"Ngư tặc" hết đất hành nghề
Nhiều năm trước, dòng sông Yên đoạn chảy qua hai xã Hòa Tiến-Hòa Khương (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) còn "rộ" chuyện khai thác cá mòi bằng xung điện, nhiều cư dân ven sông đã đặt câu hỏi: "Nếu không chấm dứt hoạt động đánh bắt theo kiểu hủy diệt đó thì các hộ dân chỉ biết khai thác bằng ngư lưới cụ truyền thống thiệt thòi quá. Nếu có thêm nhiều hộ dân trang bị bộ kích điện để cùng nhau tận diệt nguồn lợi thủy sản, liệu chính quyền có chấp nhận không?"... Chúng tôi muốn nhắc lại câu chuyện đó để thấy rằng những nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền các địa phương hiện nay trong việc ngăn chặn hiệu quả thực trạng này.
|
CAX Hòa Khương tịch thu, tiêu hủy các dụng cụ khai thác thủy sản trái phép. |
Mùa mưa lũ năm nay đi qua vùng đồng trũng, ven sông suối ở các địa bàn nông thôn Hòa Vang, tình trạng dùng xung điện khai thác thủy sản không còn như trước nữa. Ông Nguyễn Xuân (trú La Châu, xã Hòa Khương) khẳng định, dòng sông Yên bây giờ chỉ còn ghe thuyền đánh bắt cá bằng ngư lưới cụ, việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện đã được ngăn chặn tối đa. Để làm được điều này, UBND H. Hòa Vang đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, nếu phát hiện cá nhân nào cố tình khai thác thủy sản vi phạm quy định, phải kiên quyết lập biên bản tạm giữ phương tiện, tịch thu công cụ và xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, cuộc hành trình kiểm tra, truy bắt các đối tượng còn "lén lút" sử dụng xung điện thì không dễ chút nào. Tối 14-11-2017, phát hiện Lê Văn T., Nguyễn Xuân T. (1989, trú địa phương) đang ra sức tận diệt nguồn lợi thủy sản tại bàu Lệ Sơn (xã Hòa Tiến), tổ tuần tra 8394 xã phải dò đường trong bóng đêm, liên tục "lên bờ, xuống ruộng" mới tiếp cận được hiện trường. Ngoài tịch thu, tiêu hủy bộ kích điện, lực lượng chức năng còn xử phạt mỗi đối tượng 750 ngàn đồng. Anh Nguyễn Viết Dũng-Phó trưởng CAX Hòa Tiến cho biết, nếu để đối tượng phát hiện bỏ trốn thì mọi việc trở thành công cốc. Khi mình bỏ đi, các đối tượng sẽ quay trở lại, còn không di chuyển sang khu vực khác. Gặp đối tượng "tiếc của", cơ may bắt tận tay rất cao, ngược lại chỉ tịch thu được tang vật hành nghề, còn chủ nhân thì lợi dụng đêm tối băng đồng bỏ trốn. Trước đó, CAX Hòa Phước cũng bắt quả tang Đặng Hùng Đ., (trú TX Điện Bàn, Quảng Nam) bơi ghe đến "chích" cá ở mương nước từ cánh đồng Giáng Nam 1 (xã Hòa Phước) thoát ra sông Tứ Câu. Còn ở đầu nguồn sông Yên, cứ mỗi mùa mưa lũ, nhiều "ngư tặc" ở vùng giáp ranh TX Điện Bàn, H. Đại Lộc (Quảng Nam) lại bơi ghe hoạt động. Khi lực lượng CAX Hòa Khương truy đuổi, các đối tượng liền qua khúc sông thuộc địa phương khác tiếp tục hành nghề; trong đó, không ít phương tiện dùng điện lạnh khai thác. Đây là loại thiết bị tận diệt nguồn thủy sản ở phạm vi rộng và sâu...
|
"Ngư tặc" hành nghề ở đầu nguồn sông Yên, thuộc địa phận TX Điện Bàn (Quảng Nam). |
Bên cạnh đó, các đối tượng châm cá còn dùng nhiều chiêu thức để đối phó với lực lượng chức năng như giấu xe máy một nơi, hành nghề một nẻo, hoặc khi bị phát hiện liền cất giấu bình điện, xách theo chiếc nơm úp cá làm vật chứng, còn qua mặt không được thì chuyển sang năn nỉ. Khi bị tịch thu dụng cụ hành nghề, Lê H. (trú H. Đại Lộc) còn chống chế, ngày đi làm thợ hồ, đêm đến mới tranh thủ chạy xe ra địa bàn giáp ranh châm lươn kiếm thêm thu nhập. Do chủ yếu châm lươn nên cặp sào trên tay H. dài cỡ 2m, đầu gắn cây sắt nhọn để thọc sâu xuống chân ruộng. Gặp dòng điện mạnh, bắt buộc lươn phải ngắc ngoải trồi đầu. Trong giỏ lươn H. đánh được đêm đó có vài con chỉ mới to bằng ngón tay út... Năm 2017, lực lượng CA các xã trên địa bàn H. Hòa Vang đã phát hiện gần 20 trường hợp sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản, tịch thu thiết bị thì nhiều nhưng xử lý người vi phạm thì ít bởi các đối tượng khi bị phát hiện là "bỏ của chạy lấy người"; trong đó không ít người từ các địa bàn giáp Quảng Nam lấn "sân" hành nghề.
Điều dễ nhận thấy, sau mỗi đợt kích điện thì các cánh đồng trở thành cánh đồng chết do sự tận diệt không thương tiếc của con người. Bất luận vì mục đích mưu sinh hay lợi nhuận, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện đã hủy hoại không nhỏ đến môi trường sinh thái. Bởi vậy, chúng tôi tin rằng, với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo UBND H. Hòa Vang, với các xử lý kiên quyết, dứt điểm của UBND các xã, cùng sự phối kết hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng; thời gian đến, chắc chắn các "ngư tặc" trong và ngoài địa phương sẽ hết đất hành nghề.
VY HẬU