Ngư dân Cù Lao Chàm làm du lịch

Thứ sáu, 26/08/2016 10:48

(Cadn.com.vn) - Chỉ mất 20 phút di chuyển bằng ca nô cao tốc từ Cảng Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam), chúng tôi có mặt tại Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm). Tàu vừa cập bến, vợ chồng anh Nguyễn Tung và chị Nguyễn Thị Hiệp xăng xái ra tận nơi đón khách. Bằng chất giọng đặc trưng của miền biển xứ Quảng, anh chị đon đả hỏi thăm tình hình sức khỏe của từng thành viên trong đoàn và hướng dẫn chúng tôi mang tư trang về nhà mình, bắt đầu một chuyến du lịch homestay cực kỳ thú vị. Căn nhà cấp 4 của anh chị được ngăn thành nhiều phòng để phục vụ khách du lịch. Lúc chúng tôi đến, có 2 nhóm du khách ngoại quốc đang lưu trú. Một nhóm 3 bạn sinh viên tới từ Australia và Hà Lan tranh thủ kỳ nghỉ hè đến du lịch Cù Lao Chàm. Một gia đình người Anh gồm 2 vợ chồng và 2 cô con gái xinh xắn cũng chọn Cù Lao cho chuyến du lịch homestay của mình.  Tháng 7, biển Cù Lao Chàm trong xanh và lặng sóng. Đoàn chúng tôi hơn 10 người được vợ chồng anh Tung chăm sóc chu đáo như những người thân trong gia đình. Chị Hiệp tất bật chuẩn bị thức ăn đặc sản địa phương như tôm, mực, ghẹ còn anh Tung thì gọi thuyền đưa khách lặn ngắm san hô, câu cá và tắm biển. Cả hai tỏ ra rất chuyên nghiệp trong việc giao tiếp với khách ngoại quốc, mặc dù vốn ngoại ngữ còn hạn chế. Tại Bãi Hương, nhà anh Tung chị Hiệp mở dịch vụ homestay đầu tiên sau khi đảo Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới vào năm 2009.

Từ năm 2009, nhiều hộ gia đình ở Cù Lao Chàm chuyển đổi ngành nghề từ đánh bắt hải sản sang phục vụ du lịch để phù hợp với điều kiện sinh sống. Cùng thời điểm này, chị Vanessa Weiss quốc tịch Ba Lan làm việc tại một khách sạn ở TP Hội An tình nguyện ra Cù Lao Chàm dạy ngoại ngữ miễn phí cho ngư dân để mở dịch vụ homestay. Vợ chồng anh Tung, chị Hiệp là một trong số ít ngư dân Cù Lao đăng ký theo học. Mãi đến năm 2013, sau khi nắm bắt được một ít vốn ngoại ngữ giao tiếp cơ bản, họ quyết định nâng cấp ngôi nhà cấp 4 và tham gia đăng ký mở dịch vụ homestay. Thông qua giới thiệu, quảng bá của chị Vanessa Weiss trên mạng Internet, nhiều khách du lịch nước ngoài chọn gia đình chị Hiệp làm nơi nghỉ chân trong chuyến hành trình khám phá Cù Lao Chàm. Sau 2 năm tham gia kinh doanh, kinh tế gia đình của họ cùng một số ngư dân ở Bãi Hương khá lên trông thấy.

Anh Nguyễn Tung đưa khách đi lặn ngắm san hô.

Chị Hiệp bảo, bản thân ít học, lại không có điều kiện đi lại nhiều nên việc phục vụ khách du lịch nước ngoài còn nhiều bỡ ngỡ. Khi khách đến, chị ghi sẵn một loạt các dịch vụ bằng tiếng Anh trên bảng niêm yết để khách căn cứ theo đó mà trả tiền. Bảng giá các dịch vụ được phiên âm thành 3 phần gồm tên tiếng Anh, nghĩa tiếng Việt và cách phát âm theo ngữ điệu tiếng Việt. Cái nào khách không hiểu thì gia chủ ra hiệu... bằng tay. "Khó nhất là việc chuẩn bị thức ăn cho khách ngoại quốc. Mỗi người một khẩu vị, nhưng được cái là mình nấu gì khách ăn nấy, hiếm có người phàn nàn", chị Hiệp chia sẻ. Cho chúng tôi xem cuốn sổ đăng ký khách lưu trú, anh Tung khoe, năm 2015, có 429 khách đến lưu trú tại nhà anh. Trừ các khoản chi phí, vợ chồng anh thu nhập được 150 triệu đồng. Từ tháng 1 đến tháng 7-2016, có 110 khách, dự kiến đến tháng 10-2016 sẽ đạt doanh thu bằng năm 2015. Bãi Hương là nơi có nhiều gia đình đăng ký dịch vụ Homestay nhất Cù Lao Chàm. Cụ thể, toàn Cù Lao có 33 gia đình hoạt động dịch vụ homestay thì Bãi Hương chiếm tới 12 hộ, Thôn Cấm và Bãi Làng mỗi nơi 8 hộ, riêng Bãi Ông chỉ có 5 hộ. Sở dĩ Bãi Hương thu hút được nhiều khách du lịch là do nơi đây có bãi tắm, bãi san hô đẹp, người dân địa phương nhiệt tình, hiếu khách, biết giữ gìn môi trường sống an lành...

Chị Nguyễn Thị Hiệp chuẩn bị bữa sáng cho du khách ngoại quốc.

Đêm Cù Lao, chúng tôi chọn dịch vụ cắm trại ngủ tại bãi biển. Bên đống lửa trại, chúng tôi được anh Nguyễn Tung cùng chủ tàu vận chuyển khách tham quan Nguyễn Thành kể nhiều chuyện lý thú về quê hương mình. Anh Thành bảo, trước giải phóng, mảnh đất này hoang vu lắm. Cha anh cùng một số người dân Hội An vì không muốn đi lính cho chế độ ngụy giết hại đồng bào mình nên dùng thuyền vượt biển ra đây mưu sinh. Ngày đó họ mưu sinh rất vất vả, mỗi khi có lính ngụy từ Hội An ra truy quét là phải tìm chỗ trốn. Họ là những ngư dân đầu tiên sinh sống trên đảo và sinh con đẻ cái, lập nên những ngôi làng đông đúc như ngày nay. Anh Thành và Tung là cư dân thế hệ thứ 2 sinh ra tại đảo nên hơn ai hết rất hiểu và yêu quý mảnh đất này. Bây giờ, chính các anh là những người gìn giữ, bảo tồn,  quảng bá Cù Lao Chàm đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Nguyên Thảo