Người miền Trung và Tết

Thứ sáu, 17/01/2020 21:02

Cũng là Tết, trải dài trên mọi miền Tổ quốc đất trời náo nức sang Xuân, dẫu cả năm vất vả lo toan cơm áo, ngày Tết đến, và nghỉ ngơi ăn Tết. Ông bà ta nghĩ ra cái Tết, và cứ thế dẫu già trẻ lớn bé, vùng miền đều chộn rộn đợi Tết, lo Tết, chơi Tết và ăn Tết. Dẫu phong thổ khác nhau, tập tục ăn Tết khác nhau, nhưng đậm nét Tết vẫn là cái chung trong cuộc sống. Bởi nếu không có Tết, cuộc sống chắc không có những rộn ràng, cuộc sống thiếu một chút gì đó của hân hoan.

Chọn câu đối Tết.

Cách ăn Tết của mỗi vùng miền trên đất nước ta mỗi khác. Nói về cách làm mâm cỗ Tết, tính từ Quảng Trị đổ đến Bình Thuận đều là những mâm cỗ cúng  đón ông bà  vào chiều ba mươi Tết,  để ông bà cùng ăn Tết với con cháu cho vui. Bởi theo cái lẽ thường của dân tộc Việt, mùa Xuân còn là mùa đoàn tụ, mùa sum họp. Con cháu dẫu đã có gia đình, đã lập nghiệp, đã sinh con thì vẫn trở về lại nhà cha mẹ ngày cuối năm để tụ họp, để sẻ chia những vui buồn sau 365 ngày cuộn trôi theo vòng quay của đất trời.

Mâm cúng Tết miền Trung nấu khéo, nhìn thấy trong đó âm hưởng của sự chắt chiu của sự chia sẻ. Này nhé,  mỗi món ăn đều được chia ra từng đĩa nhỏ mà không dồn vào một đĩa lớn với những món  rất chủ lực: rau sống, chả ram, canh bún, cơm trắng, đồ xào, thịt kho và đôi khi có cả cá kho hoặc thêm  cà-ry, con gà luộc...  Sau khi cúng xong gọi là tàn nhang, vì nhang tàn nghĩa là ông bà đã hưởng xong mâm cơm cúng. Mâm cơm cúng cuối năm dọn xuống, cả nhà tham dự buổi cơm tất niên trong không khí vui vẻ và đoàn tụ. Đó cũng là có dịp để ôn lại những ký ức về nhau.

Món bánh tét là món chủ lực trong ngày Tết. Cách gói bánh tét của mỗi vùng miền có khi đòn ngắn, đòn dài nhưng vẫn là nếp, đậu xanh, thịt heo với lá chuối gói bên ngoài luộc chín. Điều lạ là tính theo đường địa lý từ Quảng Trị đến Bình Thuận có cả ngàn cây số, vậy mà cách gói bánh, nhân bánh gần như không khác nhau. Cái khác nhau là biến tấu của nhân bánh sau này như bánh tét gấc, bánh tét chuối, bánh tét nhân đậu đen… hoặc Ninh Thuận có bánh tét thịt cừu, ở Bình Thuận có bánh tét thịt dê với mục đích ăn cho lạ miệng. Trong thời gian gần đây, sự pha trộn văn hóa vùng miền đã đưa chiếc bánh chưng  từ miền bắc du Nam. Do thời tiết trong Nam nóng, làm chiếc bánh chưng gói kiểu miền Bắc dễ hỏng do cách gói với lớp lá dong mỏng, người miền Trung đã nghỉ thêm chuyện lót them lớp lá chuối để bảo đảm kéo dài thời gian bảo quản của chiếc bánh chưng.

Các loại bánh cúng trong ngày Tết rất phong phú và đa dạng, do tập tục mà tạo nên chiếc bánh Tết. Sự du nhập của chiếc bánh tổ (bột nấu với đường) đã vào một số tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận. Bánh tổ để càng lâu ăn càng ngon do cộng đồng người Hoa (Nùng) sinh sống ở Sông Mao (Bình Thuận) làm trong ngày Tết, họ còn chế biến thêm một món ăn Tết khác và đã đưa vào thực đơn Tết của người Việt chính  là tương đậu nành còn nguyên hạt. Riêng loại bánh ly, bánh tháp, bánh in không biết xuất hiện từ bao giờ mà trở thành một thứ bánh không thể thiếu trong ngày Tết. Bánh in ly làm bằng bột  nếp rang chín nhồi với đường cát trắng, đóng khuôn có lõi bên trong thành hình tháp. Trang trí bên ngoài là giấy bóng kính với ba màu chủ đạo là màu hồng, màu đỏ và màu  vàng. Trang trí bên ngoài ở mỗi nơi có khác nhau, như bánh in ở Huế khá rực rỡ với những  bông hoa trang trí, bánh in ở Khánh Hòa, Phú Yên có thêm chiếc đĩa cũng bằng bánh để ở dưới. Thường bánh ly chưng lên bàn thờ cho hết tháng giêng, sau đó đem bỏ đi chứ không dùng để ăn. Bánh ngũ sắc cũng dùng để chưng trên bàn thờ  làm bằng bột nếp khô, đòng vuông vức phong lại 5 hoặc 6 cái với 5 màu sắc. Sau này, thêm bánh tháp là bánh in nhỏ  gắn trên một trụ tháp làm bằng giấy cứng.

 Hoa, món trang trí không thể thiếu trong dịp Tết.

Bánh in ngày Tết thì gần như tỉnh nào cũng làm, đa phần do gia chủ tự chế biến là bánh thuẫn  và bánh bông lan. Nhưng mỗi vùng miền lại có loại bánh riêng. Cầu kỳ nhất là các loại bánh Huế. Bánh Tết Huế kể không biết bao nhiều loại: là bánh bò hoa sen làm rất cầu kỳ với màu sắc đẹp, ăn như cứ tan vào trong miệng, là bánh hạt sen làm bằng hạt sen nguyên chất với đường cát tinh, là bánh phục linh thơm mùi lá dứa... Đến Quảng Ngãi lại gặp lại đặc sản ở đây chính là  cốm. Tới nhà nào ở Quảng Ngãi cũng sẽ được mời ăn cốm, là  nếp rang nổ bung ép với đường nhưng rất ngon, ngay cả bánh thuẫn ở Quảng Ngãi cũng được chế biến rất riêng để tiếp khách trong ngày Tết. Bình Định và Quảng Nam lại là các loại bánh gói lá như bánh ít, bánh  xu xê. Đặc biệt, ở nhiều tỉnh lại có thêm món chè đậu xanh đánh  để dành trong tủ lạnh ăn dần trong ba ngày tết gọi là Chè Thưng.

Món ăn để trong nhà trong ngày Tết của người miền Trung đã trở thành thói quen không thể thiếu. Chủ lực là hủ dưa món, dưa chua  với tôm khô, lạp xưởng, trứng vịt, nồi thịt gà, thịt heo rim mặn và đòn chả lụa, nem chua, tai heo thịt heo ngâm mắm... Các món ăn dự trữ đó chủ yếu để khách tới nhà, đem ra với chai rượu chuyện trò trong ngày xuân. Không ai tới nhà thăm ngày Tết mà được từ chối một ly rượu khách mời trong ngày Tết. Vì thế, chỉ cần đi dạo hàng xóm một vòng là say khướt. Rượu mỗi vùng miền lại khác nhau như rượu Bàu Đá Bình Định, rượu Hồng Đào Quảng Nam, rượu Minh Mạng ở Huế...

Giữa cuộc sống trôi đều, bạn bè hàng ngày gặp nhau, tuy nhiên việc đi thăm nhau vào ngày Tết lại hoàn toàn mới mẻ. Mọi lo toan của một năm tạm thời bỏ lại sau lưng, dành ba ngày thư thái... ăn Tết. Dẫu cuộc sống đã bị đô thị hóa, đâu đó ở các làng quê miền Trung vẫn còn hình ảnh những cây nêu  treo cao trước nhà, nhưng  sòng bầu cua  chơi vui ngày Tết ở khoảng đất trống trước trường học. Hình ảnh kéo nhau đi chúc Tết, hình ảnh những đứa trẻ mặc quần áo mới lũ lượt trên đường mang đậm nét Tết Việt.

Khuê Việt Trường