Ngủ quên kiếp đá Apsara (Kỳ 2: Kiều Maily- con gái của người Chăm)

Thứ tư, 06/03/2019 21:06

Một trong những kiệt tác điêu khắc của người Chăm sáng tạo ra là hình tượng vũ nữ Yang Naitri (Apsara) nay vẫn còn lưu giữ trên các bức phù điêu, tượng bằng sa thạch. Vũ nữ Apsara hiện diện hầu khắp di tích Chăm. Và, với Kiều Maily, người đang nỗ lực bảo tồn văn hóa cho dân tộc mình, tôi đã nhìn thấy bóng dáng của vũ nữ Apsara ngàn đời trong cô- con gái của người Chăm. Nếu như những tàn phai của văn hóa Chămpa đối với đời sống hiện đại chỉ là điều "tất yếu" thì với cộng đồng người Chăm lại là nỗi niềm đau đáu khôn nguôi. Với lòng tự hào dân tộc khi dòng máu Chăm linh thiêng vẫn chảy trong huyết mạch, Maily đã quyết tâm hành động để bảo vệ văn hóa của dân tộc mình, cũng là bảo tồn một trong những di sản lớn của nhân loại.

Kiều Maily luôn nỗ lực bảo tồn nền văn hóa dân tộc mình. 

Sinh năm 1985 tại tỉnh Ninh Thuận, nơi có cộng đồng người Chăm đông đúc nhất Việt Nam nhưng Kiều Maily đã chọn mảnh đất Hội An (Quảng Nam) làm nơi gửi gắm những giấc mơ của mình. Là nghệ sĩ hoạt động tự do, Kiều Maily có nhiều cơ hội thể hiện bản thân mình qua những cuốn sách cô viết, những vần thơ cô gieo, những chương trình văn hóa mà cô là diễn giả. Nhưng cũng chính vì hoạt động tự do mà có không ít lần Maily cảm thấy hoang mang, cô độc bởi những dự án của mình chưa có một vị trí thực sự trong cộng đồng người Việt.

Nói về việc chọn Hội An làm nơi sống và làm việc sau rất nhiều năm bôn ba đây đó, Maily cho biết qua 15 năm  sống ở Sài Gòn, cô thấy cuộc sống ở đây quá xô bồ, thật sự không phù hợp với người hoạt động lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Chăm. "Tôi nghĩ mình phải có hướng đi khác, làm thế nào để kết nối với bạn bè trên thế giới biết đến người Chăm dù ít hay nhiều. Và tôi chọn Hội An vì nơi đây tổng hòa nhiều nền văn hóa, cũng là nơi tập trung nhiều du khách thế giới muốn hiểu biết về Chăm nói riêng và văn hóa Việt nói chung. Về Hội An, tôi cảm giác rất thoải mái, nhẹ nhàng như được trở về quê hương mình. Lúc ấy tôi biết mình đã đi đúng hướng", Maily chia sẻ.

Nhận thấy Hội An là mảnh đất đủ "bao dung" cho những dự định của mình, Maily bắt tay vào việc tìm kiếm những chương trình phù hợp để có thể quảng bá văn hóa Chăm đến mọi người. Đây cũng là thời điểm Maily vỡ lẽ ra rất nhiều điều về cách thức bảo tồn văn hóa Chăm nói chung và bảo tồn văn hóa Chăm tại Quảng Nam nói riêng. Maily cho biết: "Tôi có vài lần ghé thăm Mỹ Sơn, xem buổi trình diễn múa Chăm. Đó là những điệu múa mà những cô gái Chăm hay trình diễn trên sân khấu làng ở quê tôi, còn ở đây là các cô gái người Kinh múa thì linh hồn nó đã khác đi nhiều. Các cô gái Chăm múa có thể chưa được chuyên nghiệp nhưng hồn vía Chăm được biểu hiện rất rõ qua từng động tác cơ thể, sinh động qua nét mặt. Cái hồn chính là tâm điểm của nghệ thuật múa Chăm. Trong khi đó Quảng Nam có di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn nhưng cộng đồng người Chăm ở đây lại quá ít, họ chủ yếu ở đây để làm việc thôi vì vậy khôi phục văn hóa Chăm chỉ là hình thức chứ chưa tác động được về chiều sâu".

Kiều Maily cho biết, muốn tìm một chỗ để có thể biểu diễn các điệu múa, bài hát Chăm ở TP Hội An thật vô cùng khó khăn.

Từ sự quan sát các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trưng bày văn hóa Chăm, Maily phát hiện hoạt động văn hóa Chăm ở xứ Quảng còn rất nghèo nàn, lúc ẩn, lúc hiện. Ngay cả ở Hội An, dù nhu cầu thưởng thức văn hóa của du khách rất lớn nhưng khi muốn tìm chỗ biểu diễn múa Chăm cho du khách xem cũng không có. Khó khăn chất chồng, Maily nhiều lần lại cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, nhưng tinh thần của một người con Chăm vẫn thôi thúc cô không bỏ cuộc. Trong "cái khó ló cái khôn", Maily đã kết hợp với một số chương trình văn hóa khác, lồng ghép những câu chuyện về người Chăm vào đó, vừa tạo dấu ấn cho chương trình vừa góp phần quảng bá văn hóa Chăm.

Và với sự nỗ lực, Maily ít nhiều đang tạo nên một làn gió mới cho các hoạt động bảo tồn văn hóa Chăm tại Quảng Nam. Những câu chuyện kể về áo dài của người Chăm, về ẩm thực Chăm dần thu hút đông đảo khán giả người Việt. Maily tin rằng bằng cách đi chậm nhưng chắc, cách làm văn hóa này sẽ mang lại hiệu quả. "Hiện nay, tôi có tổ chức chương trình "Chăm đẹp trên mọi nẻo đường" được ba lần tại Sài gòn và Hội An với thông điệp truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu trang phục truyền thống của dân tộc, bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống. Chương trình được trình diễn trên khắp đường phố, nơi có nhiều du khách tham quan và được rất nhiều các bạn trẻ tham gia thực hiện cùng tôi. Đó là một trong những cách quảng bá văn hóa Chăm của tôi. Thứ hai, chính tôi phải là người làm gương như việc luôn mặc trang phục Chăm, nói tiếng Chăm với cả những người nước ngoài, đây có lẽ là cách truyền bá văn hóa duy nhất mà tôi có thể làm được. Cạnh đó tôi cũng trình bày trống Baranưng và hát dân ca Chăm khi có yêu cầu. Và tôi cho rằng đó chính là những điều thiết thực nhất nếu muốn duy trì linh hồn Chăm trên mảnh đất này", Maily khẳng định.

Thế nhưng Maily cũng cho rằng việc giữ gìn nét đẹp Chăm không phải chỉ là trách nhiệm của các cá nhân người Chăm mà còn cần sự chung sức của cả cộng đồng. Điều quan trọng nhất đó là việc thay đổi nhận thức, người làm công tác văn hóa cần hiểu được người Chăm đã đóng góp gì cho nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam. Đó là câu chuyện dân tộc ấy đang sống như thế nào? Có gì khác hôm qua, và hôm nay đóng góp những gì cho xã hội?... Đó là những phần việc ở tầm vĩ mô, của những nhà nghiên cứu nhưng nếu không có cái nhìn tổng thể như thế thì không sớm thì muộn văn hóa Chăm sẽ bị lãng quên trong dòng chảy cuộc sống.

Phóng sự: Hà Dung

Kỳ tới: Bảo tồn văn hóa Chăm-hành trình của tương lai