Người già Cơ Tu giữ gìn văn hóa truyền thống

Thứ hai, 01/10/2018 09:03

Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, cộng đồng người Cơ Tu trên địa bàn H. Hòa Vang, (TP Đà Nẵng) vẫn lưu giữ được cho mình những bản sắc văn hóa đặc trưng của người dân miền núi. Góp phần tích cực trong việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đó phải kể đến vai trò của các già làng, trưởng bản... Năm 2016, khi UBND H. Hòa Vang triển khai phục dựng lễ hội "Ăn thề kết nghĩa" cho cộng đồng người Cơ Tu ở 3 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú) sau nhiều năm bị thất truyền; già Bùi Văn Cầm (thôn Giàn Bí) phấn khởi bộc bạch: "Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa các làng là một nét văn hóa đặc sắc thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân miền núi. Người Cơ Tu trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, việc kết nghĩa hoàn toàn tự nguyện, mang ý nghĩa tốt đẹp, nhằm mong muốn cho mọi người sống chan hòa thân thiết, gắn bó nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn, để xây dựng bản làng ngày càng no ấm, giàu đẹp"...

Người Cơ Tu vùng thấp H. Hòa Vang tổ chức nghi lễ "Ăn thề kết nghĩa".

Già Trần Văn Phớt (thôn Tà Lang) cho biết thêm, nghi lễ thể hiện tinh thần đoàn kết đời đời, giữa các bản làng người Cơ Tu. Theo đó, sau khi đến nhà Gươl kiểm tra mâm lễ vật gồm các món ăn truyền thống của người dân bản địa, các già làng mới cùng khấn vái: "Lạy trời cao, lạy đất rộng/ Lạy rừng núi, lạy sông suối/ Lạy hồn người Cơ Tu ở trên cao/ Lạy hồn người Cơ-Tu ở dưới đất/ Xin về làng chứng kiến lòng thành của dân bản". Đây là một sinh hoạt văn hóa độc đáo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được cộng đồng người Cơ Tu lưu giữ để phát huy trong cuộc sống mới hôm nay.

 Còn ở thôn Phú Túc, các già chỉ mong muốn một điều, sau này trở về với núi rừng, những gì mình biết được từ phong tục, tập quán của cha ông đều được truyền lại cho lớp trẻ; bởi đó là cách duy nhất giữ lại tập tục của người Cơ Tu từ bao đời nay. Tuy nhiên, ngoài lớp người cao tuổi hiện nay như các già Lê Văn Rời, Nguyễn Văn Cần, Đinh Văn Trí thì những người hiểu biết sâu về các phong tục tập quán và giữ được những nét văn hóa quý giá cũng không còn nhiều. Cuộc sống của đồng bào dân tộc gắn bó với cái nương, cái rẫy nên văn hóa của người Cơ Tu cũng gắn với cuộc sống của các già như máu với thịt vậy. "Già chỉ tiếc, người biết văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở vùng thấp này hiện không còn nhiều mà người trẻ thì chưa kịp hoặc không chịu học hỏi, sưu tầm nên chẳng biết văn hóa của người Cơ Tu sẽ đi về đâu? Nếu chỉ đơn phương bằng chính đam mê của mình thì không đủ. Bởi, để có cái ăn, cái mặc, hằng ngày lớp trẻ còn phải lên nương làm rẫy hoặc làm các dịch vụ lao động khác để mưu sinh" - già Trí nặng lòng trăn trở...

Có thể nói, việc phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu trong đời sống tinh thần, biểu hiện sự khát vọng và niềm tin của người dân Cơ Tu thời gian qua của ban ngành TP và huyện; đặc biệt là vai trò của các già làng trong việc huy động lớp trẻ tham gia giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Theo đó, nhiều loại hình văn hóa, mô hình văn hóa đặc trưng của các làng, bản được khôi phục và từng bước củng cố, hoàn thiện đã góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, tạo ra một diện mạo nông thôn miền núi đầy tính nhân văn và sâu sắc.

VY HẬU