Người dân cần lấy hóa đơn để ngăn chặn thất thu thuế

Thứ bảy, 09/01/2016 10:19

(Cadn.com.vn) - Đó là đề nghị của ông Nguyễn Đình Ân, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng khi trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về triển khai Kế hoạch 10159 của Chủ tịch UBND TP ngày 22-12-2015 về chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà hàng khách sạn. 

Ông Nguyễn Đình Ân

P.V: Ông đánh giá gì về tình hình thu thuế từ dịch vụ kinh doanh nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố?

Ông Nguyễn Đình Ân: Năm 2015, tình hình thu thuế trên địa bàn thành phố đạt kết quả khá tốt, tổng thu vượt dự toán được giao 28%. Tuy vậy, vẫn còn thất thu đối với một số lĩnh vực, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng chưa tương xứng với quy mô nguồn lực thành phố đã đầu đầu tư. Đa số các DN, hộ kinh doanh khách sạn, nhà hàng có số khai, nộp thuế còn thấp và dấu hiệu thất thu thuế trong lĩnh vực này rất lớn. Đơn cử, trong những năm gần đây lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đều tăng mạnh, năm 2015 có 4,6 triệu lượt. Trong đó khách quốc tế khoảng 1,25 triệu lượt, khách nội địa khoảng 3,35 triệu lượt, tăng 28,7% so với 2014. Nhưng thực tế, đóng góp cho ngân sách của nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thì còn khiêm tốn. Nhìn chung, số thu trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng số thuế, phí thu được hàng năm.

P.V: Ông có thể cho biết những hành vi nào của chủ nhà hàng khách sạn gây  cản trở khách hàng lấy hóa đơn và chế tài xử phạt đối với trường hợp người chủ nhà hàng, khách sạn không chịu cấp hóa đơn cho khách hàng?

Ông Nguyễn Đình Ân: Thông thường khi khách hàng sử dụng dịch vụ của khách sạn, nhà hàng muốn lấy hóa đơn ngay lập tức được chủ nhà hàng, khách sạn không chịu cấp liền mà hẹn 3 ngày sau vì lý do hết hóa đơn, hoặc là kế toán đi vắng không xuất được hóa đơn, hoặc hóa đơn hiện đã hết chưa kịp mua, đặc biệt đưa ra yêu cầu nếu khách hàng phải tính thêm 10% VAT trên phiếu tính tiền... Tôi xin nhấn mạnh, Cục Thuế thực hiện việc bán hóa đơn cho các đơn vị 24/24 giờ, bán cả thứ bảy, chủ nhật, thậm chí cả ban đêm nên không có lý do gì mà chủ nhà hàng báo hết hóa đơn được. Trường hợp người bán (chủ nhà hàng, khách sạn) không chịu lập hóa đơn sẽ bị xử phạt tối đa 20 triệu đồng theo Nghị định 109/2013 của Chính phủ. Tôi cũng lưu ý, Nghị định Chính phủ quy định rõ khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần thì buộc bên bán hàng phải xuất hóa đơn, còn dưới 200 ngàn đồng nếu người mua yêu cầu thì bên bán vẫn phải lập hóa đơn. Ngay trong tháng 1 này, chúng tôi sẽ công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo Cục Thuế nếu trường hợp nhà hàng, khách sạn nào không chịu cung cấp hóa đơn sẽ tiến hành xử phạt nghiêm minh.

P.V: Ông có thể nêu những khó khăn trong việc chống thất thu thuế từ nhà hàng, khách sạn?

Ông Nguyễn Đình Ân: Thực tế cho thấy, việc chống thất thu thuế nói chung và thất thu tại nhà hàng, khách sạn nói riêng luôn luôn khó khăn, phức tạp. Chủ trương “bán hàng phải cấp hóa đơn, mua hàng phải nhận hóa đơn” không được người bán và người mua hàng thực hiện nghiêm túc, đặc biệt ở lĩnh vực nhà hàng ăn uống, các dịch vụ vui chơi giải trí có nhiều phương thức tinh vi về kê khai giá phòng, khai báo thuế... Trong khi đó, công tác phối hợp của cơ quan thuế với một số ngành chưa chặt chẽ, các ngành chưa chủ động cung cấp cho cơ quan thuế thông tin liên quan về quản lý thuế và chống thất thu thuế. Bên cạnh đó, người dân và du khách thường có thói quen không lấy hóa đơn khi sử dụng dịch vụ đã tạo một kẽ hở rất lớn hay nói cách khác tiếp tay cho nhà hàng, khách sạn trốn thuế.

P.V: Vậy, để hạn chế tình trạng thất thu thuế trong thời gian đến chúng ta cần phải làm gì thưa ông?

* Năm 2015, Cục Thuế đã tiến hành rà soát hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế 21.631 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Qua rà soát kiến nghị: điều chỉnh tăng số thuế phải nộp 9 tỷ đồng, giảm lỗ 133,7 tỷ đồng, giảm khấu trừ 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế: 1.968 đơn vị, kiến nghị tăng thu 68,91 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Ân: Để chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, ngay trong tháng 1- 2016, Cục Thuế áp dụng đồng bộ các giải pháp như: cử cán bộ thuế giám sát tại chỗ đối với các hoạt động của nhà hàng, khách sạn, như: Tổ chức ra quân, bố trí cán bộ thuế theo dõi, hướng dẫn cho các đơn vị nộp thuế, cử tổ công tác đến từng nhà hàng, quán ăn treo dán áp phích về việc “bán hàng phải cấp hóa đơn, mua hàng phải nhận hóa đơn; phối hợp liên ngành 5 đoàn kiểm tra (Công an; Thuế; Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Sở Tài chính; UBND các quận huyện) để giám sát năng lực, số phòng, số bàn, giá cả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng hóa đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về các hành vi không đăng ký lưu trú, trốn doanh thu, khai khống chi phí, nợ đọng thuế; In mẫu phiếu tính tiền giống nhau để áp dụng cho các nhà hàng, khách sạn; yêu cầu các đơn vị nhà hàng, khách sạn phải niêm yết công khai giá (đã có VAT) để tránh trường hợp là khi khách hàng lấy hóa đơn, chủ khách sạn, nhà hàng yêu cầu khách trả thêm 10%. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng trạng thất thu thuế trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, người dân nên lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ, nếu không vô tình đã tiếp tay cho việc trốn thuế. Bên cạnh đó nếu trường hợp có phát sinh các vướng mắc trong quá trình mua bán (sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, dẫn đến hư hỏng hoặc ngộ độc thực phẩm trong ăn uống...) nếu không có hóa đơn thì các cơ quan chức năng sẽ không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

P.V: Xin cảm ơn ông!

X.Đ (thực hiện)