Người dân khóc ròng vì tiêu rụng trái hàng loạt sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật

Thứ hai, 25/07/2016 10:11

Điêu đứng nhìn cả ngàn trụ tiêu rụng trái 

(Cadn.com.vn) - Nhiều ngày nay, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Tuệ (46 tuổi, ngụ thôn Thạch Sơn, xã Ea M’dróh, H. Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc) đứng ngồi không yên khi nhìn hơn 1.500 trụ tiêu của gia đình bỗng nhiên rụng trái, đài hàng loạt chỉ vì phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Sự việc khiến không ít người dân tại địa phương hoang mang, lo sợ và đặt câu hỏi về chất lượng của loại thuốc BVTV này. Để làm rõ những thông tin nói trên, sáng 21-7, chúng tôi vượt hàng trăm kilômet để tìm đến gia đình ông Tuệ. Với vẻ mặt thất thần, ông  cho biết: “Sự việc xảy ra ngày 14-7, tôi ra Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ (74 Hùng Vương, thị trấn Quảng Phú, H. Cư M’gar) và nói tiêu của tôi đang ra hoa nên hỏi mua loại thuốc có tác dụng chống rụng và dưỡng trái. Lúc này, nhân viên của đại lý tư vấn cho tôi 2 loại thuốc là thuốc trừ sâu Metox 5Ec (của Cty CP SX thương mại dịch vụ Ngọc Tùng, tại H. Bình Chánh, TPHCM) và phân bón lá cao cấp Vitazyme (của Cty CP BVTV An Giang, tại tỉnh An Giang). Theo người bán hàng, hai sản phẩm này có tác dụng diệt con thánh giá (một lại sâu bệnh phá hoại tiêu) và để dưỡng trái cho tiêu. Đồng thời, nhân viên tên Tý khẳng định: “Hai loại thuốc này không gây hại gì cho tiêu. Chú cứ đem về xịt, nếu có vấn đề gì thì tôi sẽ chịu trách nhiệm”. Vì thế, tôi mua tổng cộng 20 chai cho hai loại thuốc”.

Không những vậy, nhân viên của Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ còn tiết lộ với ông Tuệ, phân bón lá cao cấp Vitazyme là sản phẩm sinh học, được làm từ đậu nành. Do vậy, thuốc không chỉ không gây hại cho thực vật mà người còn…uống được (!). Trước những lời tư vấn như đinh đóng cột của nhân viên bán hàng, ông Tuệ mang thuốc về trộn và phun đúng như sự hướng dẫn và chia làm nhiều đợt. Tuy nhiên, vào ngày 18-7, vợ chồng ông Tuệ  nhận được điện thoại của người em hốt hoảng bảo vào rẫy xem thế nào chứ tiêu rụng trái, đài hàng loạt rồi. Ông Tuệ chạy vào rẫy kiểm tra thì thấy hàng loạt cây tiêu bị rụng trái, đài trắng cả gốc. Bên cạnh đó, lá tiêu cháy, đọt non bị vàng úa, cháy, khô bất thường. Lá khô và cháy đến đâu thì quả và đài tiêu héo, rụng đến đó.

Theo thông tin từ người nhà, vì quá xót trước cảnh vườn tiêu ngày càng tiều tụy, mất trắng, vợ chồng bà Hoa suy sụp, không ăn, không ngủ đã nhiều ngày nay, không dám bước chân ra vườn tiêu. Vợ chồng bà càng lo sợ hơn khi số nợ ngân hàng để đầu tư cho 1.500 cây tiêu lên đến 250 triệu đồng chưa trả được. Để cứu vãn lượng trái tiêu còn sót lại trên cây, gia đình ông Tuệ đã bơm nước tưới nhiều ngày. Thế nhưng, sự cố gắng và nỗ lực của gia đình ông Tuệ đều đổ sông, đổ biển. Bởi mỗi ngày, lượng trái và đài tiêu rụng càng nhiều hơn. Trước thực trạng này, ông Tuệ đã yêu cầu Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ vào kiểm tra, khắc phục hậu quả. Đồng thời, làm đơn cầu cứu đến chính quyền địa phương. Ngay khi nhận được tin báo, CAX Ea M’dróh đã vào kiểm tra, lập biên bản vụ việc tại hiện trường và thu giữ hơn 10 vỏ chai thuốc BVTV.

Điều đáng nói, theo thông tin chúng tôi nhận được, ngoài gia đình ông Tuệ, hai hộ dân tại xã Quảng Tiến (thị trấn Quảng Phú) cũng lâm vào cảnh khốn đốn vì tiêu rụng trái hàng loạt sau khi phun thuốc BVTV tại đại lý Trông Từ. Thế nhưng, khi chúng tôi vào liên hệ làm việc thì những hộ dân này tỏ ra sợ hãi, từ chối tiếp xúc.

Bà Hoa bật khóc trước thảm cảnh xảy ra với 1500 trụ tiêu.

Tiêu rụng trái do hiện tượng “sinh lý”?

Theo ghi nhận của chúng tôi, sáng 21-7, Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ và đại diện Cty CP BVTV An Giang đã làm việc với ông Tuệ. Trong quá trình làm việc, các bên đã cùng nhau lấy hai loại thuốc BVTV nói trên phun thí nghiệm ở một diện tích tiêu tại rẫy khác. Ông Tuệ cho hay: “Sau khi làm việc, họ nói để theo dõi 10 ngày nữa xem thế nào rồi sẽ tiến hành phục hồi lại diện tích tiêu cho tôi. Thế nhưng, không ai biết được 10 ngày nữa thì rẫy tiêu của chúng tôi sẽ ra sao. Năm 2015 là năm đầu tiên quả tiêu ra bói mà chúng tôi đã thu tới 2,5 tấn. Sang năm nay, tiêu ra trái nhiều hơn nên tổng thiệt hại có thể lên đến khoảng 400 triệu đồng”.

Ông Tuệ xót xa nhìn hàng loạt trụ tiêu rụng trái, đài ngày càng nhiều và hai loại thuốc (ảnh nhỏ) mà gia đình ông Tuệ mua của đại lý Trông Từ.

Chiều cùng ngày, bà Huỳnh Thị Trâu, Chủ Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ xác nhận: “Ông Tuệ có mua 2 loại thuốc BVTV nói trên tại đại lý của chúng tôi. Trong đó, ông Tuệ cho rằng tiêu bị rụng đài, trái là do phân bón lá cao cấp Vitazyme gây ra. Trong khi đó, mặt hàng này đã được chúng tôi bán nhiều năm nay mà không hề có vấn đề gì. Do đó, ngay sau khi nhận được thông tin, tôi và đại diện Cty CP BVTV An Giang có vào kiểm tra. Kết quả cho thấy, diện tích tiêu của ông Tuệ có hiện tượng rụng trái, đài là do hiện tượng sinh lý”.

Còn bà Trâu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tiêu rụng trái hiện giờ vẫn chưa xác định được. “Có thể, do phun quá liều lượng, phun khi thời tiết quá nắng. Cũng có khả năng, trước khi phun hai loại thuốc này, người dân dùng thùng phuy phun thuốc cỏ mà không súc sạch. Do vậy, trong ống dẫn vẫn còn thuốc cỏ thì gây nguy hiểm cho tiêu là điều không tránh khỏi. Để làm rõ vấn đề này, Cty CP BVTV An Giang và tôi đang tiếp tục kiểm tra, theo dõi. Nếu như lỗi do thuốc thì chúng tôi tiến hành phục hồi lại tiêu cho người dân”–bà Trâu lý giải.

Tại buổi làm việc, chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi vì sao nhân viên của đại lý khẳng định với ông Tuệ rằng phân bón lá cao cấp Vitazyme là sản phẩm sinh học, làm từ đậu nành và người cũng có thể uống. Lúc này, bà Trâu phủ nhận: “Phân bón lá cao cấp Vitazyme uống được chỉ là câu chuyện ngoài lề. Việc nhân viên chúng tôi nói, người có thể uống được phân bón lá cao cấp Vitazyme chỉ là lời nói đùa cho vui”. Câu trả lời của bà Trâu khiến chúng tôi không khỏi ái ngại, bởi một vấn đề vô cùng nghiêm trọng vậy mà người bán hàng có thể đem ra để nói đùa để tư vấn như thật với người nông dân. Tất cả đang chờ đợi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm làm rõ nguyên nhân tiêu rụng hoa, đài gây thiệt hại lớn có phải là do dùng 2 loại thuốc như đã nói hay không, để có hướng đền bù thiệt hại cho họ.

Nguyên Trịnh