Người lao động thôi việc, mất việc làm được nhận hỗ trợ đúng quy định

Thứ ba, 24/03/2009 00:00

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân 

(Cadn.com.vn) - Ngày 23-3, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời báo chí về việc thực hiện Quyết định 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đối với người lao động (NLĐ) mất việc làm trong doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Báo Công an TP Đà Nẵng trích giới thiệu một số nội dung cuộc phỏng vấn.

P.V: Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 30/2009/QĐ-TTg của ngành? Những nội dung chính yếu trong Thông tư hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng mà Bộ sắp ban hành?

Bộ trưởng (BT) Nguyễn Thị Kim Ngân: Ngày 23-2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với NLĐ mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội. Để triển khai thực hiện Quyết định 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan soạn thảo và ban hành Thông tư liên tịch 06/2009 TTLT- BLĐTBXH-BTC ngày 27-3-2009 hướng dẫn thực hiện quyết định này.

Về những nội dung chính của thông tư, đó là xác định cụ thể đối tượng vay, mức vay, lãi suất vay, trình tự thủ tục vay đối với các DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; giải quyết chính sách đối với NLĐ bị mất việc làm tại các DN mà chủ DN bỏ trốn; chính sách cho vay vốn đối với NLĐ bị mất việc làm để tự tạo việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động...

Sở Tài chính có trách nhiệm tiếp nhận, xác nhận báo cáo tài chính và báo cáo các nguồn của DN; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc xử lý tài sản của DN để hoàn trả khoản tạm ứng từ ngân sách địa phương. Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm huy động và tổ chức thực hiện cho vay đối với DN (gặp khó khăn do suy giảm kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho NLĐ); hướng dẫn các DN về thủ tục vay; thực hiện cho vay, thu nợ và xử lý theo quy định tại thông tư này và quy chế cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ngân hàng Chính sách Xã hội có trách nhiệm huy động và tổ chức thực hiện cho vay đối với NLĐ bị mất việc làm và NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bị mất việc làm do DN gặp khó khăn phải về nước trước thời hạn từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về việc làm để NLĐ tự tạo việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động; hướng dẫn về thủ tục vay.

P.V: Trong Quyết định của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH được giao trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Thủ tướng về tình hình lao động mất việc làm, tình hình thực hiện các chính sách cho NLĐ, tình hình cho vay và tạm ứng theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 trong Quyết định... Ngành có những thuận lợi và khó khăn nào trong thực thi nhiệm vụ này?

BT Nguyễn Thị Kim Ngân: Bộ LĐ-TB&XH đã xác định được những thuận lợi chủ yếu, đó là: Thông tư liên tịch 06/2009 TTLT- BLĐTBXH-BTC ngày 27-2-2009 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 30/2009/QĐ-TTg ngày 23-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với NLĐ mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế sớm được ban hành, trong đó quy định rõ trách nhiệm báo cáo của DN, của Sở LĐ-TB&XH về tình hình lao động mất việc làm hằng quý, tình hình thực hiện chính sách đối với NLĐ bị mất việc làm. Khi thực hiện chính sách ở các DN thì có sự tham gia ngay từ đầu của tổ chức công đoàn cơ sở để xây dựng phương án sử dụng lao động; Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm thực hiện việc xác nhận phương án sử dụng lao động của từng DN, do đó có điều kiện theo dõi, thống kê tình hình lao động mất việc làm và thực hiện chính sách đối với NLĐ, bảo đảm NLĐ thôi việc, mất việc làm trong các DN nhận được hỗ trợ theo đúng quy định.

Đối với các chính sách cho vay được thực hiện thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội nên có điều kiện theo dõi, tổng hợp số liệu và thực hiện cập nhật các thông tin về triển khai thực hiện việc cho vay. Việc thực hiện thanh toán cho NLĐ tại các DN có chủ DN bỏ trốn thuộc trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính do đó có điều kiện theo dõi, cập nhật được các thông tin liên quan đến NLĐ bị mất việc làm tại các DN này. Bên cạnh đó, có sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra của các cấp, các ngành ở địa phương.

Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn là nhiều DN chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý khi báo cáo thông tin sai hoặc không đầy đủ, kịp thời.

P.V: Cơ chế giám sát đối với các địa phương, DN trong triển khai thực hiện quyết định? Làm sao để bảo đảm tiền hỗ trợ đến tay đúng đối tượng tại mỗi địa phương, cơ sở?

BT Nguyễn Thị Kim Ngân: Việc giám sát đối với các địa phương, DN để thực hiện đúng quyết định để tiền hỗ trợ đến đúng tay đối tượng là vấn đề được Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam rất quan tâm, bảo đảm mục đích là tiền vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam thanh toán cho NLĐ phải đúng, đủ và kịp thời. Thông tư liên tịch 06/2009 TTLT- BLĐTBXH-BTC ngày 27-2-2009 hướng dẫn Quyết định 30/2009/QĐ-TTg ngày 23-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, DN là phải quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu đến việc chi trả cho từng NLĐ, cụ thể như sau:

DN có trách nhiệm phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án sắp xếp lao động, bao gồm số lao động hiện có, số lao động có nhu cầu sử dụng, số lao động giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, hết hạn hợp đồng lao động, số lao động không bố trí được việc làm và được Sở LĐ-TB&XH xác nhận bằng văn bản phương án sắp xếp lao động; DN nộp báo cáo tài chính quý gần nhất của DN và báo cáo các nguồn của DN cho Sở Tài chính và được Sở Tài chính xác nhận bằng văn bản các báo cáo nêu trên; Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục vay; tổ chức thực hiện cho vay, thu nợ và xử lý nợ theo quy định và theo quy chế cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; khi thanh toán cho NLĐ thì DN có trách nhiệm cùng với Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam thanh toán cho từng NLĐ. Do vậy, sẽ thực hiện được sự giám sát ở các địa phương đối với các khoản vay để thanh toán nợ lương, trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm và đóng bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với DN có chủ DN bỏ trốn thì Thông tư liên tịch 06/2009 TTLT- BLĐTBXH-BTC ngày 27-2-2009 của Liên Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính quy định việc chi trả khoản nợ tiền lương cho NLĐ như sau: Căn cứ hồ sơ về DN có chủ DN bỏ trốn, căn cứ vào sổ sách kế toán và các tài liệu có liên quan, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Tài chính có trách nhiệm xác định NLĐ có trong danh sách trả lương của DN, trong đó xác định cụ thể tiền lương còn nợ của từng NLĐ. Sở LĐ-TB&XH báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh số tiền cần ứng từ ngân sách địa phương để trả nợ lương của NLĐ, kèm theo danh sách nợ tiền lương của từng NLĐ để Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định ứng ngân sách địa phương trả trước cho NLĐ. Do đó kiểm soát được việc thanh toán nợ lương cho NLĐ.

P.V: Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Phúc Hằng

(thực hiện)