Người Đà Nẵng dễ thương

Thứ hai, 03/02/2020 21:23

Dưới con mắt và cảm nhận của nhiều người thì Đà Nẵng có một môi trường văn hóa rất trong lành cùng một bản sắc văn hóa riêng có. Tất cả “vốn quý” đó bắt nguồn từ một nhân tố mang tính căn bản, đó là “Con người Đà Nẵng”. Nói một cách gần gũi và bình dân, con người Đà Nẵng có những nét rất dễ thương, tính cách đó thể hiện qua những biểu hiện bên ngoài, từ nụ cười, ánh mắt, cử chỉ lẫn nội tâm, thông qua những cách ứng xử giàu tính nhân văn của những con người Đà Nẵng, điều không khó bắt gặp mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống đời thường ở thành phố “đầu biển cuối sông này”.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chụp ảnh với người dân Đà Nẵng mà ông gặp trên đường phố.

Dưới con mắt và nhận xét của bạn bè gần xa, người Đà Nẵng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp. Đó là sự thân thiện, hiếu khách, sẵn sàng hợp tác của mọi người từ em bé đến cụ già, từ anh tài xế taxi đến anh cảnh sát giao thông với những du khách, bạn bè gần xa. Người Đà Nẵng luôn chào đón du khách bằng sự thân thiện, cởi mở. Hầu hết mọi người đều sẵn lòng làm hướng dẫn viên “tình nguyện” với nụ cười luôn thường trực trên môi. Con người nơi đây đọng lại trong lòng du khách là sự dễ thương, đáng yêu và hóm hỉnh dường như đã thành thương hiệu.

Một người bạn của tôi, từ một tỉnh phía Bắc, lần đầu tiên đến Đà Nẵng, đã thốt lên rằng: “Người Đà Nẵng sao mà thân thiện, dễ thương thế!”. Anh nói, chỉ đơn giản việc hỏi đường thôi mà bất kỳ ai cũng hướng dẫn rất tận tình, cặn kẽ, điều mà những thành phố lớn khác không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một chị bạn nữa của tôi cũng kể lại rằng, khi mới đến Đà Nẵng, vì chưa thuộc đường, thỉnh thoảng phải dừng lại hỏi, khi chị hỏi chị bán bánh mỳ thì cả những người đang uống nước mía gần đó cũng bước ra chỉ dẫn rất tận tình, có người còn lấy xe dẫn mình đi qua khỏi đoạn khó diễn tả nữa. Điều này làm chị bạn tôi rất xúc động.

Một dẫn chứng nữa rất sinh động về tính cách dễ thương của người Đà Nẵng là sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ mọi người một cách vô tư, không vụ lợi, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, không may. Là một thành viên của Ban quản trị Trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - đẹp”, người viết thường xuyên nhận được những thông tin của các thành viên gửi đăng tin nhờ thông báo đến “khổ chủ” là những người bị mất, thất lạc giấy tờ, tiền bạc, tư trang mà nhiều khi có giá trị rất lớn liên hệ nhận lại mà không đòi hỏi một điều kiện nào, thậm chí có người còn tìm địa chỉ người mất để đến tận nơi trao lại.

Có một thành viên kể lại rằng: “Lúc trưa nay mẹ mình có đánh rơi ví tại khu vực của chợ Cồn đường Ông Ích Khiêm. Trong ví gồm nhiều giấy tờ tùy thân và cả tiền. Đang rầu vì tưởng đâu mất luôn rồi nhưng chiều nay có anh thanh niên chủ động điện thoại cho mẹ mình bảo có nhặt được ví của mẹ và tới tận nhà để trả lại”. Đăng thông tin mất của, mất tiền hy vọng ai đó cho nhận lại là lẽ thường tình nhưng đăng tin nhặt được của rơi, tài sản thất lạc để người mất nhận lại thì không phải ở đâu cũng có. Đó còn là những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời khi tiếp ứng máu cho những trường hợp bệnh nhân, nạn nhân của vụ tai nạn nào đó đang cần gấp máu để truyền, hay quyên góp tiền cho những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo...

Sự dễ thương của người Đà Nẵng còn thể hiện đậm nét ở tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau trong việc làm cho thành phố quê hương sạch hơn, đẹp hơn. Thông qua mạng xã hội, đã có những “phong trào tự phát” được phát động nhưng rất có tổ chức để đi dọn rác ở các bãi biển, trên bán đảo Sơn Trà và “điển hình” nhất là năm 2017, khi trước ngày Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 khai mạc một ngày, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, đường phố xơ xác, băng rôn, cờ xí tả tơi, rác tràn bãi biển... Vậy mà, sau khi Chủ tịch UBND TP phát lời kêu gọi thì ngay lập tức, toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ và chiến sĩ của Đà Nẵng, đặc biệt là các bạn trẻ, không hẹn mà gặp, đồng loạt xuống đường, bất chấp mưa gió, không quản ngày nghỉ, đã có mặt từ sáng sớm cùng với các lực lượng chức năng khắc phục, dọn dẹp vệ sinh môi trường để ngày hôm sau thành phố khang trang, sạch đẹp sẽ đón quan khách và bạn bè gần xa...

Du khách quốc tế “check-in” với người dân Đà Nẵng.

Cộng đồng mạng không ít người biết về một nhóm những chàng trai còn rất trẻ, với vẻ bề ngoài khá “bặm trợn” của nhóm “Báo Đêm” (SOS Đà Nẵng). Ban ngày mỗi người mỗi việc, nhưng khi thành phố đang say giấc ngủ, họ lại rong ruổi trên khắp các tuyến đường để kịp thời hỗ trợ những trường hợp hư xe, tai nạn cần trợ giúp... Đó còn là những hoạt động từ thiện xuất hiện ở khắp nơi với đủ tầng lớp, thành phần xã hội khác nhau nhưng có một điểm chung là có tấm lòng từ thiện luôn nhớ đến những mảnh đời khốn khó hơn mình. Họ là những con người bình dị với suy nghĩ trao đi mà không nhận lại. Điển hình như chàng trai Đào Văn Vĩnh với tiệm “Bánh mỳ 0 đồng”, hay “Tiệm hớt tóc 0 đồng: cho người nghèo của chàng trai 9x trên đường Phan Đăng Lưu, những tủ đồ thiện nguyện trên đường phố Đà Nẵng với phương châm “Ai thừa mang đến, ai thiếu mời nhận”... Tất cả những con người đó, có thể không phải ai cũng khá giả nhưng họ lại rất khá giả ở tấm lòng, ở tình người...

Những con người làm nên “nét dễ thương” của người Đà Nẵng còn là các tài xế taxi ở thành phố này, những người thường được ví như “đại sứ thân thiện” để giữ khách du lịch và góp phần làm nên “thương hiệu” cho thành phố đáng sống. Và họ đã làm khá tốt vai trò này bằng những hành vi dễ thương: tài xế Nguyễn Văn Tranh (taxi Hàng Không) chủ động đến tìm một nữ du khách người Hàn Quốc để trao lại chiếc ví bên trong có 45 triệu đồng mà cô này bỏ quên trên xe; tài xế Võ Chí Công (taxi Tiên Sa) đến CAP Phước Mỹ nhờ trả lại túi xách bên trong có 1.800 USD và 2,5 triệu đồng của khách để quên trên xe; và, một lái xe khác đã trả lại 170 triệu đồng cho hành khách; chuyện về anh nhân viên bảo vệ Nguyễn Thanh Thiệt ở Cảng Hàng không Đà Nẵng trong 3 năm, đã 18 lần nhặt được của rơi đều trả lại người mất, tổng giá trị tài sản hơn 2 tỷ đồng... là các câu chuyện gây nhiều xúc động trong cộng đồng.

Từ những cách hành xử rất đời thường nhưng đậm chất nhân văn của những con người Đà Nẵng bình dị đó, đã làm toát lên một Đà Nẵng đáng mến, thân thiện đã trở thành thương hiệu trong lòng bạn bè gần xa. Những con người Đà Nẵng dễ thương đó là những tấm gương “đẹp dịu dàng mà không chói lóa” như lời một bài hát. Họ là những bông hoa có thể không rực rỡ, nồng nàn về hương sắc nhưng là những bông hoa chân chất, âm thầm tỏa hương. Trải qua chặng đường 45 năm sống trong hòa bình, 23 năm ở thành phố trực thuộc Trung ương, cuộc sống của người Đà Nẵng ngày càng khá hơn và hình ảnh về tính cách con người Đà Nẵng hiền hòa vẫn được khắc họa đậm nét, không phai mờ, dù cho quá trình đô thị hóa, kinh tế thị trường tác động theo một quy luật tất yếu.

DÂN HÙNG