Người lao động trong doanh nghiệp FDI vẫn còn “bơ vơ”
(Cadn.com.vn) - Sáng 27-9, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp TP Đà Nẵng tổ chức tọa đàm chia sẻ về vấn đề đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
QUYỀN LỢI NLĐ CHƯA ĐẢM BẢO
Theo thống kê, tại Đà Nẵng hiện có các nhà đầu tư của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống kinh tế quốc dân, trong đó tập trung nhiều ở lĩnh vực: kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, giáo dục, dệt may, y tế, công nghệ thông tin... Ước tính, đến cuối năm 2013, lũy kế TP dự ước thu hút 278 dự án FDI. Các DN FDI đóng góp vào nguồn thu ngân sách TP trong 3 năm qua ước đạt 48 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 19.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động thời vụ khác. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì bên cạnh những DN FDI thực hiện tốt chế độ chính sách đối với NLĐ vẫn còn một số DN thực hiện chưa tốt.
Được biết, trong 83 DN FDI đang hoạt động tại 6 KCN ở Đà Nẵng đã thu hút hơn 40.000 lao động thì có khoảng 39.687 NLĐ được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), đạt tỷ lệ 99,42%. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 40,2% DN đăng ký thang, bảng lương tại cơ quan quản lý Nhà nước. Điều nữa là hầu hết các DN FDI đều thực hiện việc ký kết HĐLĐ, tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng ở mức thấp và có sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa NLĐ trực tiếp sản xuất với lao động gián tiếp. Việc nâng lương cho NLĐ thấp, không khuyến khích cho NLĐ có thâm niên công tác. Về thời gian nghỉ ngơi, đa số các DN quy định bố trí chế độ nghỉ phép hằng năm, mỗi tháng cho nghỉ được 1 ngày hoặc mùa vãn hàng hoặc kết hợp nghỉ phép năm trong dịp Tết Nguyên đán...
CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÒN YẾU
Để bảo vệ NLĐ trong DN thì vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) rất quan trọng, song hoạt động của CĐCS hiện chưa hiệu quả nên quyền lợi của NLĐ chưa được đảm bảo. Theo BQL các KCN và chế xuất Đà Nẵng, đến nay đã có 175/370 dự án đã thành lập tổ chức CĐ. Riêng DN FDI có 57/83 DN đã thành lập tổ chức CĐ nhưng mới chỉ có 9 cán bộ chuyên trách tại 8 DN. Các DN FDI còn lại, cán bộ CĐ đều kiêm nhiệm, phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên chưa phát huy hết vai trò của tổ chức CĐ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Điều này dẫn đến số vụ đình công, lãn công trong DN FDI chiếm đến 70% trong tổng số vụ xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua.
Cũng về vấn đề quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, đại diện TAND TP Đà Nẵng cho rằng, lợi ích của NLĐ trong các DN 100% vốn nước ngoài và các DN liên doanh chưa được bảo đảm; các chính sách cho NLĐ trong các DN này thường chỉ mang tính chất đối phó...
Để hoàn thiện pháp luật, tạo cơ chế bảo vệ NLĐ, tại buổi tọa đàm nhiều ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, người làm công tác CĐ như: Đẩy mạnh vận động chủ DN đồng thuận, nhận thức đúng đắn về việc thành lập các tổ chức đoàn thể trong DN; lập tổ chức CĐ tại 100% DN; đẩy mạnh và duy trì thường xuyên cơ chế tham vấn, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với các DN, tăng cường sự hợp tác giữa các bên, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN; tuyên truyền chính sách pháp luật cho NLĐ... Ngoài các chính sách mềm dẻo, một số ý kiến cũng cho rằng cần áp dụng các biện pháp mạnh để xử lý các DN vi phạm như: đề nghị tăng mức phạt các nhà đầu tư, các chủ DN nợ BHXH, BHYT, BHTN và các vi phạm khác; đề nghị để cán bộ CĐ trong các DN FDI, liên doanh được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để không phụ thuộc và không chịu sự quản lý của người sử dụng lao động để tăng cường tính độc lập, bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích của NLĐ khi bị xâm hại...
Nguyễn Tuấn