Ngổn ngang trước năm học mới (2)

Thứ sáu, 21/08/2015 08:44

* Kỳ cuối: Cần có lộ trình, phân kỳ đầu tư

(Cadn.com.vn) - Đặc thù của ngành GD-ĐT là việc tổng kết năm học được tính đến hết tháng 5 hằng năm. Theo đó, nếu trường học nào được đầu tư xây dựng thêm phòng học mới hoặc nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho năm học tiếp theo thì thời gian để triển khai việc xây dựng tính ra chưa đến 3 tháng hè.

Trong khi đó, để được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học phải trải qua rất nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, phụ thuộc nhiều vào ngân sách được phân bổ hằng năm. Đây chính là nguyên nhân chính khiến công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học mới của ngành GD-ĐT (không riêng gì Đà Nẵng) hằng năm luôn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Đừng để cho đến gần năm học mới mà trường lớp vẫn còn ngổn ngang như thế này! Ảnh chụp vào sáng 18-8 tại hành lang trường TH Hoàng Văn Thụ. 

"Vỡ trận" học 2 buổi/ngày

Trưởng phòng GD-ĐT Q. Liên Chiểu Lê Văn Nghĩa cho biết, cùng với tốc độ đô thị hóa và quá trình chỉnh trang đô thị, tình hình tăng dân số cơ học trên địa bàn Liên Chiểu biến động theo từng năm. Nếu như năm học trước, số lượng HS đầu năm học tăng  964 HS thì trong năm học mới này, toàn quận tăng 2.031 HS ở 2 cấp bậc TH, THCS, tương đương với 2 trường học.

Từ nhiều năm nay, ngành GD-ĐT Q. Liên Chiểu luôn chịu nhiều áp lực về cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện chủ trương của TP tiến tới năm học 2015-2016, 100% HS bậc TH được học 2 buổi/ngày. Chính vì lẽ đó mà có đề án thành lập trường TH Võ Thị Sáu nhằm giảm tải áp lực cho trường TH Ngô Sĩ Liên.

Trường TH Ngô Sĩ Liên được xếp vào loại nhất nhì của Q. Liên Chiểu về chất lượng dạy-học. Tuy nhiên, do không đảm bảo tiêu chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất nên đến nay trường chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Năm học mới này, với việc tách và thành lập trường TH Võ Thị Sáu, 536 HS trường TH Ngô Sĩ Liên (trong đó 403 HS đang học ở trường cũ và 133 HS lớp tuyển mới) được tách về trường mới đã góp phần giảm tải áp lực và nâng tỷ lệ HS trường TH Ngô Sĩ Liên được học 2 buổi/ngày đạt 80%, tăng lên gần 60% so với năm học trước. 

Qua tìm hiểu được biết, ngoài việc khẩn trương xây dựng trường TH Võ Thị Sáu, năm học mới này, ngành GD-ĐT Q. Liên Chiểu được đầu tư xây dựng 32 phòng học cho các trường TH Phan Phu Tiên, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Văn Trỗi, nâng tổng số HS bậc TH trên địa bàn quận được học 2 buổi/ngày lên 80% (năm học trước là 46%). Như vậy, dù cố gắng đến đâu, Liên Chiểu vẫn chưa thể thực hiện được 100% HS bậc TH được học 2 buổi/ngày trong năm học này.

Không riêng gì Liên Chiểu, Thanh Khê cũng chịu nhiều áp lực không kém về cơ sở vật chất để thực hiện tốt chủ trương 100% HS bậc TH được học 2 buổi/ngày. Chủ trương xây dựng mới trường TH An Khê cũng là nhằm giảm sự quá tải của trường TH Bế Văn Đàn. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thi công công trình này vẫn chưa thể hoàn thành (giai đoạn 1).

Trước tình hình này, tại buổi giao ban định kỳ giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê ngày 10-8, lãnh đạo Q. Thanh Khê đã đi đến kết luận vấn đề liên quan đến việc tuyển sinh của trường TH An Khê như sau: "Với điều kiện hiện nay, việc đưa vào sử dụng trường TH An Khê trong năm học mới 2015-2016 theo chỉ đạo của TP sẽ phát sinh một số bất cập, dễ gây phản ứng từ cha mẹ HS. Giao BQL dự án tham mưu văn bản báo cáo TP về tiến độ thi công và lý do khách quan chưa thể đưa công trình vào sử dụng trong năm học mới. Giao Phòng GD-ĐT Q. Thanh Khê chủ trì phối hợp Phòng Nội vụ và UBND P. An Khê tham mưu các nội dung chuẩn bị cho hoạt động nhà trường từ năm học mới 2016-2017".

Liên quan đến vấn đề cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới, đặc biệt là việc triển khai dạy 2 buổi /ngày đối với HS bậc TH trên địa bàn Q. Thanh Khê, ông Nguyễn Tý - Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết: Toàn quận hiện có 9/15 trường TH (không tính trường An Khê đang xây dựng) có đủ phòng học để tổ chức 100% HS được học 2 buổi/ngày, đạt tỷ lệ 83,3%, tăng gần 2% so với năm học trước. Các trường còn lại gồm: Trần Cao Vân, Bế Văn Đàn, Hoa Lư, Điện Biên Phủ, Dũng Sĩ Thanh Khê, Lê Quang Sung chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức 100% HS học 2 buổi/ngày...

Tương tự, ngành GD-ĐT Q. Hải Châu cũng được đầu tư kinh phí để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 23 phòng học phục vụ cho năm học mới. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thúy Hà- Trưởng phòng GD-ĐT quận thì hiện nay vẫn còn 6 trường TH/20 trường TH trên địa bàn quận chưa đạt 100% HS được học 2 buổi/ngày. Theo đó, năm học mới 2015-2016 này, toàn quận có 83% HS bậc TH được học 2 buổi/ngày (tăng khoảng 2% so với năm học trước...".

Xét trên tổng thể mặt bằng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện nay, dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng thì năm học 2015-2016 này, các trường TH trên địa bàn toàn TP Đà Nẵng vẫn không thể đạt được 100% HS được học 2 buổi/ngày như chủ trương đề ra.

Trường TH An Khê đang trong quá trình xây dựng giai đoạn 1 chưa hoàn thành nên tạm hoãn công tác tuyển sinh.

Cần có lộ trình, phân kỳ đầu tư

Trong quá trình tìm hiểu tiến độ thi công các công trình xây dựng phục vụ năm học mới, chúng tôi nhận thấy có không ít nhà quản lý GD e ngại khi trả lời vấn đề này với phóng viên. Mặc dù, trong thâm tâm ai cũng muốn trình bày những bất cập liên quan đến lộ trình, phân kỳ đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy-học...

Từ những phản ứng của PH xảy ra trong ngày 18-8 vừa qua (đã nêu trong bài 1) hay việc trường TH An Khê chưa thể tuyển sinh được trong năm học mới 2015-2016, có thể thấy, nguyên nhân chính bắt nguồn từ lộ trình đầu tư xây dựng trường học chưa được chuẩn bị chu đáo, dẫn đến việc trường mới chưa hoặc không hoàn thành kịp trước thềm năm học mới...

Có một điều cần phải lưu ý, đặc thù của ngành GD-ĐT là việc tổng kết năm học được tính vào giữa năm. Trong khi đó, quá trình lên kế hoạch, ghi vốn để đầu tư thường diễn ra vào cuối năm. Theo đó, một công trình trường học nếu được rót vốn đầu tư cho năm tới (tính theo cách tính năm của tài chính -P.V) thì sau khi trải qua các quy trình, thủ tục rất phức tạp phải mất hơn nửa năm mới tiến hành xây dựng. Vì vậy, muốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm đảm bảo phục vụ đúng tiến độ của năm học mới cần phải tính theo kiểu gối đầu trước đó 1 năm mới mong kịp tiến độ.

Nói khác đi, việc thực hiện xây dựng cơ sở vật chất trường học cần phải có lộ trình chuẩn bị kỹ và phải có sự phân kỳ đầu tư theo hướng trọng điểm, ưu tiên. Với lộ trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành GD-ĐT phục vụ năm học mới còn nhiều vấn đề đáng bàn như hiện nay, nếu không có sự thay đổi trong tư duy cùng lề lối quy trình thực hiện, câu chuyện liên quan đến vấn đề này vẫn còn dài tập, "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"...

P.Thủy