Người dân Đà Nẵng đi xét nghiệm COVID-19 tăng đột biến
Theo lãnh đạo Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng, trong khoảng 5 ngày gần đây, Trung tâm ghi nhận số lượng người đến xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu tăng đột biến, đặc biệt là thời điểm Đà Nẵng phát hiện các ca dương tính trong cộng đồng.
ThS.BS Ngô Đức Hải - Giám đốc Trung tâm cho hay, trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 10 người đến xét nghiệm để làm thủ tục xuất cảnh hoặc công tác, thì đợt này mỗi ngày trung bình có khoảng 30 đến 40 người đến làm xét nghiệm. Đối tượng chủ yếu là người đi du lịch từ nơi khác về Đà Nẵng, những người đi hội thảo ở những địa điểm tập trung đông người, nhân viên của một số đơn vị… đã từng đến một sổ điểm cảnh báo. Lượng khách đi lẻ đã tăng gấp 10 lần so với ngày thường và đang có dấu hiệu tăng thêm nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài ra, mỗi ngày Trung tâm cũng đón thêm nhiều nhóm xét nghiệm theo đoàn, theo công ty, đơn vị. Giá làm xét nghiệm khoảng 1,5 triệu đồng/người và đa số người đến làm xét nghiệm đều muốn làm độc lập (làm gộp nhóm chi phí sẽ thấp hơn).
Được biết, ngày 24-4, Viện Pasteur Nha Trang đã tiến hành kiểm tra, đánh giá năng lực xét nghiệm virus SARS -CoV-2 của Phòng xét nghiệm Thiện Nhân thuộc Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng. Đây là đơn vị y tế tư nhân đầu tiên được Sở Y tế TP Đà Nẵng cấp phép phối hợp cùng CDC Đà Nẵng xét nghiệm sàng lọc SARS -CoV-2. Tháng 8-2020, phòng xét nghiệm Thiện Nhân đã xét nghiệm SARS -CoV-2 cho hơn 8.000 người, phục vụ tích cực cho công tác phòng chống dịch COVID-19 của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, đặc biệt vào đợt dịch cao điểm tại Đà Nẵng tháng 8-2020, đáp ứng nhu cầu an toàn sản xuất, đi lại, xuất cảnh… theo qui định phòng chống dịch cho nhiều người.
Trao đổi với phóng viên chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, Bác sĩ Lê Hữu Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Gia đình cho rằng, việc người dân đi xét nghiệm theo yêu cầu cho thấy tinh thần chủ động, quan tâm đến sức khỏe, biết lo lắng trong phòng dịch. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên ở khía cạnh phòng chống dịch lâu dài, bền vững, đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng yếu tố quan trọng nhất là tính tự giác phòng dịch ở mỗi người. Về xu hướng xét nghiệm tự nguyện, theo bác sĩ Dũng, vẫn có một số bệnh nhân tới nhưng sau khi khai thác thông tin y tế, nếu phát hiện các yếu tố không phức tạp thì mình khuyến cáo họ không cần phải làm. Vì song song với việc xét nghiệm COVID-19, người dân cũng phải hiểu là cách ly và tự bảo vệ thậm chí còn quan trọng hơn. “Xét nghiệm thời điểm này âm tính cũng không đảm bảo được rằng ngày mai có âm tính hay không. Thực tế xét nghiệm dịch vụ cũng là một việc mà chúng tôi rất cân nhắc, thậm chí là không có chủ trương dịch vụ hóa. Nếu dương tính giả thì gây hoang mang cho người dân, âm tính vào thời điểm chưa có biểu hiện lại gây ra tâm lý chủ quan. Chúng tôi tư vấn cho người dân rằng, tự bảo vệ mình và cộng đồng là quan trọng nhất”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Về tâm lý vội vàng, lo lắng của người dân trong trường hợp mình phải cách ly nhưng chưa được xét nghiệm, Phó Giám đốc Bệnh viện Gia đình cho rằng, tất cả người dân trong diện có nguy cơ đều được chính quyền và ngành chức năng đánh giá, phân tích theo thứ tự ưu tiên. Bác sĩ Dũng kể, ngay sau khi biết 20 nhân viên của mình thuộc diện F2 liên quan đến một ca bệnh, quản lý một nhà hàng đã chủ động liên hệ với bệnh viện để làm xét nghiệm cho số người này. Sau khi lắng nghe các yếu tố dịch tễ, bệnh viện đã khuyến cáo cả 20 người tuân thủ nghiêm túc chế độ cách ly tại nhà hơn là thực hiện xét nghiệm. Vì F2 thì quan trọng nhất là không ra khỏi nhà, tự bảo vệ mình và bảo vệ cho cộng đồng. Cơ quan chức năng sẽ theo dõi F1 của họ, nếu F1 dương tính thì chắc chắn họ sẽ được xét nghiệm. Đó mới là thời điểm quan trọng và cho kết quả chính xác nếu trong suốt thời gian theo dõi họ chấp hành đúng các khuyến cáo. “Chứ nếu vội vàng, nôn nóng làm xét nghiệm rồi cho kết quả âm tính thì họ nghĩ rằng đã an toàn và lập tức sẽ không cách ly tại nhà nữa. Điều này có thể xảy ra hậu quả khôn lường. Chúng ta cần hiểu vì sao phải cách ly tại nhà mà chưa được xét nghiệm. Là vì F1 của họ đang âm tính thì F2 không cần thiết. Chính quyền và ngành chức năng luôn theo dõi, quan tâm đến những người có nguy cơ, theo hệ thống và khoa học để có phương án phòng chống dịch tốt nhất”, bác sĩ Dũng cho hay.
CÔNG KHANH
LẤY MẪU XÉT NGHIỆM TẠI NHỮNG NƠI CÓ LIÊN QUAN CA NHIỄM COVID-19
Ngày 5-5, hàng trăm tiểu thương chợ Phước Mỹ (Q. Sơn Trà) và chợ Cẩm Lệ (Q. Cẩm Lệ) cùng người dân sống khu vực xung quanh đã được cơ quan y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tìm kiếm virus gây bệnh COVID-19. Cộng đồng tiểu thương và người dân được nhanh chóng tổ chức xét nghiệm truy vết do ca bệnh 2989 là nữ nhân viên massage khách sạn Phú An trên đường 2-9 đã đến các chợ này mua sắm và tiếp xúc nhiều người. Cùng ngày, hơn 200 người là nhân viên bar New Phương Đông và một khách sạn bên cạnh cũng được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Ngay sau khi hoàn thành việc lấy mẫu, cơ quan chức năng yêu cầu người dân ở trong nhà, không di chuyển cho đến khi có kết quả xét nghiệm khẳng định an toàn. Hai chợ nói trên và bar New Phương Đông cũng được phong tỏa tạm thời để phun khử khuẩn, thực hiện các quy trình phòng chống dịch. |