"Người đàn bà hát" ở miền bazan
Mang trong mình chất hoang dã của đại ngàn, và ngọn lửa với âm nhạc của miền Tây Nguyên, "người đàn bà hát" thổi bùng lên rất nhiều đam mê trong lòng người. Ở nơi ấy, chị vẫn hát bằng nỗi niềm riêng của mình.
Tôi gặp chị trong một quán trà nhỏ giữa phố Núi Pleiku vào một ngày mưa tháng 8. Một giọng hát cất lên, mộc mạc mà đầy mạnh mẽ. Tiếng guitar thùng cùng giọng hát đặc biệt của người phụ nữ trong không gian mưa như lắng lại những cung bậc khó tả của mưa đại ngàn. Và thời gian như trôi đi nhanh hơn, nhanh như cái vẩy tay kết thúc đoạn điệp khúc đầy hoang dã của một bài hát vùng bazan.
Người đàn bà hát miền bazan. |
Hoang dã và nồng nàn
Ksor H'Hoanh, người phụ nữ Gia Rai ôm cây guitar nhìn vào mưa. Người trong quán trà nhỏ sau khoảnh khắc lắng lại yêu cầu chị hát tiếp. Chị cười rồi ôm cây đàn, lại hát, những khúc hát của miền cao nguyên đầy gió và nắng hoang hoải, đầy mưa và những nỗi niềm.
H'Hoanh bảo lâu lắm rồi chị mới ôm đàn hát lại. Cái tính hoang dã và nồng nàn của người Tây nguyên vẫn hằn chất trong chị, thoát ra trong từng lời hát, ghim lại trong từng nốt đàn. Tiếng hát của H'Hoanh đặc biệt trong không gian quán, không gian âm nhạc đặc biệt của núi rừng Tây Nguyên. Người trong quán thả lòng vào từng giai điệu của chị, như một điệu nhảy xoang dập dìu, say lối mà khi nghe chẳng ai có thể ngồi yên, cùng nắm tay nhún nhảy theo nhạc. Tiếng hát ngưng lại rồi, tiếng đàn ngưng lại rồi, nhưng nhiều người vẫn say sưa bên chị.
Tôi gọi chị là "người đàn bà hát"; hát bằng đôi mắt, bằng trái tim và bằng âm giọng trời phú, nghe âm vang trùng điệp của rừng thiêng, nước lớn mùa lũ về. Chị hát bằng tình yêu âm ỉ như người mẹ địu con lên nương, như con chim mẹ bảo vệ con trước giông bão. Chị hát khi yêu. Hát khi buồn. Hát khi vui. Hát khi đơn độc. Hát để cầu nguyện. Hát để san sẻ tình yêu thương. Giọng hát cao vút như trời xanh, lanh lảnh trong không gian mà khi nghe bất giác chúng ta phải "rùng mình". Và chị hát như trải cả nỗi lòng của người Gia Rai bao đời trên đại ngàn này.
Chỉ cần được hát
Nhiều người chắc không biết đến chị, nhưng chẳng hề gì. Với chị, chỉ cần được hát, được thỏa lòng mình là đủ.
Nhưng nếu ai hỏi cặn kẽ, sẽ biết được chị từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi hát. Có người so sánh chị với "Họa mi núi rừng" Siu Black, chị chỉ cười và bảo mỗi người có một cái chất riêng. Chị không bao giờ so sánh. Chị vẫn thế, như khí chất hiền hòa và ngạo nghễ của người Tây Nguyên với những khúc sử thi hào hùng, lại có lúc mềm mại dịu dàng và đằm thắm như suối nước. Ở chị, có đủ cả những tố chất ấy.
Và chắc mọi người cũng ít biết, rằng H'Hoanh là vợ của Ksor Thức, một người đàn ông Tây Nguyên cũng đã mang tiếng hát của mình đi khắp nơi. Ít ai biết được tình yêu đầy trắc trở và vượt qua không ít ngang trái của hai người Gia Rai này. Khi ấy H'Hoanh đã có gia đình, có con cái, đã ly hôn chồng, còn Ksor Thức là một chàng trai mới tốt nghiệp sư phạm mỹ thuật. Hai người cùng tham gia những cuộc thi giọng hát ở nhiều nơi. Và rồi chẳng biết tình yêu đến tự lúc nào. Thế nhưng vì là trai chưa vợ, nên Ksor Thức bị gia đình ngăn cấm. Thức đã vượt qua tất cả ngăn cấm và lệ tục của làng để đến với H'Hoanh. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố của cuộc đời, Thức vẫn yêu và ở bên H'Hoanh đến giờ.
Cả hai cùng chung tay xây một gia đình nhỏ, cùng chung tay xây dựng nên một không gian văn hóa của người Gia Rai mang tên Bazan - quán nổi tiếng cả trong nước và quốc tế lâu nay. Không gian ấy có hẳn một đội chiêng, đội xoang phục vụ du khách, có những món ẩm thực từ vườn nhà nguyên bản chất Tây Nguyên, với tất cả phần hồn tinh túy độc đáo của người và đất này.
Bên ngoài đang mưa, đôi tay H'Hoanh lại lướt trên phím guitar thùng, gõ những âm vang trầm bổng trên và những giai điệu cao nguyên mê đắm lòng người. Mùa này miền bazan đang mưa, nếu ai đó có đến phố núi, hãy thử một lần lắng nghe "người đàn bà hát" này.
TIÊU DAO