Người lính Quân khu 5 với pháo đài Brest anh hùng
(Cadn.com.vn) - Kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít (9-5-2015), tìm đến những tướng lĩnh, sĩ quan Quân khu 5 đã từng học tập ở nước Nga, đặc biệt từng tham quan Pháo đài Brest (Cộng hòa Belarus), biểu tượng kiên cường và lòng dũng cảm trong chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô (cũ), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện xúc động...
“Lòng dũng cảm”- Đài tưởng niệm cuộc phòng thủ Pháo đài bất tử Brest (Ảnh chụp năm 1984). Ảnh: Nguyễn Việt Hùng |
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, người có 3 lần với hơn 8 năm sang học tập và công tác ở Nga bồi hồi kể về chuyến thăm Pháo đài Brest khi đang là học viên của Học viện Công binh Quybưsep Moscow.
Pháo đài Brest được biết đến là địa điểm đầu tiên của Liên Xô bị phát xít Đức tấn công trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ngày 22-6-1941, khoảng 4000 Hồng quân trong mưa bom bão đạn đã kháng cự quyết liệt các đợt tiến công của quân đội Đức đông gấp 10 lần. Đức Quốc xã nghĩ có thể san bằng Brest trong 12 giờ nhưng cuộc chiến đấu kéo dài đến 9 ngày. Ngay cả khi thành trì bị hạ, những người lính Hồng quân còn sống sót vẫn tiếp tục chống trả đến người cuối cùng. Pháo đài Brest đã được phong danh hiệu Pháo đài Anh hùng và được tôn tạo năm 1971, thu hút hàng chục triệu khách đến thăm. Đi tham quan khu di tích với tổng chiều dài lớp lũy ngoài lên đến trên 6,4 km cùng hệ thống công trình chiến đấu liên hoàn, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn càng khâm phục hệ thống phòng thủ của Nga.
Từng ngóc ngách, hầm hào được ông nghiền ngẫm, ghi chép để có dịp sau này trên cương vị Chủ nhiệm Công binh Quân khu tham mưu xây dựng các công trình phòng thủ của Quân khu, nhất là tuyến biên giới. Ông chọn cho mình những kỳ nghỉ ý nghĩa để đi thăm 9 trong số 13 thành phố được phong tặng Anh hùng của Liên Xô. Từng chiến tích và tượng đài đều gắn liền với sự mất mát quá lớn mà người dân Xô Viết đã chịu đựng để có ngày chiến thắng 9-5-1945 lịch sử. Ông đã từng lặng đi trước nghĩa trang tập thể ở Leningrad (Sankt-Peterburg). Thành phố này năm 1944 có đến 300.000 Hồng quân đã hy sinh. Hơn 1 triệu người dân đã chết vì đói, rét và sự tàn bạo của quân Đức nhưng không hề bị khuất phục mà trái lại đẩy chúng đi tới chỗ diệt vong.
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn tâm sự: “Năm 1985, kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít, với cương vị đoàn trưởng, tôi may mắn được tham dự lễ tưởng niệm và duyệt binh ở Quảng trường Đỏ ở Moscva. Tôi được gặp nhiều cựu chiến binh quân phục thẳng nếp, ngực lấp lánh huân chương tay dắt các cháu nhỏ rạng rỡ đi dự ngày hội lớn; bà má Nga choàng những tấm khăn cũ trên mái đầu trắng xóa, tay run run đặt từng bó hoa lên tượng đài; những người lính Nga kiêu hãnh làm chủ vũ khí hiện đại, tối tân diễu qua lễ đài…, khiến tôi thêm kính trọng lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của người Xô Viết và sự thủy chung của bạn dành cho nhân dân Việt Nam”.
Thượng tá Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5 có nhiều kỷ niệm với Pháo đài Brest bởi nơi đây anh có những tấm ảnh chụp trước tượng đài “Lòng dũng cảm”. Đam mê lịch sử Liên Xô và những chiến công vĩ đại của người lính Xô Viết nên khi sang nước bạn học Cao đẳng Quân chính, ngành Văn hóa ở thành phố Lvov, Ucraina (1984-1986), anh chọn Pháo đài Brest là điểm đến đầu tiên trong hành trình gần 1.000 cây số. Thăm Brest, anh nghĩ đến Thành cổ Quảng Trị, địa đạo Củ Chi, Vĩnh Mốc, Kỳ Anh ở Tổ quốc mình, thấy nét tương đồng gần gũi mà hào hùng giữa hai đất nước Việt Nam và Liên Xô. Đó cũng chính là cảm xúc để về trường, anh có bài văn xúc động đọc trước lớp về chuyến đi Brest, được cô giáo tiếng Nga khen ngợi.
Đồng đội của anh ở các thành phố khác đều kể rằng một trong hai bài học tiếng Nga bắt buộc mỗi học viên bất cứ quốc gia nào đến học phải thuộc lòng đó là bài về Pháo đài Brest, dài chừng 2 trang giấy. Brest trở thành bản hùng ca của người lính Xô Viết trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Thượng tá Nguyễn Việt Hùng nhớ lại: “Ngày ấy, tuổi trẻ chúng tôi vô cùng say mê các bộ phim về cuộc chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô như: Giải phóng, 17 khoảnh khắc mùa xuân, Mùa chết, Một con người chân chính, Và bình minh nơi đây yên tĩnh … Nước Nga và Liên bang Xô Viết đã hy sinh quá lớn vì độc lập dân tộc và hòa bình thế giới. Tôi là người khá may mắn khi từng rất thích tiểu thuyết “Tên anh không có trong danh sách”, nói về nhân vật Pluzhnikov, người lính duy nhất còn lại sau 9 tháng bám Pháo đài Brest chiến đấu cho đến ngày bị bắt và hy sinh, thì nay đã được đến thăm, thỏa lòng ước nguyện. Hay từng ngưỡng mộ nhà tình báo Hồng quân Cudơnhetxop thì qua Ucraina tôi được đến viếng mộ ông, thăm nhà hát mang tên ông với tường cách âm được làm bằng nguyên liệu gỗ mít Việt Nam tặng”.
Theo anh Hùng, nước Nga còn là kỷ niệm ngày ra trường. Theo phong tục của người Nga, khi quỳ xuống dưới quân kỳ làm lễ tuyên thệ, sinh viên sẽ thả từ trong túi ra những đồng xu Kô-pếch nhằm kết thúc những ngày khó khăn để bước vào cuộc sống mới. Nhưng với các anh lúc ấy, giã từ những tình cảm thân ái mà bạn dành cho mới thực sự khó khăn. Dẫu đã về nước gần 30 năm nhưng tình cảm với nước Nga vẫn đong đầy trong nỗi nhớ các cựu học sinh Lvov, nhất là vào các dịp Cách mạng tháng Mười và những ngày này, khi nước Nga kỷ niệm long trọng 70 năm ngày chiến thắng phát xít, kết thúc cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Hồng Vân