Ngư dân trắng tay sau vụ hàng loạt tàu cá bị cháy

Thứ hai, 31/07/2023 08:20
Đầu tư hàng tỷ đồng để góp vốn đóng tàu làm công cụ mưu sinh, thế nhưng chỉ sau một đêm, 5 tàu cá của ngư dân bị thiêu rụi hoàn toàn. Trắng tay, bất lực khi nợ ngân hàng đang dồn ứ, người dân chỉ biết trông chờ vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước để họ sớm vực dậy sau vụ hỏa hoạn.
Chị Trần Thị Hồng (bìa phải) ngồi thẫn thờ khi phải đối mặt với những khó khăn sau vụ cháy tàu.
Chỉ trong 1 đêm 5 tàu cá của ngư dân đã bị thiêu rụi.

Bất lực nhìn tàu cá bị thiêu rụi

Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã đưa tin, khoảng 20 giờ ngày 28-7, tàu cá do ông Bùi Xuân Xin (1969, trú xã Quỳnh Long, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm chủ đang neo đậu tại cảng cá Lạch Quèn bất ngờ bốc cháy dữ dội. Ngay lập tức người dân địa phương cùng lực lượng chức năng tại chỗ nỗ lực dập lửa, đưa các tàu cá khác đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do gió to khiến ngọn lửa lan nhanh sang các tàu bên cạnh khiến 5 tàu cá bị thiêu rụi hoàn toàn, nhiều chiếc khác bị hư hại nhẹ.

Thời điểm xảy ra cháy tàu, tại cảng Lạch Quèn có khoảng 80 con tàu có công suất lớn, mỗi tàu còn trữ lượng khoảng 3.000 - 5.000 lít dầu đang neo đậu sát nhau. Trong số 5 tàu bị cháy có 4 tàu được vay vốn đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Theo ước tính ban đầu, vụ cháy đã gây thiệt hại hơn 45 tỷ đồng khiến nhiều ngư dân rơi vào cảnh trắng tay.

Khi hay tin tàu cá bốc cháy, ông Bùi Xuân Xin phi như bay đến hiện trường. Thế nhưng, đến nơi thì đám cháy bao trùm cả tàu và các tàu lân cận. Nhìn toàn bộ vốn liếng, tài sản cháy rụi, ông Xin bị sốc nặng, hoảng loạn, la hét trong vô vọng. Con tàu trị giá khoảng 10 tỷ đồng là toàn bộ tài sản của gia đình ông Xin cùng các bạn thuyền góp vốn trong phút chốc đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Hiện ông Xin đang được người thân đưa đi cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe.

Một số tàu sau khi cháy đã bị chìm.

Ngày 29-7, tại hiện trường đám cháy, một số tàu cá chỉ còn trơ lại khung gỗ bị cháy đen thành than, một số tàu sau khi cháy bị nhấn chìm. Chị Trần Thị Hồng (trú xã Quỳnh Long, H.Quỳnh Lưu) ngồi thất thần bên chiếc tàu cá bị cháy còn trơ khung cho biết, gia đình chị gom góp hơn 2 tỷ đồng để hùn vốn với anh, em đóng tàu từ năm 2017. “Nghe tin tàu cháy, tôi vội chạy ra thì thấy tàu cá bị ngọn lửa bao trùm toàn bộ, chỉ biết bất lực đứng nhìn chứ cũng không cứu chữa gì được. Chiếc tàu được gia đình tôi và anh em trong họ vay ngân hàng, thậm chí thế chấp nhà cửa vay vốn để đóng. Bây giờ ngân hàng chưa trả hết thì tàu cháy, gia đình trắng tay, không biết sắp tới sẽ ra sao trong khi tàu cá cũng không mua bảo hiểm” - chị Hồng gạt nước mắt.

Cũng như chị Hồng, gia đình anh Trần Văn Đoàn (trú xã Sơn Hải, H.Quỳnh Lưu) cùng 10 người khác chung vốn đóng tàu từ năm 2016. Chiếc tàu cá trị hơn 9 tỷ đồng được anh em vay mượn, hùn vốn đóng. Thế nhưng chỉ sau một đêm, tất cả đã trở thành đống phế liệu.

Khung gỗ trơ trọi cháy đen còn sót lại trên tàu.

Anh Trần Văn Đoàn cho hay, sau khi hạ thủy, tàu anh cũng ra khơi đánh bắt cá thường xuyên, nhưng những năm qua điều kiện khó khăn, nhiều thời điểm thậm chí còn phải bù lỗ xăng dầu nên đến nay vẫn chưa trả hết tiền vay ngân hàng. “Chiều hôm trước, tôi vừa cùng anh em bơm 200 triệu đồng tiền dầu để chuẩn bị ra khơi thì đến đêm xảy ra hỏa hoạn. Giờ tàu cháy rụi, chẳng còn gì nữa. Đến nay, gia đình tôi vẫn nợ ngân hàng 2,3 tỷ đồng, chưa tính đến số tiền vay mượn nơi khác. Điều mong muốn nhất bây giờ là mong Nhà nước, công ty bảo hiểm có chính sách phù hợp để hỗ trợ ngư dân chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này” – anh Toàn chia sẻ.

Mỗi chiếc tàu cá đều là vốn liếng của nhiều anh, em họ hàng chung nhau đóng. Vừa là phương tiện “câu cơm” duy nhất của gia đình, vừa tạo công ăn việc làm cho người thân trong nhà. Bởi vậy, vụ hỏa hoạn không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các chủ tàu và những người góp vốn mà còn làm mất công ăn việc làm của nhiều người.

Dù không góp vốn đóng tàu, nhưng chị Hồ Thị Thủy, một doanh nghiệp cung cấp đá lạnh, dầu cho các chủ tàu cá ở cảng Lạch Quèn cũng rơi vào tình trạng điêu đứng bởi lâu nay chị Thủy thường bán nợ dầu, đá lạnh cho các tàu cá ra khơi, khi tàu về bán được hàng sẽ trả dần. “Trong số 5 tàu cá bị cháy rụi thì có 2 tàu đang nợ tôi hơn 1 tỷ đồng tiền dầu và tiền đá. Nhưng giờ tàu cháy, ngư dân trắng tay rồi, mình cũng không biết phải lấy tiền đâu để tiếp tục kinh doanh nữa” – chị Thủy nói.

Đã tìm được nguyên nhân

Ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC đã có mặt kịp thời, huy động 4 xe chữa cháy cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Công an H.Quỳnh Lưu, Đội PCCC số 4 Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, Ban Quản lý cảng cá Lạch Quèn, các phòng, ban, ngành chức năng tham gia. Lực lượng chữa cháy đã nỗ lực khống chế để lửa không lan ra rộng và di chuyển các tàu thuyền ở gần đó đến địa điểm khác. Đến 0 giờ sáng 29-7, vụ cháy đã được dập tắt hoàn toàn.

UBND H.Quỳnh Lưu đã tập trung công tác chỉ đạo khắc phục vụ cháy, đồng thời chỉ đạo Công an H. Quỳnh Lưu khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân. Bước đầu, H.Quỳnh Lưu thống nhất trích kinh phí hỗ trợ mỗi gia đình chủ tàu 20 triệu đồng để khắc phục thiệt hại.

Chị Trần Thị Hồng (bìa phải) ngồi thẫn thờ khi phải đối mặt với những khó khăn sau vụ cháy tàu.

Ngày 30-7, ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND H.Quỳnh Lưu cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, cơ quan công an đã vào cuộc khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc. Bước đầu, xác định, nguyên nhân vụ hỏa hoạn xuất phát từ sự cố chập điện tại tàu cá mang số hiệu NA-99699TS do ông Bùi Xuân Xin làm chủ tàu, sau đó cháy lan sang nhiều tàu cá khác.

Dương Hóa