Người lính khắc họa hàng trăm bức chân dung Bác

Thứ ba, 19/05/2020 13:00

Dù chưa một lần được gặp Bác Hồ nhưng Thượng tá Trần Ngọc- nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu 5 đã sáng tác hàng trăm bức tranh vẽ về Bác Hồ với lòng kính yêu sâu sắc. “Cho đến khi nào tôi không còn đủ sức cầm bút, trí óc không còn minh mẫn thì tôi mới thôi sáng tác về Người”, đó là lời khẳng định của ông tại buổi trao tặng 2 tập tranh vẽ về Bác Hồ cho Bảo tàng Quân khu 5 Đà Nẵng.

Thiếu tá Thân Ngọc Huệ- Giám đốc Bảo tàng Quân khu 5 nhận 2 tập tranh vẽ về Bác Hồ từ Thượng tá Trần Ngọc.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, Thượng tá Trần Ngọc đã trao tặng lại hai tập tranh mà ông vẽ Bác từ năm 1975 đến nay cho Bảo tàng Quân khu 5. Những tác phẩm đã đi theo ông từ chiến trường về đến thời bình nhưng được tác giả lưu giữ rất cẩn thận và trang trọng. Trong 2 tập vẽ là những nét bút ký họa đầy chân thật và tỉ mỉ mà tác giả đặt hết tình thương yêu của người con đối với vị cha già của dân tộc. Mỗi một bức tranh là một trạng thái, nét mặt khác nhau nhưng đều thể hiện vẻ đẹp bình dị vốn có của Người. Không chỉ đam mê vẽ tranh về Người, ông còn sáng tác thơ, ca rất phong phú. Tại buổi trao tặng ông dành tặng cho các chiến sĩ tác phẩm về Người với lời ca rất mộc mạc, sâu lắng.

Thiếu tá Thân Ngọc Huệ- Giám đốc Bảo tàng Quân khu 5 ghi nhận: “Bác Trần Ngọc đã hoạt động tại quân khu khá lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên Bảo tàng tiếp nhận tranh vẽ của bác Trần Ngọc vẽ về Bác từ năm 1975 đến nay. Đây là nguồn hiện vật có giá trị đối với Bảo tàng. Trong thời gian đến Bảo tàng sẽ phát huy công tác trưng bày tại chỗ, triển lãm lưu động để làm nổi bật bộ tranh này nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ, đồng thời phát huy truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng đạo đức của mọi người dân và các cán bộ chiến sĩ”.

Kết thúc buổi trao hiện vật về Bác Hồ, tôi đến nhà Thượng tá Trần Ngọc nằm trong một con kiệt nhỏ trên đường Duy Tân (Đà Nẵng) chiêm ngưỡng vô số bức tranh được họa bằng chì, bằng màu về Bác Hồ trưng bày đầy khắp cả căn phòng khách. Dù chưa qua trường lớp đào tạo về vẽ hay lớp học nghệ thuật nào nhưng bằng năng khiếu và niềm đam mê bất tận, Thượng tá Trần Ngọc đã dành hơn nửa đời người để vẽ chân dung, làm thơ và cả viết nhạc về Bác Hồ. Vừa ngắm nhìn tranh của ông, tôi vừa chăm chú nghe câu chuyện ra đời của những bức tranh này.

Những bức họa về Bác được ông Ngọc trân trọng trưng bày khắp ngôi nhà của mình.

Cũng như bao chàng trai thời ấy, ông nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ vào tháng 10-1966. Thời gian này ông công tác tại chiến trường B1 Quân khu 5, mọi khó khăn gian khổ và ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn ông đều trải qua. Ông cùng đồng đội luyện tập trong điều kiện gian khổ và nhận được lệnh hành quân thần tốc vào miền Nam. Năm 1969, khi đang trên đường hành quân từ tỉnh Nam Định vào Quảng Bình, tham gia mở đường 20 Quyết Thắng thì ông Ngọc và đồng đội nghe tin Bác Hồ mất trên chiếc radio cũ. Ông nhớ lại: "Khi nghe tin Bác Hồ qua đời, toàn đội lúc đấy vỡ òa, nghẹn ngào trong nước mắt. Đó là tin đau thương, nỗi mất mát to lớn nhất đối với cả toàn dân tộc. Cả đội quyết định làm lễ truy điệu ngay trên đường hành quân. Tất cả các cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đều khóc nức nở, tiếc thương một vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc”. Từ ngày hôm ấy, tinh thần các chiến sĩ bị xáo động, đến năm 1970, trong một lần Trung đoàn 220 tổ chức Đại hội thi đua của Cục hậu cần phát động nhằm sốc lại tinh thần và ý chí quyết tâm xây dựng hậu cứ thật vững chắc để tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam cho các chiến sĩ, ông Ngọc đã vẽ bức chân dung đầu tiên về Bác Hồ. Tuy chưa một lần được gặp Bác, nhưng đã được nhìn thấy Bác qua tờ báo cũ trắng đen từ miền Bắc gửi vào. Ông nhìn theo tấm ảnh mờ nhạt ký họa lại khiến tất cả chiến sĩ đều xúc động.

Càng ngày niềm đam mê vẽ về Bác càng cháy bỏng trong ông, ông bộc bạch: “Những nét đẹp bình dị, mộc mạc về Người đã thôi thúc ông cầm bút và phát họa”. Ông Ngọc mang theo những bức vẽ về Bác đi khắp các chiến trường. Những lúc khó khăn, gian khổ, ông lại đem ra nhìn và lấy làm động lực tiếp tục chiến đấu. Khi tiếp tục vẽ về Bác, ông tìm kiếm tư liệu, tranh, ảnh về Người. Với ông, phải hiểu thật nhiều về Bác thì mới bắt tay vào sáng tác, mỗi nét vẽ phải thể hiện được tinh thần, tình cảm, thần thái của Người. Lần thứ hai vẽ về Người khi đoàn quân của ông vào giải phóng H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vào năm 1975, ông tranh thủ vẽ tranh Bác Hồ trên tấm ván ép to được nhiều người dân đến xem. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Trần Ngọc được Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị và Phòng Tuyên huấn Quân Khu 5 giao nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ để trang trí, tuyên truyền.

Đến nay, Thượng tá Trần Ngọc đã vẽ hàng trăm bức chân dung Bác Hồ và nhiều bức tranh cổ động, tuyên truyền trong các kỳ đại hội. Dù đã về hưu nhưng ông vẫn cặm cụi, say sưa với những cây bút chì màu, ông nói: “Còn khỏe, còn minh mẫn thì tôi vẫn tiếp tục vẽ, sáng tác về Người”.

DIỆU HUYỀN