Ngư dân trúng đậm nhờ “về ít, đi nhiều”
Mờ sáng mồng 6 Tết, tàu QNg 98667 TS của tỉnh Quảng Ngãi mang theo hơn 5 tấn hải sản cập âu thuyền Thọ Quang sau gần nửa tháng đánh bắt tại vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa. Ngư dân Nguyễn Văn Lân hào hứng cho biết: “Hơn 15 năm đi biển, tôi có tới 7 cái Tết đón giao thừa giữa trùng khơi. Tất nhiên là không thể sắm sanh, chúc Tết như ở đất liền, nhưng bên mâm cơm, cỗ bánh, ai cũng cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới. Mẻ lưới đầu năm sau giao thừa mang về hơn 1 tấn cá ngừ, cá thu. Hy vọng năm nay đánh đâu thắng đó”.
Ngư dân sắp xếp ngư lưới cụ để xuất hành ra biển trong mùng 6 Tết. |
Trong ngày mồng 6 Tết, chỉ có 10 tàu cá vào âu thuyền Thọ Quang nhưng gần 70 tấn thủy sản gồm cá ngừ, cá thu, cá mú, cá hồng, cá cam... đã được các đầu nậu mua hết với giá cao hơn những ngày bình thường.
Theo anh Trần Văn Thành – Thuyền trưởng tàu cá HT-90393 TS, sau một năm ăn Tết với gia đình là đến một năm anh và 9 đồng nghiệp đón giao thừa ở Hoàng Sa hoặc vùng tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ. Ngay sau khi cúng giao thừa, các thuyền viên sẽ kéo mẻ lưới đầu tiên rồi thuyền trưởng lì xì năm mới lấy may. Lúc đầu tính “gặp” luồng thì ngày mồng 2 tết sẽ quay đầu, nhưng thấy chưa đã nên đến ngày mồng 4 tết mới cập cảng Thọ Quang, bán những mẻ cá đầu tiên trong năm mới. “Chuyến xuyên biển năm nay sản lượng không bằng mọi năm, nhưng bù lại lượng tàu vào bờ ít hơn, lượng cung thấp nên các đầu nậu thu mua với giá tương đối cao, tính theo số ngày lao động, thu nhập anh em tốt hơn nhiều. Trung bình mỗi anh em có khoảng chục triệu đồng sau hơn 10 ngày. Bây giờ các tàu khác xuất bến thì mình mới bắt đầu ăn Tết. Nghề biển, cứ được mùa là tết thôi”, anh Trần Văn Thành vui vẻ.
Trong khi các tàu thực hiện chuyến đi biển vắt qua 2 năm chọn ngày mồng 6 Tết để cập cảng thì nhiều tàu cá công suất lớn của Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang bắt đầu cúng mở biển và giong thuyền ra khơi trong thời tiết cực kỳ lý tưởng. Theo cộng đồng ngư dân, ngày mồng 6, mồng 8 và mồng 10 tháng Giêng là thời điểm tốt nhất của một chuyến đi vào giữa vụ cá Bắc và vụ cá Nam.
Anh Trần Văn Cường – Thuyền trưởng tàu cá ĐNa – 90872 của Đà Nẵng, chuyến đi đầu tiên trong năm mới Âm lịch sẽ là tiền đề cho một năm khai thác bội thu. Năm mới Mậu Tuất là một trong những năm có thời tiết lý tưởng để các tàu cá miền Trung làm lễ xuất hành. “Cuối năm Đinh Dậu, nhiều tàu phải kết thúc hành trình sớm hơn dự kiến do đợt không khí lạnh kéo dài thì đầu năm mới thời tiết lại rất đẹp. Nhìn anh em cập cảng với cá đầy khoang, chúng tôi lại háo hức lên đường cho chuyến biển kịp rằm tháng Giêng của năm Mậu Tuất. Trời êm thế này, kiểu gì cũng có lộc đầu năm của biển”, nói xong thuyền trưởng Trần Văn Cường cho nổ máy, đánh lái ra khơi.
Những chuyến đi biên vắt qua 2 năm mang về cho ngư dân lượng cá lớn, giá ổn định. |
Theo ông Nguyễn Lại – Trưởng phòng Khai thác dịch vụ thuộc Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, từ cuối năm Đinh Dậu đến đầu năm mới Mậu Tuất là thời gian rất thuận lợi cho ngư dân miền Trung thực hiện chuyến đánh bắt vắt qua 2 năm cũng như bắt đầu một lịch khai thác cho năm mới. Dù sản lượng không vượt trội so với những năm trước nhưng giá cả của thủy sản những ngày đầu năm tương đối ổn định nên các tàu vào bờ đều tiêu thụ rất nhanh. Ngay trong ngày “lộc” (ngày mồng 6), trong khi nhiều tàu cập cảng với những mẻ cá tươi rói thì hàng trăm tàu cá miền Trung cũng đã cúng mở biển và chọn giờ ra khơi.
“Anh cứ xem chợ đầu mối, cá lên bao nhiêu thì tiểu thương mua hết bấy nhiêu. Trong khi có khoảng 10 tàu cập bến thì hơn 100 tàu công suất lớn nổ máy ra khơi. Cứ thời tiết này, chỉ khoảng nửa tháng nữa thôi Đà Nẵng sẽ đón những con tàu trở về đầy khoang. Với ngư dân, chuyến biển đầu tiên trong năm mới thuận lợi thì cả năm sẽ bội thu”, ông Lại cho biết.
BẢO NAM