hộ dân thôn Quan Nam 2 gần UBND xã hễ mưa xuống là ngập nước, dù là mùa nắng. Nguyên nhân "khách quan" là do bờ kè dự án kênh thoát lũ Hòa Liên đang được nâng cao, hình thành một bức tường thành vây kín đường thoát nước của khu dân cư (KDC). Trên thực tế, đây là KDC nằm trong dự án KDC Hòa Liên 4, giai đoạn 3-4, từ năm 2012 đã triển khai công tác kiểm định, nhưng 6 năm qua, dự án vẫn "án binh bất động". Hiện nay cả KDC thấp trũng như một cái ao, thấp hơn so với các KDC xung quanh hơn 1 mét, vì vậy chuyện cứ mưa là ngập là đương nhiên. Cách thôn Quan Nam 2 1km là 13 hộ dân thôn Quan Nam 5, nằm sát mép dự án kênh thoát lũ Hòa Liên, hơn 3 năm nay cũng không còn đường giao thông, phải lội qua ruộng và các bãi sình lầy để ra vào KDC. Người dân đã kiến nghị di dời sớm, nhưng đất tái định cư chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật như đường, điện, cống rãnh... nên người dân không thể nhận được đất làm nhà ở, ổn định cuộc sống mới. Còn ở tổ 2, thôn Quan Nam 6 liền đó có khoảng 70 hộ dân. KDC này sát bờ kè dự án Kênh thoát lũ Hòa Liên được xây dựng vững chắc tiếp giáp với Khu đô thị Quan Nam-Thủy Tú. Vậy là mùa mưa, KDC Quan Nam 6 trở thành "bờ kè" bên kia của Kênh thoát lũ Hòa Liên. Ông Ngô Văn Nam-một người dân trong thôn cho biết: "Cứ mưa lũ xuống là bà con tôi kéo nhau chạy khỏi làng... Người dân đã kiến nghị di dời nhiều lần rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy "hồi âm", mà bữa nay đã tới gần giữa năm 2018, lại sắp đến mùa mưa nữa rồi...!".  Để phục vụ cho các dự án đang triển khai, con đường ĐT601 là con đường huyết mạch nối các xã vùng Tây Bắc Hòa Vang, từ nhiều năm nay mùa mưa thì chìm trong bùn nước, mùa nắng bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng. Hàng chục héc-ta đất nông nghiệp không thể sản xuất, vì thiếu nước tưới tiêu do ảnh hưởng của các dự án đang triển khai...

Nhiều dự án chậm tiến độ, chậm triển khai ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân ở Hòa Liên.

Dự án chậm triển khai, nguyên nhân từ giải tỏa đền bù...?

Ông Trương Tấn Mạnh-Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, xã có 13 thôn, thôn nào cũng bị ảnh hưởng các dự án, có những thôn di dời hẳn, chỉ riêng đất sản xuất nông nghiệp đã thu hồi 320 ha, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Trong 38 dự án trên địa bàn xã, có 14 dự án đang triển khai, 6 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 4 dự án trọng điểm của thành phố gồm, Kênh thoát lũ Hòa Liên, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn-Túy Loan), dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Còn lại là các dự án chậm triển khai. Nói về các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ, các nhà đầu tư đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù chậm. Về nguyên nhân này, ông Mạnh lý giải do các hộ dân chậm giao mặt bằng; nhiều hộ dân đã nhận 80% kinh phí đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng tiếp tục kiến nghị; thiếu đất tái định cư thực tế cho dân... Trong đó cũng có nguyên nhân: Hòa Liên không có chỗ thuê nhà nên khó khăn trong công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng; cơ sở hạ tầng nhiều khu tái định cư chưa đảm bảo; nhiều kiến nghị của người dân chậm giải quyết; nhiều hộ dân bị thu hồi hết đất nông nghiệp nên khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề để ổn định cuộc sống...; ô nhiễm môi trường trong quá trình thực hiện các dự án ảnh hưởng đến đời sống người dân...

Từ những bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng ở Hòa Liên hiện nay như một công trường, ngổn ngang các dự án, công tác khớp nối quy hoạch chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo ông Mạnh, đầu năm 2018 này, chính quyền  địa phương đã kiến nghị với thành phố nên xem xét các các dự án chậm triển khai, nếu không cần thiết có thể hủy bỏ để nhân dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, cũng như khớp nối quy hoạch thành phố. Đề nghị sớm triển khai một số khu Tái định cư để bố trí đủ đất tái định cư thực tế cho người dân. Những dự án không thuộc trọng điểm của thành phố kéo dài thời gian giải tỏa gây bức xúc cho nhân dân, dễ phát sinh điểm nóng gây mất ANTT, đề nghị thành phố yêu cầu sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện... Từ thực trạng và những nguyên nhân có thể thấy, thành phố cần nhanh chóng rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các dự án đang triển khai tại vùng Tây Bắc Hòa Vang mà trọng điểm là trên địa bàn xã Hòa Liên, để các dự án triển khai đúng kế hoạch, đúng tiến độ, sớm ổn định đời sống cho dân.

HỒNG THANH