Người dân “tố” thêm nhiều bất cập của chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh

Thứ tư, 20/11/2019 12:40

* Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu kiểm tra, xử lý

Ngay sau khi đăng tải bài viết “Hàng trăm công nhân phải khổ sở với nhà xã hội vừa ở vừa… chạy (!?)”, Báo Công an TP Đà Nẵng đã tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của cư dân đang sinh sống trong chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) về những bất cập tại dự án do Cty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư.

Các cửa sổ không có ô văng thành nơi dẫn nước mưa vào nhà.

* Chiều 19-11, trao đổi với Báo Công an TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh góp phần giải quyết khó khăn về chỗ ở cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Những công trình này thành phố rất quan tâm, vì khi công nhân, người lao động an cư thì họ sẽ yên tâm làm việc để nâng cao chất lượng đời sống, đóng góp vào sự phát triển của thành phố. “Chính vì vậy, Sở Xây dựng và chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý sai sót, khắc phục các bất cập. Công nhân có thu nhập thấp mua nhà mong muốn có tài sản riêng cho mình để yên tâm làm việc, có chỗ ở đàng hoàng cho con cái, nhưng chất lượng kém đến nỗi không ở được thì không thể chấp nhận. Chủ đầu tư phải đảm bảo quyền lợi cho họ, Sở Xây dựng phải giám sát chặt việc này”, ông Thơ nói.

Ngoài nỗi ám ảnh cứ mưa là ướt lênh láng kèm với hệ thống điện chập nổ trong nhà, người dân trong tòa E2 của chung cư, đặc biệt là các hộ dân tại tầng 12 thường xuyên chứng kiến 1 thang máy bị hỏng, không hoạt động được. Tình trạng này xảy ra trong một thời gian dài, đơn vị bảo trì có đến sửa nhưng  sửa xong hoạt động lại không được bao lâu thì lại hỏng. “Mỗi năm các hộ có căn đơn thì nộp phí vận hành, bảo trì hơn 1 triệu đồng, căn đôi thì trên 2 triệu. Nhưng chất lượng các dịch vụ ở đây thì quá kém”, một công nhân mua căn hộ hơn 70m2 tại tầng 12 cho biết. Cũng liên quan đến vấn đề tiện ích của chung cư, 500 hộ dân tại 2 tòa nhà cho biết rất bức bí về chỗ để xe khi tầng hầm của mỗi tòa quá chật chội so với nhu cầu thực tế.

Những ngày qua chủ đầu tư thuê đơn vị thi công đục tường để lên sàn mái xử lý thấm dột nhưng không xử lý được.

Chính vì vậy, người dân phải để xe ngoài trời. Cũng liên quan đến tình trạng thấm dột, ngoài nỗi khổ nước thấm từ sàn mái, các căn hộ còn bị mưa “uy hiếp” từ tường bao vì cứ có mưa to là nước chui khe cửa sổ chảy vào nhà. Lý do chủ yếu là khi thi công, nhà thầu đã “quên” đặt các ô văng phía trên cửa sổ. Nhìn từ trên xuống dưới của mỗi tòa nhà 12 tầng, khung ngoại của cửa sổ phẳng theo bờ tường nên nước mưa giọt thẳng men theo bờ tường không có cách nào khắc phục. “Nhà hẹp nên phải đặt giường sát tường, nhưng có mưa lớn là phải bật dậy vì nước chảy tràn khe cửa sổ thành dòng vào tường rồi lênh láng nền nhà. Trên trần nước giọt, hành lang cũng ướt, các căn hộ có cửa sổ ở phía hứng mưa nhiều thì càng khổ nữa. Mua rồi vào ở mới thấy quá nhiều điều vô lý. Phải làm sao để khắc phục cho dân chứ thế này làm sao mà ở lâu dài”, chị Linh sống tại tầng 12 tòa nhà E1 của khu chung cư bức xúc.

Một chủ căn hộ thuê máy móc về hút nước ngấm trong trần nhà nhưng không xử lý được.

Liên quan đến các cửa sổ được xây theo kiểu “dẫn nước vào nhà”, bà Phùng Thị Hoài Thương - Phó Tổng giám đốc Cty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước trả lời, bên thiết kế nhiều khi không để ý đến điểm này, còn nhà thầu thi công thấy thiết kế như thế nào thì họ thi công như thế ấy. Nhưng sau khi đi vào vận hành thì mới lộ ra bất cập, mưa xuống thì nước chảy vào nhà. “Chuyện này chúng tôi cũng chưa nhận ý kiến nào của cư dân, mới chỉ có 1 hộ phản ánh. Nhưng có ý kiến thì chúng tôi sẽ kiểm tra”, bà Thương nói.

Một thang máy tòa nhà E2 của chung cư thường xuyên bị hỏng.

Đối với bất cập về nhà để xe, đại diện chủ đầu tư phân tích, thời điểm xây dựng lên phương án mỗi hộ khoảng 2-3 xe máy nhưng trên thực tế bây giờ số người ở nhiều nên phương tiện cũng tăng lên, chính vì vậy đơn vị đã xin điều chỉnh quy hoạch, mở rộng nhà xe, sau khi hoàn chỉnh giấy phép sẽ tiến hành xây dựng. Một vấn đề rất quan trọng được cư dân phản ánh là đã mua nhà được gần 1 năm nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành các thủ tục ra giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Bà Thương thông tin, hiện dự án đang xin điều chỉnh quy hoạch vì thay đổi diện tích nên chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vào đầu năm 2020 đơn vị tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp sổ chung rồi sau đó mới tiến hành làm sổ cho các hộ dân. Chủ hộ cũng phải bổ sung các thủ tục, hồ sơ cần thiết để làm sổ.

 Do nhà xe không đủ chứa, công nhân phải để xe ngoài trời.

Chiều 19-11, ông Lê Tùng Lâm – Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã yêu cầu các cơ quan liên quan, đặc biệt là Chi cục Giám định xây dựng, Phòng Quản lý nhà và thị trường Bất động sản đi kiểm tra thực tế và yêu cầu chủ đầu tư lên phương án khắc phục các sự cố, bất cập tại chung cư này. “Sở đã kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị liên quan về những sự cố, bất cập như Báo Công an TP Đà Nẵng đã nêu. Ngày 20-11, sẽ tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường, sau đó có báo cáo cụ thể về phương án xử lý. Thông tin về chất lượng công trình và kế hoạch khắc phục sẽ được thông tin cho báo chí”, ông Lâm cho hay.

Công Khanh