“Người Hà Nội”- Khúc khải hoàn ca
Nguyễn Đình Thi là một văn nghệ sĩ đa tài trên nhiều lĩnh vực sáng tác. Riêng về âm nhạc, Nguyễn Đình Thi không sáng tác nhiều nhưng những bài ông viết trước Cách mạng Tháng tám và những ngày đầu kháng chiến như Diệt phát xít, Người Hà Nội luôn sống mãi với thời gian, và trở thành những tác phẩm đáng ghi nhớ, xứng đáng được tôn vinh là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nước ta. Nhắc đến Nguyễn Đình Thi không thể không nhắc đến Người Hà Nội, một tác phẩm khắc họa lại cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường của nhân dân thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Tháng 10-1954, chính phủ kháng chiến và những đoàn quân chiến thắng rời Việt Bắc về Hà Nội. Ngày 10-10-1954 là ngày chính thức đánh dấu thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. |
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết về cuộc chiến đấu hào hùng của Hà Nội bảo vệ chính quyền non trẻ:
Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời.
Hà Nội hồng ầm ầm rung. Sông Hồng reo!
Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng.
Bùng cháy, khắp phố ta ơi! Vùng lên chiến sĩ ta ơi!
Trời Hà Nội đỏ máu
Bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác thù rơi
dưới gót giày.
(Ca từ bản nhạc Người Hà Nội)
Cho đến nay, sau hơn 70 năm ra đời, bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi vẫn được coi là ca khúc hay nhất về thủ đô. Đây là bài hát đã được Nguyễn Đình Thi bắt đầu sáng tác trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội và hoàn chỉnh hơn một năm sau đó tại chiến khu Việt Bắc... Chỉ có những ai từng sống ở thủ đô trong thời kỳ lửa đạn mới có thể cảm nhận sâu sắc về Hà Nội hơn. Và Nguyễn Đình Thi, một nhà văn, nhạc sĩ xuất sắc đã viết nên những ca từ, giai điệu còn mãi ngân vang đến hôm nay. “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi có hình thức sáng tác rất tự do, phóng túng không theo bất cứ khuôn mẫu sáng tác nào. Bài hát pha lẫn những giai điệu nhẹ nhàng với chất hùng tráng, khiến người nghe như hòa mình vào một thời chiến đấu bảo vệ thủ đô.
Trong cấu trúc tác phẩm Người Hà Nội có sự phơi trải của một vốn văn hóa, vốn tri thức sâu rộng. Sự cộng hưởng giữa nhạc và thơ trong Người Hà Nội đã tạo thành lực hấp dẫn riêng. Vì vậy khi những ca từ vừa cất lên đã chạm đến sự rung động sâu sắc, tình cảm yêu mến của biết bao thế hệ đối với thủ đô Hà Nội:
Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/Đây Thăng Long/Đây Đông Đô/
Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...
Âm hưởng tự sự, trữ tình đã tạo nên sức ngân vang đặc biệt cho bài hát. Đại từ chỉ định “đây”được sử dụng khá đắc địa, tạo ấn tượng mạnh, khẳng định niềm tự hào về lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc nói chung, của người Hà Nội nói riêng. Mỗi lần từ “đây”được lặp lại, thông tin như được mở rộng hơn, niềm tự hào được nhân lên. Hà Nội hiện ra thân thuộc qua những địa danh, gợi lên bao điều về thủ đô thân yêu với những trang sử hào hùng. Nguyễn Đình Thi đã phác họa một Hà Nội linh thiêng với sức chứa của một không gian văn hóa, một thời gian lịch sử, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm!
Cả Hà Nội bùng cháy. Cả Hà Nội ngùn ngụt lửa, lửa đấu tranh, lửa căm thù sục sôi trong lòng người. Tinh thần chiến đấu ngút ngàn cùng với nhiệt huyết cách mạng sục sôi đã tạo ra một hiện thực hào hùng, rực cháy của Hà Nội trong những giờ phút vùng dậy thiêng liêng:
Hà Nội cháy - khói lửa ngợp trời
Hà Nội hồng ầm ầm rung
Hà Nội vùng đứng lên
Hà Nội vùng đứng lên,
sông Hồng reo
Hà Nội vùng đứng lên
Khúc thức bài ca đang trầm lắng bỗng chuyển mạnh. Khung cảnh Hà Nội trong những giờ phút quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã xuất hiện như vẹn nguyên trong ca khúc của Nguyễn Đình Thi. Sức mạnh của ngôn từ được phát huy tận độ, tái hiện một Hà Nội oai hùng, một Hà Nội đang chuyển rung, đang vùng đứng lên, mạnh mẽ, quyết liệt. Chính ở giờ phút quyết tử ấy, hình ảnh của Hà Nội hào hoa, vàng son, mỹ lệ như một thước phim quay chậm hiện ra, tưởng như có thể quên đi tất cả để náo nức, để tíu tít, trào dâng cùng Hà Nội:
Ôi nước Hồ Gươm xanh thấm lòng/ Bóng tháp Rùa thân mật êm ấm lòng/ Hồng Hà tràn đầy/ Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng/ Hà Nội vui sao
Những cửa đầu ô/ Tíu tít gánh gồng, đây ô Chợ Dừa,
kia ô Cầu Dền, làn áo xanh nâu/ Hà Nội tươi thắm
Sống vui phố hè/Bồi hồi chàng trai/Những đôi mắt nào.../Quanh co, chen nhau rộn ràng Đồng Xuân/ Xanh tươi bát ngát Tây Hồ/ Hàng Đào ríu rít, Hàng Đường/ Hàng Bạc, Hàng Gai...
Ai từng xa Hà Nội mà không đau đáu nhớ về thành phố ngàn năm tuổi, nhớ vẻ đẹp yêu kiều, diễm ảo mà tự nhiên đã ban tặng cho nơi này; nhớ vẻ thâm trầm, cổ kính của những phố phường năm xưa; vẻ duyên dáng, thanh lịch, hào hoa của những người con Hà thành... Và hơn thế nữa, mỗi tấc đất nơi đây đều “đượm thắm máu hồng tươi”.
Hơn cả mọi lời hô hào, hiệu triệu, Nguyễn Đình Thi đã thức gọi từ thẳm sâu những trái tim yêu của người Hà Nội với quê hương, xứ sở. Nét hào hoa và anh hùng đã được biểu hiện hài hòa, nhuần nhuyễn trong Người Hà Nội. Trong mạch cảm xúc đó, Nguyễn Đình Thi đã hình dung ngày về chiến thắng, ngày dân tộc ca vang khúc khải hoàn trong niềm hân hoan thắng lợi. Bài hát để lại dấu ấn đặc sắc với sự hiện diện của vị lãnh tụ vĩ đại - người anh hùng dân tộc với đôi mắt sáng, mái tóc bạc phơ cùng nụ cười sáng, nụ cười của cả nước non đã tỏa sáng niềm tin chiến thắng. Nụ cười rạng rỡ của Người lan tỏa trong một không gian rực rỡ cờ đỏ sao vàng tạo nên bức tranh hoành tráng về tầm vóc, tư thế của Hà Nội, cũng đồng thời là của cả dân tộc Việt Nam trong ngày về chiến thắng huy hoàng.
Phần ca từ của Người Hà Nội là một trong những áng thơ đẹp nhất, hào sảng nhất về thủ đô yêu dấu, về những con người hào hoa trên mảnh đất lịch sử linh thiêng, là khải hoàn ca vang lên trong giai điệu tự hào của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa trong ký ức, thời gian vẫn cứ trôi, dòng đời vẫn chảy. Nhưng Người Hà Nội đã, đang, sẽ và mãi tỏa sáng, không chỉ song hành cùng các thế hệ hôm nay mà còn vang mãi đến mai sau. Hơn nửa thế kỷ, ca khúc “Người Hà Nội” vang xa, thấm vào từng trái tim, là niềm tự hào không chỉ của riêng người Hà Nội, mà trở thành tài sản tinh thần của các thế hệ Việt Nam. Giai điệu, ca từ của “Người Hà Nội” lắng đọng trong tâm hồn người Việt Nam một tình yêu Tổ quốc. Mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ đâu, không thể không xao xuyến không cháy bỏng một tình yêu Tổ quốc khi giai điệu tha thiết vang lên “Đây Hồ Gươm. Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội. Hà Nội mến yêu...”.
K.N