Người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp

Thứ năm, 21/08/2014 09:19

(Cadn.com.vn) - Cơn bão suy thoái kinh tế đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải dừng sản xuất kinh doanh hoặc hoạt động “cầm hơi”. Trong bối cảnh đó, chuyện ăn nên làm ra và giàu có đòi hỏi phải có sức đề kháng tốt cộng với những bước đi đúng đắn, vững chắc. Những lúc khốn khó là thời điểm để doanh nghiệp và người lao động nhận ra hết giá trị của nhau.

Chuyện hợp pháp, chính đáng

Lâu nay, khi nói đến quyền lợi người lao động, thì cụm từ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được sử dụng một cách phổ biến. Vấn đề là trong thực tiễn, có lúc những điều được pháp luật về lao động quy định thì doanh nghiệp còn khó khăn để thực hiện, còn những điều chính đáng đối với người lao động thì có lúc pháp luật lại chưa đề cập tới. Vậy thì điều cần thiết để tồn tại, phát triển chính là mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Chuyện bền vững xuất phát từ đây và bất ổn cũng bắt nguồn từ đây. 27 doanh nghiệp được Liên đoàn Lao động, Sở LĐ-TB&XH tôn vinh và UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen trong “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” chính là những đại diện tiêu biểu cho cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực chăm lo cho đời sống của người lao động để họ hết lòng cống hiến lại cho chính doanh nghiệp và góp phần xây dựng thành phố.

Bà Lê Thu Hà – Phó tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Nam – Đà Nẵng cho biết, không thể nói chuyện sản xuất kinh doanh thuận lợi hay làm ăn có lãi một khi tình hình doanh nghiệp không ổn định. Muốn vậy thì trước hết người sử dụng lao động phải đặt quyền lợi của người lao động song hành với quyền lợi của Cty. Nền tảng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ chính là đảm bảo vấn đề lương thưởng, các loại bảo hiểm dựa trên hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Tiếp đó là “tính thêm được cho họ cái gì thì tốt thêm cái đó”.

Theo bà Hà, vì là một doanh nghiệp Nhà nước nên tổ chức Công đoàn không chịu những áp lực từ Cty mỗi khi đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động, điều quan trọng là phải xác định lúc nào mình là lãnh đạo, khi nào mình là người đại diện cho người lao động. “Nếu họp về công tác chỉ đạo, lãnh đạo thì tôi ngồi phía trên, nhưng khi bàn về quyền lợi của đoàn viên thì tôi phải xem mình đang ngồi phía dưới, có như thế mình mới hiểu và đại diện cho họ được”, bà Hà tâm sự.

Lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng đến thời điểm hiện tại, thu nhập tăng 10-15% qua từng năm, giảm thời gian thử việc 50% so với quy định, mua bảo hiểm tai nạn mọi lúc, mọi nơi cho người lao động... đó là những con số ấn tượng được xây dựng mà khi vừa mới bắt tay, Cty CP Du lịch Việt Nam Vitours đã đối mặt với những khó khăn bộn bề của doanh nghiệp cổ phần không có vốn Nhà nước.

Theo Tổng Giám đốc Cty Nguyễn Thành Tám, từ những chính sách về lao động, tiền lương của Nhà nước, trong nhiều năm qua, Cty đã tự xây dựng thang bảng lương để trả cho người lao động theo nguyên tắc làm việc gì hưởng lương việc đó, trả  theo năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Không những thế, thỏa ước lao động tập thể luôn có những điều khoản có lợi, kích thích sự cống hiến của người lao động.

“Chúng tôi luôn khuyến khích phát huy dân chủ trực tiếp của người lao động, tạo điều kiện để họ được biết, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ, được tham gia ý kiến, thảo luận giải pháp kinh doanh. Đặc biệt là Cty luôn công khai minh bạch, rõ ràng mọi chế độ quyền lợi. Đó là nguồn gốc của sự đồng thuận”, ông Tám nói.

Câu chuyện hợp pháp, chính đáng, hài hòa để đi đến một sự ổn định trong loại hình doanh nghiệp Nhà nước, Cty cổ phần vốn đã không phải là đơn giản, đối với doanh nghiệp FDI lại là một hành trình gian nan. Nhưng gian nan không có nghĩa là không làm được.

Có được thương hiệu nổi bật như hôm nay, những cái tên như Cty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, Cty Nhựa Chin Huei, Cty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt – Nhật... đã phải giải quyết từng mối quan hệ rất nhỏ giữa “giới chủ” và người làm công. Khi họ tìm được tiếng nói chung, hài hòa về lợi ích và nghĩa vụ thì mọi chuyện lại trở nên đơn giản.

Thực tế, ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vai trò của người đại diện công nhân là hết sức quan trọng. Dù có vai trò là cầu nối nhưng đã có một thời người ta vẫn ngầm hiểu họ là “người nhà” của chủ doanh nghiệp. Nhưng khi có sự tham gia của các cơ quan liên quan như Sở LĐ- TB&XH, Liên đoàn Lao động, chính quyền địa phương cũng như sự ủng hộ của chính người lao động và sự hợp tác thiện chí của chủ doanh nghiệp thì tổ chức công đoàn là nơi “gỡ rối” đồng thời là nơi góp phần giải quyết những tranh chấp, bất ổn, đưa họ lại gần nhau hơn.

Công nhân Cty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng trúng thưởng xe máy, ti vi trong một hoạt động do công đoàn tổ chức. 

Chuyện ngoài công xưởng

Trao đổi với chúng tôi, từ lãnh đạo đến người đại diện tổ chức Công đoàn của các doanh nghiệp đều cho rằng, chuyện lương thưởng ổn định và tăng lên theo từng năm, đóng các loại bảo hiểm tại Cty là những điều làm người lao động vững lòng. Còn nhiều câu chuyện phía sau công xưởng, trong đời thường lại khiến họ cảm thấy ấm lòng. Đó là những sẻ chia về mặt tinh thần, san sẻ những gian khó trong cuộc sống thường nhật.

Về lý, người ta phải thực hiện những điều mà pháp luật quy định thì họ cũng có thể không làm những việc mà luật không đề cập tới. Nếu thế thì không có câu chuyện công nhân trúng thưởng xe máy, tivi khi tham gia bốc thăm trúng thưởng tại Cty, không có chuyện nữ công nhân được ăn cơm sớm và nghỉ làm sớm hơn 5 phút so với công nhân nam, không có chuyện lì xì đầu năm, đưa đón về quê ăn Tết vào cuối năm.

Rồi chuyện hiếu hỉ, tương trợ, chuyện góp tiền xây nhà cho đồng nghiệp, khuyến học khuyến tài cho con em công nhân... “Đây mới là câu chuyện để ta gọi Cty là mái nhà chung. Ngoài những lợi ích vật chất tương xứng với sức lao động thì những món quà mang giá trị tinh thần khiến từng người, từng bộ phận trong doanh nghiệp thêm gắn kết, thông cảm và thấu hiểu nhau hơn”, đại diện tổ chức công đoàn Cty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng tâm sự.

Theo bà Đặng Thị Kim Liên – Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, xác định người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp nên người sử dụng lao động ngày càng ý thức được rằng chăm lo cho người lao động chính là xây dựng sự phát triển bền vững của mình. Mặt khác, sự dịch chuyển lao động cũng cho công nhân có thêm sự lựa chọn trong chuyện tìm công việc với sự đãi ngộ thích hợp. Nếu doanh nghiệp không chú trọng công việc chăm lo đời sống xứng đáng với công sức của lao động thì chắc chắn sẽ đối mặt với nguy cơ “chảy máu” lao động.

Ngoài 27 đơn vị được tôn vinh trong dịp này, chắc chắn còn nhiều doanh nghiệp xứng đáng được ghi nhận vì những chính sách tiến bộ có lợi cho người lao động. Và sự tôn vinh ý nghĩa nhất đối với họ không gì khác là đời sống vật chất, tinh thần của người lao động ngày được nâng cao, để họ ăn nên làm ra và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Đông A