Ngư dân khổ vì bị tư thương ép giá
(Cadn.com.vn) - Giữa đại dương mênh mông, khi may mắn gặp được luồng cá, cái khí thế hào hứng của ngư dân bừng lên bao nhiêu, thì khi tàu về cập cảng, nỗi lo bị thương lái ép giá lại tăng bấy nhiêu.
Ép giá giảm hơn 50%
Ông Trần Hạnh (40 tuổi, trú Phổ Quang- Đức Phổ- Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu Qng 94173 đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) cho biết, trong chuyến đi biển vừa qua tổn phí lên tới 150 triệu đồng, thu được 15 tấn cá ngừ các loại, giá bán cho đầu nậu trung bình khoảng 8 ngàn đồng/kg, trong khi vào thời điểm này năm ngoái được trung bình 20 ngàn đồng/kg. Đơn cử như cá ngừ sọc dưa-loại tốt nhất mà tàu của ông khai thác được, tư thương chỉ trả 16 ngàn đồng/kg, trong khi loại cá này ngoài chợ lẻ bán từ 35 – 40 ngàn đồng/kg. Ông Hạnh chia sẻ, rất khó khăn chúng tôi mới khai thác được cá đưa về cảng, nhưng bị ép giá quá, mà không bán thì không được.
Cùng nỗi lo, ngư dân Lê Quang Trưởng ở Sa Huỳnh – Quảng Ngãi, chủ tàu QNg 94123 cho biết, đầu năm giá mực loại tốt khi bỏ mối còn được 200 ngàn đồng/kg giờ thì tàu về nhiều, trúng lớn, các đầu nậu ép giá xuống chỉ còn 130 – 145 ngàn đồng/kg. Tương tự cá rác bị ép giá giảm hơn 50% chỉ còn 7-8 ngàn đồng/kg; cá vụn cho heo bị ép từ 8 ngàn đồng/kg xuống còn 2,5 ngàn đồng/kg. Ông Trưởng ngậm ngùi trong khi giá cá bị ép rớt thê thảm thì tổn phí từ dầu, đá, nhân công... không ngừng tăng lên. Đơn cử như đá tăng từ 12 lên 15 ngàn đồng/cây, rồi dầu tăng lên 11 ngàn đồng/lít, rồi mì tôm, nước uống, thực phẩm khô cũng đều tăng.
Với hầu hết ngư dân, việc đánh bắt trên biển đã nhiều bất trắc, việc tạo đầu ra cho sản phẩm còn khổ hơn nhiều. Đặc biệt thời gian gần đây, việc khai thác thủy sản được mùa, trong khi thương lái Trung Quốc do những phức tạp trên biển Đông đã không sang thu mua như bình thường. Hệ quả là được mùa thì rớt giá. Ngư dân Lê Văn Phương, chủ tàu QNg 94285 cho biết, khai thác được nhiều rất mừng, nhưng cứ nơm nớp lo đến đoạn vào bờ bỏ mối cho đầu nậu. Trong mỗi 100 triệu đồng tiền cá thu về, chủ tàu phải trả phí cho đầu nậu 2 triệu đồng. Vậy mà khi cá về cảng phải lên xe ngồi chầu chực cả ngày mới có xe của đầu nậu tới chở đi.
Được mùa nên ngư dân bị tư thương ép giá. |
Phá thế liên minh
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết, từ rất lâu nay đã hình thành mối liên kết giữa đầu nậu và ngư dân theo phương thức chủ nậu cho ngư dân vay tiền mua sắm ngư cụ, đầu tư phí tổn để ra khơi, khi ngư dân khai thác hải sản về phải bán lại cho chủ nậu, trong đó ngư dân không cần thế chấp, không phải chịu lãi suất. Bởi lẽ đó, trong liên minh này, việc mua bán không thể theo nguyên tắc thị trường bình thường và bao giờ thiệt hại cũng về ngư dân. Mặt khác đặc điểm ngư dân mình khai thác trên một con tàu đủ chủng loại, kích cỡ nên không thể đổ đồng bán cho các nhà máy được mà phải qua đầu nậu để phân loại.
Để phá thế liên minh nói trên, ông Lĩnh cho rằng Nhà nước phải có cơ chế riêng để có các dịch vụ cung cấp vốn, hậu cần cho ngư dân hoặc ngư dân phải hình thành các hợp tác xã để có thể vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, tại các cảng cá phải có những kho đông lạnh, có tổ chức đứng ra thu mua, phân loại sau đó đem đấu giá...
“Nếu để ngư dân tự bơi, họ không thể bơi xa. Việc hỗ trợ ngư dân không phải cho họ một cục tiền, quan trọng phải có cơ chế riêng, họ được vay vốn ngân hàng, được cung ứng các dịch vụ hậu cần, các dịch vụ bao tiêu sản phẩm một cách bài bản. Đặc biệt họ phải được trang bị những kỹ thuật, các mô hình khai thác hiệu quả, như vậy họ mới có thể bám biển, sống được với nghề. Chúng ta cứ nói mỗi ngư dân là cột mốc chủ quyền trên biển thì phải làm cột mốc ấy vững chắc hơn bằng những hành động cụ thể”- Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Việt Nam Trần Văn Lĩnh bộc bạch.
Hải Hậu