Người dân khóc ròng khi lúa đen ngòm vì ngậm nước bãi than

Thứ sáu, 13/05/2022 10:35
 Hàng chục hộ dân thôn Phước Thuận – Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng gặp phải vụ mùa trắng tay vì gặt lúa về vừa hao hụt sản lượng vừa không thể ăn do nhiễm nước than đen. Người dân cho biết, nơi đây từng có hàng chục con trâu bò bị chết do uống nước ngoài đồng bị ô nhiễm từ một bãi tập kết than trên cao thải ra không qua xử lý.
Bãi than Đông Bắc từ trên cao thải nước xuống đồng gây thiệt hại nặng nề về mùa màng cho người dân thôn Phước Thuận – Phước Hậu.
Lúa nhà ông Mười, bà Cước đen xỉn, đến gà cũng không ăn được.

Người nhìn lúa khóc, gà cũng không ăn được

Theo phản ánh, chúng tôi về thôn Phước Thuận – Phước Hậu để tìm hiểu vụ việc. Đây là địa phương mà hàng chục năm qua người dân phải khổ sở vì ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp vì hoạt động của hàng chục mỏ đá vây quanh. Thẩn thờ bên những bao lúa có cũng như không, ông Bùi văn Mười cho biết, tình trạng ô nhiễm thì đã phải chịu lâu nay, nhưng đây là vụ mùa đầu tiên mà người dân thu hoạch mùa màng trong tình trạng bất an, không dám ăn lúa do mình đã tốn công sức, chi phí chăm sóc.

Không chỉ sản lượng bị hao hụt, lúa gặt về đen xỉn, phơi lên thì nhẹ xốp, gạo xay ra vừa bị biến màu vừa biến chất. Nguyên nhân của hiện tượng này là trong đợt mưa lớn vừa qua xuất hiện dòng nước đen ngòm từ bãi than Đông Bắc nằm trên cao chảy xuống, theo dòng suối tống thẳng ra đồng. Một cánh đồng lớn của thôn ngập trong nước than, lúa ngậm sữa cũng ngậm luôn nước than rồi cho ra hạt đen hạt xám. Cánh ruộng nào bị ngã đổ thì tình trạng càng nghiêm trọng hơn. “Tui xay lúa ra đó nhìn thấy sợ nhưng cũng nấu lên ăn thử. Nuốt không nổi luôn. Lạ nữa là đưa cho gà thì gà cũng không ăn. Giờ chồng mấy bao để đó mà không biết rồi sắp tới lấy chi ăn”, ông Mười cho biết.

Cùng chung hoàn cảnh éo le này, bà Nguyễn Thị Cước (70 tuổi) cũng ngán ngẩm nhìn những bao lúa chất trong nhà mà không thể dùng. Nhà bà Cước nằm ngay bên cánh đồng dưới chân bãi than Đông Bắc. Sau trận mưa, bà đi thăm đồng thì không tin vào mắt mình khi chứng kiến lúa ngập trong biển nước đen ngòm. Màu hạt lúa sau đó chuyển đen theo từng ngày khiến ai có ruộng tại đây cũng lo lắng. “Cùng diện tích đó, những vụ mùa trước tôi gặt về hơn 60 bao. Mà năm nay đếm tổng cộng được 17 bao. Đã thế lại không dám ăn. Tôi già lại bị bệnh nặng, chồng cũng mất sức lao động rồi. Mỗi năm làm được có một vụ mà giờ như thế này thì không biết sắp tới lấy gì mà ăn”, bà Cước than thở.

Theo bà Cước, trước khi xảy ra hiện tượng “lúa đổi màu”, những năm trước đã từng xuất hiện hàng chục con trâu bò của người dân lăn ra chết vì bị tiêu chảy sau khi uống nước, ăn cỏ trên cánh đồng này. Sự việc cũng trùng hợp với thời điểm nước từ bãi than Đông Bắc xả thẳng ra đồng mà không hề có biện pháp xử lý. Theo bà Cước: “Năm đó không trúng vụ mùa nên không ảnh hưởng đến lúa, nhưng nước trên đồng thì đen ngòm, sau khi nước rút đi cỏ cũng đen. Không ai kết luận được nguyên nhân chính xác nhưng bằng kinh nghiệm của mình, người dân biết rõ xuất phát từ nước ô nhiễm của bãi than”.

Bãi than Đông Bắc từ trên cao thải nước xuống đồng gây thiệt hại nặng nề về mùa màng cho người dân thôn Phước Thuận – Phước Hậu.

Hỗ trợ mỗi sào 600 nghìn!

Theo người dân, sau khi phản ánh vụ việc, chính quyền địa phương, chủ bãi than đã có buổi làm việc để đánh giá hiện trạng và có phương án hỗ trợ, bồi thường. Tuy nhiên, tất cả các hộ dân có diện tích lúa bị ảnh hưởng cảm thấy ngạc nhiên là phía doanh nghiệp đưa ra mức hỗ trợ 600 nghìn cho mỗi sào lúa. Vì đây là số tiền quá ít so với thiệt hại mùa màng, không đủ để mua gạo. “Tôi 70 tuổi, lại bị bệnh nan y. Chồng cũng yếu hung. Cầm tiền này chảy nước mắt chú à. Sao người ta coi sức lao động, sức khỏe của người dân rẻ vậy”, bà Nguyễn Thị Cước ngán ngẩm.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Đăng Tường – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền đã trực tiếp xuống thôn, làm việc với chủ bãi than và lập biên bản. Chính quyền cũng phối hợp Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện đánh giá thiệt hại, đề xuất phương án xử lý. “Đúng là doanh nghiệp hỗ trợ 600 nghìn đồng đối với mỗi sào lúa của người dân bị ảnh hưởng. Xã cũng đề nghị cơ quan chức năng huyện xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường, khắc phục các vi phạm trước mắt. Về lâu dài cần đưa bãi than này ra khỏi khu dân cư”, ông Tường cho hay.

Theo ông Trương Tấn Mạnh – Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường H. Hòa Vang, qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định đợt mưa lớn vừa qua đã làm nước từ bãi than tràn ra ra suối, đổ ra đồng. Đây là nguyên nhân dẫn đến lúa của người dân bị nhiễm màu đen, không sử dụng được. Phòng đã lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ xử phạt đối với vi phạm này đồng thời yêu cầu phía doanh nghiệp bồi thường, hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Hiện tại toàn bộ các hộ dân đã thống nhất phương án, nhận tiền hỗ trợ 600 nghìn/sào. Về kiến nghị đưa bãi than ra khỏi khu dân cư như nguyện vọng của người dân, ông Mạnh cho hay: “Hiện tại vị trí này thành phố đang quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Nhơn. Cho nên phải chờ quy hoạch để khớp nối, đưa vào hoạt động quy củ về sau”.

Công Khanh