Người mẹ Quảng Trị!

Thứ tư, 26/07/2017 08:36

Những ngày tháng bảy, trên dải đất hình chữ S của người Việt Nam vang vọng những câu ca về lòng biết ơn vô hạn đối với những người Mẹ đã hiến dâng con gái, con trai của mình trong hành trình cứu nước giành độc lập, hòa bình, tự do của dân tộc: "Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi/ Cho con xin chia sớt nỗi buồn/ Cho con xin sẻ đôi bát cơm/ Cho con hôn đôi mắt mỏi mòn/ Cho con soi lại bóng hình con.../ Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi/ Xin cám ơn người, người Mẹ của tôi" (Người mẹ của tôi-Xuân Hồng)...

Tháng bảy, tôi lại trở về bên người Mẹ của đất Quảng Trị với mong muốn được nghe chính Mẹ kể những câu chuyện của cuộc đời đến nay đã như truyền thuyết dân gian là dù bị giặc thù chôn sống, Mẹ vẫn không khai nơi nuôi giấu cán bộ và mẹ đã trao cho các cuộc trường chinh giải phóng dân tộc mình hai người con trai và người con dâu hiếu nghĩa. Nhiều người thuộc thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình đã về thăm Mẹ, ngồi bên Mẹ để nghe trong lời nói chất phác: "Mạ mất con ruột nhưng lại có nhiều đứa con khác thương Mạ như con đẻ ri cũng thỏa" của Mẹ niềm đau "Con của Mạ không chết vì Mạ ngày một già yếu mà ngày đêm mô cũng nhớ mấy cái núm ruột gái, núm ruột trai nớ".

Cuộc đời của Mẹ không gì ngoài nuôi con, nuôi chồng và bảo vệ cách mạng với khí phách kiên cường đã trở thành niềm tự hào của những người sống bên Mẹ. Trong giọng kể của người Mẹ giờ đây chân đã chậm, lưng đã còng, bạc phơ mái tóc, những người trẻ cố gắng mường tượng hình ảnh các Mẹ vót chông cầm súng, góp sức giữ đất giữ làng, đánh đuổi ngoại xâm. Trong những năm tháng thanh xuân của đời Mẹ có những ngày Mẹ tiễn các con mình ra trận. "Con chị đi rồi tới thằng em, chị em chúng nó kéo nhau đi đánh giặc giữ làng. Trước khi lên đường, hai đứa còn dặn Mạ nấu canh cho nhiều ớt thiệt cay để về ăn...", kể về những đứa con của mình như các anh, các chị vẫn đang sống, Mẹ có phần vui khi nói thêm các con của Mẹ có đứa hiền lành, có đứa nghịch ngợm nhưng đứa nào cũng rất thương Mẹ và quý mến làng xóm. Mẹ ở nhà trồng luống khoai vườn sắn, nuôi lợn để tiếp tế cho các con và đồng đội của con mình và đêm đêm, một mình một bóng, Mẹ thức chờ các anh, các chị. Rồi Mẹ bị giặc bắt để tra hỏi về cơ sở cách mạng bằng những đòn roi, cực hình và cả trò đe dọa ác ôn là chôn sống, Mẹ vẫn một mực lắc đầu...

Mẹ lại khóc khi kể đến ngày nhận tin con gái rồi con trai của Mẹ hy sinh. Vậy mà ai cũng biết, lúc giặc tra khảo và chôn sống Mẹ, kể cả trong phút nghe tin các con của mình hy sinh, dẫu đau đớn đến mấy Mẹ cũng không khóc. Ngày ấy, Mẹ đau liền mấy nỗi đau vật vã khi không còn nữa núm ruột của mình mang nặng đẻ đau, chăm bẵm nuôi nấng bằng bầu sữa và hạt gạo củ khoai mình có nhưng Mẹ đã phải cắn răng mà chịu bởi sự nghiệp cách mạng chưa thành công. Còn bây giờ, Mẹ vẫn không nguôi thương người con gái của Mẹ chưa kịp có hạnh phúc làm vợ làm mẹ, tiếc nhớ người con trai và con dâu chưa kịp sinh con cho Mẹ có cháu bồng cháu bế.

Nhắc tới ước muốn có cháu, Mẹ kể ra cái tính nghịch ngợm của người con trai và Mẹ cười. Lúc ấy, đôi mắt của Mẹ ráo hoảnh nỗi đau. Trên gương mặt hiền từ của Mẹ bao năm rồi hằn vết tổn thương trong tâm khảm và trong những lần chợp mắt của đời Mẹ đến nay vẫn còn giấc mơ các con về vui vầy với Mẹ. Nhưng mỗi khi có người nhắc hỏi về sự hy sinh của các con và của Mẹ, Mẹ vẫn giản dị với câu nói đó là việc vì quê hương, vì Tổ quốc mà con người cần làm hơn cả. Vậy mới biết, dẫu mang nặng nỗi đau không gì đo được, lòng Mẹ vẫn bao la tình thương dành cho các con và tình yêu đất nước.

Đất nước mình đã và đang chịu ơn những người như Mẹ, những người đã nhận về mình sự hy sinh như một lẽ tất nhiên không đợi đền bù. Sự hy sinh và tấm lòng của Mẹ đã khắc họa gần như trọn vẹn nhân cách sống của dân tộc mình. Sự thật về công ơn của Mẹ, dẫu đi tận chân trời góc bể, đã là con Lạc cháu Hồng, con người không bao giờ quên.

NGUYỄN BỘI NHIÊN