Người Mỹ đối mặt “tuần đau đớn nhất”, Châu Âu sáng sủa hơn
Người Mỹ đang cho thấy một tinh thần đoàn kết để sẵn sàng đối mặt với những gì mà các bác sĩ hàng đầu quốc gia cảnh báo về “một tuần khó khăn và đau buồn nhất” trong cuộc sống của họ.
Cảnh sát ở London, Anh nhắc nhở một phụ nữ “hãy về nhà” trong bối cảnh nước này thắt chặt quy định cách ly xã hội phòng chống dịch. Ảnh: AP |
Trong khi đó Châu Âu có những tín hiệu lạc quan hơn. Dù vậy, trang mạng Worldometers.info đưa ra thống kê cho biết trên toàn thế giới tiếp tục các ca nhiễm mới tăng vọt, ghi nhận 1.282.041 người nhiễm, với 70.172 ca tử vong.
Khác gì vụ “Trân Châu cảng”
Mặc dù tại tâm dịch New York ngày 5-4 ghi nhận số ca tử vong trong 24 giờ lần đầu tiên giảm từ khi dịch bùng phát đến nay, nhưng nước Mỹ vẫn đang bước vào tuần khó khăn nhất khi số ca tử vong trên toàn quốc tăng và nguy cơ thiếu máy thở trong những ngày tới.
Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins đưa ra ngày 6-4, số ca tử vong ở Mỹ đã lên đến 1.200 người trong 24 giờ qua trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết khoảng 1,6 triệu người ở Mỹ đã được xét nghiệm và đã nhận được kết quả. Trước đó, chính Tổng giám đốc Phẫu thuật Mỹ Jerome Adams đã đưa ra cảnh báo rõ ràng về làn sóng tử vong do virus. Phát biểu trên kênh Fox News, ông Adams nhận định, tình hình sẽ không khác gì vụ “Trân Châu cảng hay sự kiện 11-9, chỉ có nó không xảy ra tại địa điểm trên toàn đất nước”. “Tuần tới sẽ là tuần khó khăn nhất và đau buồn nhất với hầu hết người dân Mỹ”, bác sĩ Adams nói. Bản thân Tổng thống Trump cũng nói rằng, nước Mỹ phải đối mặt với “thời điểm đau buồn nhất”, nhưng hy vọng về số ca tử vong đang giảm dần tại New York. “Chúng ta sẽ thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”, Tổng thống Trump nói tại một cuộc họp ngắn ở Nhà Trắng hôm 6-4 (giờ Việt Nam).
Tại New York, Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết, số ca nhập viện mới giảm tới 50% trong vòng 24 giờ nhưng ông cảnh báo, con số này không thể nói lên điều gì và chưa thể nói đại dịch tại New York đã đạt đỉnh hay chưa. Bang Lousiana trở thành điểm nóng mới của Covid-19 khi số ca tử vong lên tới gần 500 ca và hơn 13.000 ca nhiễm. Thống đốc bang Lousiana lo ngại nguy cơ thiếu hụt máy thở trong tuần này.
Châu Âu xem xét nới lỏng cách ly
Nhiều nước Châu Âu cũng có một số tin tức đáng khích lệ. Italia xác nhận mức tăng tử vong hàng ngày thấp nhất trong hơn 2 tuần qua – 525 người. Tốc độ lây nhiễm dường như cũng chậm lại. Mặc dù vậy, ông Angelo Borrelli, người đứng đầu cơ quan Bảo vệ Dân sự quốc gia Italia cảnh báo, mọi người không nên chủ quan vì tin tức tốt này.
Số ca nhiễm và cả số ca tử vong mới ở Tây Ban Nha giảm trong ngày thứ ba liên tiếp, xuống còn 674 - lần đầu tiên đã giảm xuống dưới 800 trong tuần qua. Tuy nhiên, tình hình ở Anh ảm đạm hơn, khi có hơn 600 người được xác nhận tử vong trong ngày 5-4, vượt qua mức tăng của Italia. Trong bài phát biểu hiếm hoi truyền hình, Nữ hoàng Elizabeth II tập trung chủ đề về đại dịch. Bà kêu gọi người Anh tăng mạnh mẽ, đoàn kết, chấp hành giãn cách xã hội cùng nhau vượt qua đại dịch; đồng thời thừa nhận sự gián đoạn to lớn, đau buồn và khó khăn tài chính. “Có thể nhiều người sẽ cảm thấy đau khổ vì phải cách xa người thân. Nhưng trong tình hình hiện tại cũng như tương lai chúng ta đều biết rằng đây là điều đúng đắn phải làm” - Nữ hoàng Elizabeth phát biểu. Bà cũng so sánh đại dịch Covid-19 đối với người Anh giống như những năm nổ ra Thế chiến II, nhưng khác là trong cuộc chiến của năm 2020, cả thế giới cùng chung chiến tuyến và chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về các tiến bộ của khoa học.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải nhập viện, 10 ngày sau khi được xác nhận mắc Covid-19. Tuy nhiên, các trợ lý của ông cho biết đây không phải là trường hợp khẩn cấp và nhấn mạnh, nhà lãnh đạo 55 tuổi chỉ là cần phải xét nghiệm. Có những lo ngại rằng ban đầu, chính phủ Thủ tướng Johnson quá chủ quan trước dịch bệnh và thời tiết mùa xuân đẹp đẽ đã cám dỗ người Anh và những người khác phá vỡ các quy tắc giãn cách xã hội. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết, Anh thậm chí có thể cấm tập thể dục ngoài trời nếu mọi người vẫn bỏ qua các quy tắc.
Trong khi đó, hiện tại, chính phủ một số nước Châu Âu bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly. Cụ thể, các nước Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Phần Lan đã thành lập các ủy ban chuyên gia để nghiên cứu giảm dần việc cách ly cũng như các hạn chế nghiêm ngặt. Đồng thời, các quốc gia này cũng đang nỗ lực ngăn chặn đợt lây lan dịch bệnh thứ hai để hệ thống y tế không bị quá tải. Giới chức Italia cũng cho biết từ nay đến ngày 16-5, nước này có thể có thêm các số liệu tích cực cho phép khôi phục một số hoạt động. Đan Mạch, một trong những nước đầu tiên ngừng hoạt động và đóng cửa biên giới, cũng trở thành quốc gia đầu tiên vào tuần trước đưa ra lịch trình dỡ bỏ các hạn chế.
KHẢ ANH
78 ca mắc Covid-19 không có triệu chứng ở Trung Quốc Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 6-4 ra thông cáo cho biết tính đến ngày 5-4, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 39 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có tới 38 ca bệnh là nhập cảnh từ nước ngoài, tăng hơn so với con số 30 ca của 1 ngày trước đó, trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh không có triệu chứng cũng đang tăng cao. Theo NHC, số ca nhiễm virus không có triệu chứng tính đến cuối ngày 5-4 là 78 trường hợp và chỉ có 1 ca tử vong ở Hồ Bắc trong ngày 5-4. |