Người kể chuyện đến từ cát trắng

Thứ bảy, 19/04/2025 09:00

Sau khi ra mắt tại Hà Nội, chiều 19-4, 3 tác giả Hồ Thanh Hải, Phan Thanh Châu và Phan Đức Nhạn tổ chức giới thiệu sách “Giai điệu quê hương”, “Những trận đánh tiêu biểu”, “Xa và Gần” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam. Những âm điệu, câu chuyện của 3 người con sinh ra, sống, chiến đấu trên vùng cát trắng Thăng Bình (Quảng Nam), một nguyên là Trợ lý Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, một nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, người còn lại nguyên Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Chu Lai... hứa hẹn sẽ là những trang sách hấp dẫn, thú vị.

Tác phẩm “Xa và Gần” của tác giả Phan Đức Nhạn.
Tác giả Phan Đức Nhạn giao lưu với độc giả tại buổi ra mắt sách “Xa và Gần” tại Hà Nội.

Xin giới thiệu một trong 3 tác phẩm, qua bài viết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi được gặp tác giả Phan Đức Nhạn nhiều lần. Nhưng không hiểu sao khi đọc XA và GẦN, tôi lại thấy như lần đầu tiên gặp ông. Một người đàn ông bình dị, khiêm nhường mang tên Phan Đức Nhạn từ một vùng cát trắng thấm đầy máu trong những năm tháng chiến tranh trở về. Ông ngồi xuống và bắt đầu kể câu chuyện về vùng cát ấy trong những buổi tối của hòa bình.

Chiến tranh đã tắt tiếng bom đạn quá lâu rồi, lâu đến mức có những người không còn mang cảm giác về chiến tranh dù chỉ là một tiếng vọng mơ hồ. Chúng ta đang sống trong những năm tháng hòa bình và no ấm. Thời gian có thể không xóa được ký ức nhưng sự hưởng thụ cuộc sống hòa bình và sự vô cảm của con người thì thực sự đang tàn phá những điều tốt đẹp và thiêng liêng. Và chính trong những năm tháng hòa bình, tôi lại mang nỗi lo sợ khi nhận ra những dấu hiệu lãng quên quá khứ của con người. Đúng lúc đó thì Phan Đức Nhạn hiện ra với XA và GẦN. Ông như là một trong những cây dương còn sót lại trên vùng cát trắng Bình Dương ngập tràn bom đạn và máu chảy những năm chiến tranh. Ông đi từ những năm tháng ấy trở về và dẫn tôi trở lại vùng cát trắng đau thương và huyền thoại ấy. Và từ đó, lịch sử bi tráng của một vùng đất, hay nói cách khác là lịch sử của một dân tộc luôn mang trong máu thịt của mình khát vọng hòa bình thức dậy và tràn ngập con người tôi.

Tôi đã được đến vùng cát trắng Bình Dương trong một ngày của hòa bình. Nhưng tôi thấy máu của những con người Bình Dương ngã xuống cho hòa bình vẫn chảy trong cát. Tôi đã được gặp những người con của mảnh đất Bình Dương. Và tôi không bao giờ có thể hình dung được rằng: họ chính là những con người đã sống và chiến đấu trong những năm tháng tàn khốc của chiến tranh và làm nên huyền thoại trên mảnh đất này.

Tác phẩm “Xa và Gần” của tác giả Phan Đức Nhạn.

XA và GẦN của Phan Đức Nhạn là một bài ca kỳ vĩ và bất diệt. Tôi không thể tìm được một cách nói khác và có lẽ không được phép dùng cách nói khác về vùng cát trắng ấy, về những con người đã sống trên và trong cát trắng ấy. XA và GẦN không phải là những trang văn, không phải là những trang sử. Đấy là một cái gì đó cao hơn tất cả mà tôi chưa thể gọi được tên. Vì những dòng chữ ấy được viết bởi một con người đã sinh ra trên cát, sống vùi trong cát, trong bom đạn, trong máu chảy và trong những giấc mơ bất diệt về hòa bình. Phan Đức Nhạn không định làm nhà văn hay sử gia. Ông chỉ là một con người bước ra từ vùng cát ấy, từ đời sống ấy, từ lịch sử ấy, từ huyền thoại ấy và cất lên tiếng nói thay cho những con người Bình Dương - những người đã ngã xuống và những người đang sống.

Tôi luôn mang cảm giác mỗi nhân vật trong XA và GẦN không phải là một con người thông thường, họ là những vị thánh của một thời đại, họ dựng nên những câu chuyện cổ tích không chỉ cho thời đại họ đang sống mà cho mãi mãi. Chúng ta chỉ cần nhìn vào vùng cát trắng ấy, thấy sự tàn khốc, tang thương của chiến tranh và khát vọng cũng như ý chí sống của những con người trên vùng cát trắng ấy thì chúng ta sẽ phải cúi đầu hổ thẹn với mọi ích kỷ, đớn hèn, tham lam, tranh giành, sợ hãi của chúng ta trong đời sống mà chúng ta đang sống. Cát ở Bình Dương không phải là một tấm gương. Đấy chỉ là đất và cát trộn đầy máu của những con người mang trong từng nhịp đập trái tim họ khát vọng hòa bình và sẵn sàng hy sinh tất cả cho hòa bình của con người. Nhưng nếu chúng ta đặt chân trên vùng cát trắng ấy và cúi đầu nhìn sâu vào cát, chúng ta sẽ soi được mình, chúng ta sẽ nhìn thấy lương tri mình.

Trong một ngày nào đó chúng ta đi trên mảnh đất Bình Dương, chúng ta sẽ gặp màu xanh cây lá, gặp những bông hoa mọc lên từ cát, gặp những ánh mắt, nụ cười đôn hậu, nghe những giọng nói thanh thản ngập tràn yêu thương của những con người đang sống nơi đây. Chúng ta sẽ mang cảm giác đang ở trên một vùng đất thanh bình như vốn thế từ ngàn năm mà chưa hề có một ngày đau thương. Nhưng nếu chúng ta đã đọc XA và GẦN thì chúng ta sẽ bàng hoàng nhận ra ta đang ở trên một vùng đất của những gì tàn bạo nhất, đau thương nhất mà cũng con người nhất, khát vọng nhất và quả cảm nhất. Mảnh đất ấy vừa chứa đựng bóng tối vừa chứa ánh sáng của nhân loại. Vùng đất ấy cho chúng ta lý giải được con đường của nhân loại đã và đang đi. Nơi ấy cho chúng ta nhận ra con đường mà con người có thể trở thành Quỷ dữ và trở thành Thiên thần. Và tôi đã gặp những Thiên thần bằng xương bằng thịt ở chính nơi đây - những người con của Bình Dương hôm qua và hôm nay trong sự hy sinh cao cả của mình.

Mỗi một trang viết của XA và GẦN như từng lớp cát trắng của Bình Dương giấu vùi trong đó bao câu chuyện kỳ vĩ. Nếu không có những cuốn sách như XA và GẦN thì đến một ngày con người sẽ không còn thấy được những gì đang ẩn chứa trong cát im lặng, kể cả nhưng con người sẽ sinh ra và lớn lên trên vùng cát trắng này trong tương lai. Phan Đức Nhạn không phải là một nhân chứng, không phải là một người quan sát. Phan Đức Nhạn là một phần không thể tách rời của cát ấy, ông đi ra từ chính cát ấy và mang theo sự thật mà cát cất giữ. Và từ cát ấy, những con người Bình Dương hiện ra đẹp, chói sáng tựa pha lê.

Với khát vọng hòa bình và sự dâng hiến cả máu mình cho hòa bình, Bình Dương đã trở thành một “ví dụ vĩ đại” không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà cho mọi dân tộc yêu hòa bình trên toàn thế giới. Bình Dương đã trở thành “ví dụ vĩ đại” không chỉ của một thời đại mà của mọi thời đại. Bởi khi con người rời bỏ khát vọng ấy và rời bỏ hành động dâng hiến cho khát vọng đó ngay cả khi họ đang sống trong hòa bình thì ngay lập tức con người sẽ bị chôn vùi vào bóng tối.

Nguyễn Quang Thiều

Ngày thơ Việt Nam: Nêu cao trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ

Ngày 12-2, tại các địa phương trên cả nước nhiều hoạt động nhân Ngày thơ Việt Nam; Tết Nguyên tiêu Xuân Ất Tỵ được tổ chức. Theo đó, tại TP Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức buổi tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ“.

Lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa Ngày thơ Việt Nam

Với ý nghĩa tôn vinh thơ ca Việt cùng mọi vẻ đẹp ngôn từ huyền diệu kỳ ảo và những giá trị chân thiện mỹ muôn đời của thơ ca trong cuộc sống, tôn vinh các thế hệ nhà thơ chân chính tài năng, và đặc biệt để thơ ca có điều kiện khẳng định lại những đóng góp thiết thực vào đời sống tâm hồn con người

Người thắp lửa mở đường

Qua lời mời của anh Phan Đức Nhạn và kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, Đoàn văn nghệ sĩ, nhà báo Hà Nội - Đà Nẵng đã có chuyến đi đầy ý nghĩa về quê hương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tại Khu lưu niệm Thủ tướng ở Vũng Liêm, Vĩnh Long, hình ảnh một vị lãnh đạo ấm áp, gần gũi, tài năng, đức độ như tái hiện...