Người dân yêu cầu đo kiểm thực tế bức xạ điện từ tại trạm thu phát sóng của Mobifone

Thứ tư, 31/05/2017 11:56

Lo ngại ảnh hưởng sức khỏe

(Cadn.com.vn) - Nhiều tháng qua, hàng chục hộ dân ở khu dân cư 19, P. Chính Gián (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) liên tục phản đối việc xây dựng, đưa vào vận hành Trạm thu phát sóng (BTS) của Mobifone đặt tại tầng 4 nhà số 280-Điện Biên Phủ. Hầu hết ý kiến người dân cho rằng, việc đặt trạm BTS gần khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là người già và trẻ em. Ngày 29-5, các cơ quan chức năng liên quan đã đo kiểm bức xạ điện từ thực tế tại trạm BTS nói trên theo yêu cầu của người dân.

Theo phản ánh của bà con khu dân cư, từ giữa năm 2016, Mobifone đã khảo sát và vận chuyển thiết bị đến lắp đặt trạm BTS tại tầng lầu căn nhà nói trên. Biết điều này, bà con sống gần khu vực đã phản đối kịch liệt và yêu cầu các đơn vị thi công của MobiFone không thi công nữa. Rất nhiều cuộc họp đã diễn ra có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, tổ dân phố và các ngành liên quan, nhưng nhân dân vẫn chưa đồng thuận. Chị Trần Thị Cúc, một hộ dân cho hay, sau khi thi công, trạm đã đi vào hoạt động khoảng 2 tháng nay. Tối nằm ngủ, cứ nghe tiếng rít phát ra từ phía trạm BTS rất khó chịu. Dù họ đã giải thích nhiều, rằng không ảnh hưởng đến sức khỏe, trạm đặt ở vị trí như vậy rất an toàn, nhưng người dân làm sao tin được. "Sức khỏe của người dân là trên hết, nên các ngành, chính quyền địa phương phải làm rõ, trả lời chắc chắn và cam kết với người dân để mọi người bớt lo lắng", chị Cúc nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là trạm BTS do Ban QLDA hạ tầng 3 - Tổng Cty viễn thông Mobifone trực tiếp dựng đặt tại tầng 4, số nhà 280-Điện Biên Phủ (cách mặt đất 15m) và là trạm loại 2 (thu phát sóng di động), chiều cao của cột ăng-ten là 3m. Trước khi đặt trạm, chủ đầu tư đã được các ngành chức năng của TP tiến hành khảo sát và cấp phép. Chủ ngôi nhà số 280 cũng cho rằng, trước khi cho Mobifone đặt trạm, gia đình cũng từng hỏi ý kiến những người hiểu biết về lĩnh vực này và được biết không ảnh hưởng đến sức khỏe nên mới ký hợp đồng, nhưng người dân nhiều tháng qua vẫn không đồng tình.

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng sáng 29-5, bà Phan Thị Lạt- Trưởng Ban công tác Mặt Trận khu dân cư 19 cho hay, thời gian qua cũng đã có nhiều cuộc họp diễn ra để giải thích cho bà con, nhưng không có sự đại diện của Sở Y tế nên dân chưa tin. "Thêm một lý do mà dân chưa yên tâm đó là trước đây cũng từng có một công trình lắp đặt trạm BTS cùng tuyến đường, cách nhà số 280 khoảng nửa cây số, nhưng do dân phản đối mạnh, các đơn vị thi công phải dời đi. Người dân ở trạm BTS hiện tại cho rằng nơi đó đặt không được sao nơi này đặt được mới xảy ra phản ứng, khiếu nại lâu dài", bà Lạt nói. 

  Các đơn vị chức năng đo kiểm bức xạ điện từ thực tế tại trạm gốc BTS số 280-Điện Biên Phủ sáng 29-5 trước sự chứng kiến của nhân dân.

Luôn kiểm tra định kỳ về mức độ an toàn

Để người dân trong khu vực yên tâm và theo yêu cầu của người dân, sáng 29-5, đại diện các ngành có liên quan gồm: Sở TT&TT, Sở KH&CN, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 3, UBND Q. Thanh Khê, UBND P. Chính Gián, Khu dân cư 19 và Chủ đầu tư đã tiến hành 3 cuộc đo kiểm bức xạ điện từ thực tế tại trạm gốc có thể hiện kết quả đo phơi nhiễm trường điện từ. Theo ông Mai Trung Đông- chuyên viên Ban QLDA Hạ tầng 3 cho hay, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tiến hành đo kiểm thực tế bức xạ điện từ trạm BTS này. Nội dung đo kiểm được thực hiện theo Quy chuẩn Việt Nam 08:2010/BTTTT về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc ĐTDĐ mặt đất công cộng, gồm các bước: Khảo sát, tính toán các thông số trạm gốc; xác định vùng tuân thủ, vùng liên quan; đo kiểm các vị trí theo đề nghị của khu dân cư sau đó xuất bảng kết quả đo để các ngành, chính quyền và nhân dân biết. Sau khi kiểm tra và đối chiếu kết quả đo kiểm thực tế, các ngành đã kết luận, trạm BTS tại số 280-Điện Biên Phủ phù hợp với QCVN 08:2010/BTTTT.

Dù đã có kết quả và sự chứng kiến của các ngành có liên quan, song tâm lý không ít người dân vẫn chưa thực sự yên tâm. Họ cho rằng, về lâu dài, cần phải có sự theo dõi, giám sát, không được để xảy ra bất kỳ sự cố gì tạo ra cảm giác bất an cho nhân dân. Ông Mai Trung Đông khẳng định: "Việc đặt các trạm BTS trên địa bàn TP nói chung, trạm tại số 280-Điện Biên Phủ nói riêng đều được cấp phép, có quy định và được kiểm nghiệm không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Để người dân yên tâm, sau khi dựng trạm, các thiết bị này đã được chúng tôi kiểm tra đảm bảo an toàn mới đi vào vận hành. Trong quá trình hoạt động, các trạm cũng được cán bộ kỹ thuật kiểm tra định kỳ để đảm bảo an toàn".

Chúng tôi thiết nghĩ, chuyện người dân phản ánh đặt trạm BTS trên địa bàn Đà Nẵng không phải chỉ xảy ra tại nhà số 280-Điện Biên Phủ mà đã diễn ra rất nhiều khu vực khác, mới nhất là địa bàn Q. Cẩm Lệ cuối tháng 3-2017. Vậy nên, nếu được cấp phép theo quy định của pháp luật, khi tiến hành các trạm BTS, đơn vị thi công cũng như các ngành cần chủ động hình thức tuyên truyền và những động thái đo kiểm thực tế có sự hiện diện của nhân dân để mọi người biết ảnh hưởng của sóng viễn thông trong tần số cho phép không gây tổn hại đến sức khỏe con người, tránh những phản ứng, khiếu nại kéo dài, gây mất ANTT...

Công Hạnh