Người dân vẫn còn chủ quan trong dịch bệnh
Đã gần trải qua 14 ngày giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố Đà Nẵng theo Chỉ thị 05 (áp dụng từ 18 giờ ngày 31-7) nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa hết căng thẳng. Đà lây lan của chủng virus Delta chưa có dấu hiệu dừng lại. Đà Nẵng dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Dù lực lượng chức năng đang “căng mình” phòng, chống dịch nhưng một số người dân vẫn còn chủ quan, bất chấp quy định để ra đường không thật sự cần thiết.
Nguy cơ cao với chuỗi lây nhiễm mới
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, trong ngày 11-8, Đà Nẵng ghi nhận thêm 56 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó có 31 trường hợp đã cách ly, 19 trường hợp trong khu phong tỏa và 6 trường hợp trong cộng đồng. 19 ca trong khu vực phong tỏa có 18 trường hợp liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Cảng cá Thọ Quang. Đáng chú ý, khu phong tỏa tại tổ 64, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) trong ngày ghi nhận 12 ca mắc COVID-19. Tất cả đều liên quan đến F0 trước đó xuất phát từ chuỗi lây nhiễm Cảng cá Thọ Quang. Riêng 6 trường hợp chưa được cách ly thì có đến 5 công nhân làm việc tại Công ty Fujikura Automotive (Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ), được phát hiện do có triệu chứng khi test nhanh và công ty lấy mẫu diện rộng. Đây là chuỗi lây nhiễm mới, liên quan đến nữ bệnh nhân làm việc tại công ty này được ghi nhận dương tính trước đó. Cơ quan chức năng đánh giá chuỗi lây nhiễm này đang có nguy cơ rất cao. Trường hợp trong cộng đồng còn lại là nhân viên y tế, điều dưỡng học việc tại Bệnh viện 199, Bộ Công an.
Trong ngày, quận Sơn Trà tiếp tục ghi nhận thêm 30 ca mắc mới liên quan đến Cảng cá Thọ Quang. Trong đó đáng chú ý phường Thọ Quang ghi nhận 14 ca. Các địa phương khác trong khu vực phong tỏa của quận đã ghi nhận số ca mắc giảm hơn, trong đó có Nại Hiên Đông (5 ca, là F1 đã cách ly); An Hải Bắc (5 ca, 3 F1 đã cách ly); Mân Thái (3 F1 đã cách ly)…
Người dân vẫn còn chủ quan, lơ là
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh vẫn lây lan, đặc biệt trong các khu vực đã áp dụng các biện pháp cách ly y tế, phong tỏa là do người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, bất chấp các quy định siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố để qua lại, tiếp xúc, thậm chí tổ chức ăn uống cùng nhau giữa các nhà lân cận, trong cùng khu vực. Việc chưa tự giác chấp hành nghiêm nhà cách ly với nhà đã làm cho con số dương tính vẫn ở mức cao mỗi ngày. Ngoài ra, phía bên ngoài các khu phong tỏa, dù lực lượng chức năng đã “căng mình” tổ chức trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm soát dịch nhưng vẫn còn một số bộ phận người dân sử dụng giấy đi đường giả, không đúng quy định để ra đường với lý do không thật sự cần thiết gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Trước vấn đề trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu người dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định để chung tay dập dịch cùng thành phố. Những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng phải xử phạt thật nghiêm, thật nặng để răn đe. Bên cạnh, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, chủng virus mới đang hoành hành tại Đà Nẵng rất nguy hiểm, con số dương tính và số bệnh nhân trở nặng đang tăng lên mỗi ngày, vượt xa những đợt dịch từng xuất hiện trước đó tại Đà Nẵng. Phải xem những ca được phát hiện trong các khu cách ly như những ca trong cộng đồng vì bản chất đều như nhau và đang không ngừng lây lan mỗi ngày để từ đó đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống dịch.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch của thành phố, trong ngày 11-8, Sở Y tế thành phố đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho người dân tại 4 điểm tiêm chủng, gồm: Cung thể thao Tiên Sơn, Bệnh viện Ung bướu, Trung tâm Hội chợ Triển lãm và Khu ký túc xá phía tây thành phố. Theo kế hoạch, Sở Y tế dự kiến tiêm vaccine AstraZeneca cho hơn 26.500 lượt người trong đợt này kéo dài đến ngày 14-8. Trong đó, các đối tượng ưu tiên tiêm gồm: 18.326 người lao động tại các khu công nghiệp; 3.100 người lao động tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp nhưng có trên 1.000 lao động; 1.000 người cung cấp dịch vụ thiết yếu bưu chính, viễn thông; 1.800 người cung cấp dịch vụ thiết yếu vận tải; 1.136 người cung ứng, sản xuất thiết bị, vật tư y tế; hơn 600 người làm tại các đơn vị hành chính.
PHI NÔNG