Người ở cơ sở
Chúng tôi ra xã Trung Hải, H.Gio Linh, Quảng Trị ở bờ nam Bến Hải khi bão lũ tháng 10-2020 lịch sử đã qua nhiều ngày nhưng bùn non vẫn đặc quánh bám lấy vườn tược, cây cối. Nhìn ra dòng sông, nước vẫn đục ngầu, rác tấp bờ xơ xác.
Người dân kịp ghi lại hình ảnh anh Tiệp sau sơ cứu tại xóm Trày. |
Ngược chiều với chúng tôi hôm ấy là đông đảo bà con khắp các thôn, xóm của Trung Hải đến địa điểm khám, cấp thuốc miễn phí do Cục Y tế, CA tỉnh Quảng Trị và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động của Bộ CA tổ chức. Ai nấy hối hả song vẫn chậm bước chân lại khi nghe chúng tôi hỏi đường về nhà anh Lê Mạnh Tiệp (1986) Công an viên thôn Xuân Mỵ, xã Trung Hải, người bị thương trong quá trình cứu hộ giúp dân trong cơn lũ. “Cứ đi thẳng, qua thôn Bách Lộc, về gần cầu Xuân Mỵ đang bị hư do lũ, rẽ vô xóm 4. Tiệp nó đi viện về rồi đó”, cụ Thỏn ân cần chỉ tay về phía gần cuối dòng Bến Hải.
Xóm 4 thôn Xuân Mỵ cũng như nhiều xóm, làng bên dòng Bến Hải bị thiệt hại nặng nề do bão lũ vừa qua. Và chiều 17, tối 18-10 vẫn còn ám ảnh trong tâm trí bà con. Nước từ sông dâng lên rất nhanh từ chiều, tiếng gọi trợ giúp đã lan khắp làng trên xóm dưới. Ở Xuân Mỵ, nhà của anh Tiệp nước cũng đã leo bậc tam cấp ngôi nhà cấp 4. Vợ và 2 con nhỏ vẫn ở nhà cùng bố mẹ già. Nhưng lúc này, anh Tiệp đã cùng với tổ CAH Gio Linh vận hành ca nô đến ứng cứu giúp dân ở thôn Bách Lộc, xã Trung Hải. Khi đến xóm Trày, thôn Bách Lộc, tình hình đã rất khẩn cấp, CBCS CA cùng anh Tiệp triển khai nhanh giúp dân vận chuyển, di dời tài sản là thóc lúa, gia súc, trâu bò... tránh ngập lũ. Trong cơn mưa như trút, chú trâu sợ hãi người lạ, nổi cơn hung hăng, tấn công. Tình huống bất ngờ, anh Tiệp không thể tránh kịp, bị trâu húc, móc sừng vào cổ tay và đùi phải, thủng sâu. Giữa dòng nước lũ bạc, máu đã loang đỏ...
Bà con chứng kiến vết thương quá nghiêm trọng đều lo lắng cho tính mạng anh Công an thôn, liền phụ giúp tổ CA sơ cứu rồi đưa ra BVĐK H. Gio Linh cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh cứu chữa. Lúc đó, ở nhà, bố anh Tiệp đã ngoài 80 tuổi, mắc bệnh tim, chỉ biết con đang làm nhiệm vụ giúp dân chống bão lũ. Mẹ anh thì gấp rút lùa bò, trâu lên chỗ cao ráo để kịp về phụ con dâu kê dọn đồ đạc, không ai hay tin gì về anh Tiệp bị thương. Anh Tiệp cũng giấu thông tin này vì sợ cả nhà lo lắng. Nhưng rồi tin cũng đã về tới xóm 4. Nhìn nước lớn, không thể di chuyển vào viện, cũng không thể bỏ mặc con nhỏ, bố mẹ già, chị Kim An, vợ anh Tiệp như ngồi trên đống lửa. Đến nửa khuya, nước đã dâng ngập sâu, dù đã trú tránh đến nơi an toàn nhưng nỗi sợ càng lớn, bao trùm không chỉ chị Kim An mà cả khắp làng xóm. Chính thời điểm đó, anh Tiệp đang được mổ cấp cứu ở viện với vết thương sâu ở cổ tay và đùi phải. Nhờ cứu chữa kịp thời, anh Tiệp đã vượt qua nguy hiểm tính mạng. Bà con ở quê nhà bớt lo hẳn, nhưng qua đó càng thấm thía bao thiệt thòi mà những người như anh Tiệp đã lăn xả vì bình yên xóm làng.
Nước rút, bao nhiêu vốn liếng hồ tôm, cua của vợ chồng Tiệp cũng trôi sạch, mất trắng. |
Công an viên ở thôn, công việc ở cơ sở không hề ít song phụ cấp khiêm tốn, nhất là khi có thiên tai, bão lũ, họ lăn xả không kể ngày đêm. Họ sẵn sàng gác việc gia đình để lo việc chung của nhân dân. Ngày ra viện về nhà, anh Tiệp tập tễnh bước lên thềm, tường nhà, đồ đạc vẫn ngổn ngang, lấm bùn nhưng cảm ơn cả gia đình vẫn an toàn sau lũ dữ. Chúng tôi hỏi thăm, Tiệp cho biết sức khỏe đang hồi phục tốt, giọng rất phấn khởi. Tuy nhiên, vẫn có thể cảm nhận rõ sẽ lâu sau anh Tiệp mới làm lại việc nặng nhọc. Ngay cả hai hồ tôm, cua mà vợ chồng anh nuôi bên dòng Bến Hải đã bị lũ cuốn trôi tất cả anh vẫn chưa thể kiểm tra kỹ tình hình. Lúc này, chúng tôi mới đặc biệt chú ý đến tình hình kinh tế gia đình của Công an viên thôn ấy.
Vợ chồng anh Tiệp có 2 con, một cháu 8 tuổi, 1 cháu 4 tuổi. Công việc mưu sinh của anh là thợ xây, vợ anh làm nông. Hai vợ chồng có nuôi tôm và cua cũng được gần 4 năm nay, cũng là thu nhập chính của của gia đình. Khi cơn lũ lịch sử ập đến, hồ tôm và cua của vợ chồng anh chỉ còn gần 1 tháng nữa là thu hoạch. Vậy mà chỉ trong một đêm, nước từ sông dâng ngập hồ quá 1m, đê bao, bờ kè hồ nuôi thủy sản vỡ hết, cuốn hết... Bao nhiêu công sức, cả vốn lẫn lãi hơn một trăm triệu đồng của vợ chồng trẻ đã mất trắng. Nhìn sang hàng chục hồ nuôi tôm, cua của bà con trong xóm, tất cả không còn ranh giới bờ bao, một màu trắng của nước lụt.
Ngày chúng tôi ra thăm hồ tôm của vợ chồng Tiệp, trào lên niềm xót xa. Được biết, lãnh đạo CA tỉnh Quảng Trị, CAH Gio Linh cũng như nhiều đơn vị đã thăm hỏi và động viên Tiệp kịp thời trong và sau khi ra viện. Còn với bà con làng xóm, sự nhiệt tình, tận tụy của người làm công tác trị an ở cơ sở ấy đã thực sự khiến tin yêu trong họ ngày càng đậm sâu, lan tỏa và tha thiết với cuộc sống hơn.
BẢO HÀ