Người mẹ hiền của trẻ em bất hạnh
Suốt hơn 25 năm qua, cô Nguyễn Thị Thanh (57 tuổi, xã Tiên Thọ, H. Tiên Phước, Quảng Nam) đã tình nguyện “đưa đò”, dìu dắt hàng trăm học sinh nghèo, bất hạnh tiếp cận với con chữ, dệt nên những ước mơ tươi đẹp giữa cuộc đời. Cô như người mẹ hiền của biết bao thế hệ học sinh và luôn được nhắc đến trong sự thương yêu, kính phục của bạn bè, đồng nghiệp.
Cô Thanh như người mẹ hiền của bao thế hệ học sinh bất hạnh. |
Những ngày đầu năm mới, không khí lớp học miễn phí của cô Thanh càng rộn ràng tiếng nói cười con trẻ. Dưới mái hiên căn nhà cũ kĩ, ọp ẹp, cô trò vẫn hăng say với bài học mới. Dù điều kiện học tập còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng “lửa” nghề cùng tinh thần ham học đến cháy bỏng của cô trò là điều dễ dàng cảm nhận được. Trước khi kể về cuộc đời mình với tôi, cô Thanh trải lòng: “Dạy bọn trẻ thật sự là cái nghiệp của cô. Bây giờ mà ngưng dạy lại chắc cô không sống nổi. Nhìn bọn trẻ cười, đọc chập chững từng con chữ, giải được từng bài toán đơn giản là cô mừng lắm”. Tốt nghiệp sư phạm, cô Thanh xin về giảng dạy tại một trường tiểu học ở huyện Nam Trà My. Sau 4 năm, cô chuyển công tác về Trường Tiểu học Trần Ngọc Sương (nay là Trường Tiểu học Tiên Thọ). Cũng chính từ đây cô bắt đầu “bén duyên” với việc dạy thêm miễn phí cho trẻ em nghèo, bất hạnh, khuyết tật tại địa phương. “Tiên Phước vốn là huyện nghèo lại phải gánh chịu rất nhiều nỗi đau chiến tranh. Nhiều thế hệ trẻ em bất hạnh phải mang trong mình căn bệnh chất độc da cam khiến cô thấy mà không cầm lòng được. Dù thế nào đi nữa các em cũng có quyền được vui chơi, học tập như bao trẻ em khác. Bởi vậy, việc cô mở lớp dạy học cho những hoàn cảnh như vậy là điều nên làm”, cô Thanh chia sẻ.
Cũng theo cô Thanh, tâm nguyện của cô là làm sao giúp các em có thể đọc, viết, làm toán và trở thành người có ích cho xã hội. Thời điểm đó là năm 1993, cô tất tả ngược xuôi đến từng nhà vận động phụ huynh rồi lên phòng giáo dục huyện xin vài bộ bàn ghế cũ cùng tấm bảng bạc màu mang về tận dụng làm đồ dùng dạy học. Cứ như vậy, lớp học miễn phí của cô Thanh cũng ra đời, nhiều học sinh kém may mắn được cô nhận dìu dắt. Cứ một buổi lên lớp tại trường, buổi còn lại cô dạy tại nhà. Tiếng lành đồn xa, một thời gian sau có tổ chức từ thiện tìm đến bày tỏ nguyện vọng hỗ trợ kinh phí để cô xây dựng lớp học khang trang, đầy đủ hơn phục vụ dạy học với điều kiện là cô phải trực tiếp đứng lớp. Nhận thông tin này cô Thanh cùng học trò vô cùng vui mừng. Lớp học mới cũng được dựng lên nhưng đến năm 2002 đành giải tán vì địa phương có cơ chế cho các cháu tái hòa nhập cộng đồng. “Lúc chúng nó đi cô cũng buồn lắm. Nhưng không lâu sau cô lại nhận được tin vui là chúng nó có nguyện vọng quay lại. Thế là cô sẵn sàng tiếp tục mở lớp”, cô Thanh cho hay.
Lớp học của cô Thanh có nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Có những học sinh bình thường nhưng gia cảnh khó khăn và cũng có những học sinh khuyết tật, chậm tiến... Với từng học sinh cô lại có những phương pháp dạy khác nhau, linh hoạt trong từng bài giảng cho mọi lứa tuổi để các em dễ dàng tiếp thu, đạt hiệu quả cao nhất. “Đương nhiên dạy những em khuyết tật, chậm tiến bao giờ cũng khó khăn hơn nhưng với những trường hợp này cô không đòi hỏi nhiều, chỉ cần các em chăm học, có thể tiếp nhận được những gì cô giảng là mừng rồi. Nhiều khi có cùng một nội dung nhưng cô giảng đi giảng lại ba bốn lần các em vẫn nhớ trước quên sau. Điều quan trọng trong trường hợp này là cần phải kiên trì thì mới có thể gắn bó được với các em”, cô Thanh chia sẻ.
Năm 2016, cô Thanh chính thức về hưu, những tưởng thời gian này cô sẽ dành để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân nhưng cô vẫn quyết định không nghỉ. Cứ ngày hai buổi đều đặn cô đều đứng lớp, đồng lương ít ỏi cô cũng dành dụm để trang bị đồ dùng học tập, mua tặng quần áo, sách vở mới cho các em. Nhiều học trò của cô Thanh có hoàn cảnh rất thương tâm như em Khánh Chi (lớp 4) học rất giỏi, thông minh, cần cù và có chí cầu tiến nhưng gia đình lại khó khăn. Bố bệnh nặng nằm một chỗ, mọi chi phí, sinh hoạt gia đình đổ dồn lên vai mẹ nhưng mẹ cũng bị bệnh tim, phải thường xuyên đi bệnh viện với chi phí lớn. Hay như trường hợp các em Hùng, Mận... bị chất độc da cam, dù ham học nhưng khả năng tiếp thu hạn chế. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tiên Thọ nói về cô Thanh: “Tấm lòng của cô Thanh rất đáng biểu dương, khen ngợi. Không gì có thể kể hết công lao, nhiệt huyết, kể cả những hy sinh mà cô đã dành trọn cho học trò của mình trong suốt những năm qua. Chúng tôi thật sự tự hào về cô”. Với những đóng góp của mình cô Thanh cũng đã được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cùng huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh.
Phi Nông