Những cánh hồng phai

Thứ sáu, 17/05/2024 08:15
Không hiểu sao mỗi khi nói đến hoa sen tôi lại nghĩ nó hợp nhất với cụm từ “những cánh hồng phai”. Sen hồng, đúng rồi, màu của cánh hoa cũng như đời hoa, nó xuất hiện rồi lại tàn phai. Tôi nhớ những câu thơ rất hay nhưng không rõ tác giả: Cánh tàn hương vẫn còn lưu/ Còn bâng khuâng biết bao nhiêu nồng nàn/Con người trên khắp thế gian/Học sen, học cả cách tàn của sen.
Vẻ đẹp tinh khiết của hoa sen trắng ở Hồ Tịnh Tâm - Huế (ảnh minh họa).
Vẻ đẹp tinh khiết của hoa sen trắng ở Hồ Tịnh Tâm - Huế (ảnh minh họa).

Không nhớ mình bắt đầu yêu hoa sen từ lúc nào, chỉ nhớ là lâu lắm rồi, từ hồi còn rất bé. Hồi ấy, quê tôi một vùng trung du miền núi xứ Quảng, quanh nhà là những thửa ruộng nhỏ bậc thang, bao bọc là núi đồi. Trên cánh đồng rải rác những hố bom, có một hố bom lớn giữa cánh đồng không hiểu sao được mọi người đặt tên là Tự Thể. Quanh năm hố bom đầy nước, rau muống, bèo hoa dâu mọc kín mặt nước, thế nhưng đến mùa những đóa sen từ đâu dưới mặt nước vươn lên thật đẹp. Cạnh đó là những bông súng tim tím tô điểm cho những cánh hồng phơn phớt của sen. Những đêm trăng hương sen tỏa ra thơm ngát, chen cùng hương lúa nhất là vào mùa lúa trổ đòng, rồi đến lúc những thửa ruộng gặt xong chỉ còn trơ những chân rạ cô đơn, sen vẫn nở hồng tươi tắn giữa nắng nôi những ngày hạ.

Cuối hạ những cánh hồng phai, sen lại lụi tàn. Ngày thơ, nhớ những hôm mẹ đi chợ về, cùng với những cây kẹo ú, có hôm mẹ mua nắm hạt sen về bóc trần để nấu cùng chè đỗ đen dùng làm thức uống vào mùa hè. Mẹ bảo món chè này sẽ giúp chữa bệnh mất ngủ, làm cho tinh thần con người sảng khoái. Còn ba thì thi thoảng lội xuống hố bom tìm ít nhị sen mang về phơi khô ướp chè. Tôi nhớ ngày đó ba thường bảo, trên đời này có biết bao nhiêu loài hoa nhưng chỉ có hoa sen mới có tâm, “tâm sen”. Quan sát, khi sen còn búp nó rất giống hình trái tim, giống búp tay thon măng của cô gái trong điệu múa chăm. Là cán bộ tiền khởi nghĩa, chiến tranh ly loạn, rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, 21 năm trời “đêm Nam ngày Bắc”, một đời đi theo lý tưởng của một con người mà ba thường bảo trời đất cũng hữu duyên, khó lý giải vì sao quê Bác lại là làng Sen…, chỉ biết nơi đó đã sinh ra một Con Người vĩ đại mà vô cùng giản dị thanh cao như vẻ đẹp của hoa sen.

Quả thật lúc đó tôi cũng chẳng hiểu mấy về điều ba nói, chỉ biết từ hố bom Tự Thể, mùa hoa sen thường bắt đầu từ cuối tháng tư, đến đầu tháng mười âm lịch. Nhưng sen thường nở rộ nhất vào khoảng tháng năm, tháng sáu khi cái nắng mùa hè chói chang gay gắt nhất. Mặc kệ cái khắc nghiệt của thời tiết, sen vẫn vươn mình khoe sắc, dâng hương cho đời. Sớm tinh mơ, bắt cá đồng đang ngủ, tôi thường tranh thủ lại hố bom ngắm, ngửi hương sen tỏa ra thơm tho quyến rũ. Khi ánh mặt trời lên, những chiếc lá sen to tròn, sáng lấp lóa như được tráng bạc. Đặc biệt do lá sen không bị thấm nước nên những giọt sương mai đọng trên lá vo tròn lại trong suốt như những hạt thủy tinh lóng lánh.

Viết đến đây chợt nhớ những ngày học ở Huế có anh bạn văn chương học lớp trên mấy khóa có hôm rủ tôi đến hồ Tịnh Tâm uống rượu rồi ngủ qua đêm ở đấy. Mục đích của anh là để tôi chứng kiến khung cảnh mờ sáng hôm sau có một ông cụ chèo thuyền nhỏ lách giữa hồ sen để hứng lấy những giọt sương đêm còn đọng lại trên lá sen về để hãm chè. Không nói gì đến trà đạo nước ngoài, ngay như ở nước ta cái thú thưởng trà của những tao nhân mặc khách cũng thật kỳ công đến vậy.

Nhớ về câu nói của ba ngày còn thơ, chỉ có hoa sen mới có “tâm sen” tôi chợt suy nghĩ về một chữ tâm nữa của hồ sen nơi đất cố đô này. Anh bạn tôi khá am hiểu xứ Huế cho hay, hồ Tịnh Tâm vốn là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8.000 binh lính tham gia việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một vườn ngự uyển bên ngoài Đại nội của hoàng gia.

Về tên hồ có chữ tâm tôi nghĩ có thể xuất phát trên hồ có ba hòn đảo (Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu), được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch. Mà chữ tâm theo hán tự diễn giải kiểu tam tự kinh là “một vành trăng khuyết ba sao giữa trời”.

Chưa hết, anh bạn tôi còn cho hay, tương truyền hơn hai trăm năm trước (1822), khi vua Minh Mạng quyết định xây vườn thượng uyển (hồ Tịnh Tâm), ông tổ chức cuộc thi kéo dài cả chục năm để tuyển chọn hoa… Hội đồng xét chọn đứng đầu là vua, các hoàng gia quốc thích, tam cung lục viện… để rồi chỉ có loài sen trắng mới được tuyển chọn để trồng vào đây. Đó là những câu chuyện của hồ Tịnh Tâm ở Huế.

Với tôi cứ mỗi mùa sen nở, bắt gặp đâu đây trên nẻo đường đi qua, thật khó cưỡng mà không dừng lại để ngắm, để nghe những làn hương sen thoảng lên từ hiện tại và ký ức. Đó là mùi của nhớ thương quê nhà ngày thơ nơi cánh đồng làng sát kề chân núi, nơi có hồ sen là hố bom do chiến tranh để lại những năm sau ngày đất nước vừa thống nhất. Còn hiện tại, mỗi khi trước mắt tôi sen đẹp là thế nhưng không hiểu sao lòng mình cứ trỗi lên niềm tiêng tiếc khi những cánh hồng ấy phai đi…, lại ngẫm ngợi về đời người có như câu thơ ai đó đã viết: “Con người trên khắp thế gian/Học sen học cả cách tàn của sen”…

Tạp bút: Võ Văn Trường