Người phụ nữ hơn 30 năm làm nghề vá lốp ô-tô
Đến thị trấn Bình Dương, hỏi bà Trần Thị Nhàn (57 tuổi) vá lốp ô-tô, từ trẻ đến già ai cũng biết. Bởi trước đến nay, ở huyện Phù Mỹ và địa phương này chỉ có duy nhất bà là phụ nữ làm nghề vá lốp ô-tô, được các tài xế nhận xét là có tay nghề điêu luyện hơn cánh mày râu.
Khi được hỏi cơ duyên nào đưa bà đến với nghề vá lốp ô-tô và gắn bó lâu dài đến vậy, bà Nhàn vui vẻ kể: “Hơn 30 năm trở về trước, tôi sống ở vùng biển xã Mỹ An làm nghề buôn bán và nội trợ, không biết gì về công việc vá lốp xe. Đến khi kết hôn với chồng tôi (ông Nguyễn Văn Xuân- PV) ở thị trấn Bình Dương làm nghề vá lốp ô-tô và xe máy, tôi mới bắt đầu học nghề này để phụ giúp chồng". Rồi nhờ tiếp thu nhanh nên chỉ sau vài tháng học hỏi, bà đã thành thạo các công đoạn từ tháo lốp ra khỏi vành xe để vá và lắp lại như ban đầu.
Đang trò chuyện thì có một chiếc xe ô-tô tải bị thủng ruột chạy đến tiệm nhờ vá, và tôi có dịp được chứng kiến bà thực hành. Sau khi tháo lốp xe tải đưa vào cửa tiệm, bà Nhàn dùng búa và hai thanh sắt lớn để tháo chiếc lốp ra khỏi niềng, kéo ruột xe ra kiểm tra chỗ nào bị thủng để vá. Chưa đầy 20 phút, bà đã hoàn thành việc vá xong chiếc lốp nặng hàng trăm ký và lắp vào vị trí cũ. Được biết, ngoài vá lốp ô-tô từ 6 giờ sáng đến chiều tối, tiệm của vợ chồng bà còn có dịch vụ vá xe lưu động. Theo ông Xuân (chồng bà Nhàn), có những đêm khuya trời mưa gió, nhiều xe tải, xe container lưu thông trên đường bị thủng lốp, gọi điện yêu cầu đến vá, vợ chồng ông sẵn sàng đến để thực hiện công việc, vừa giúp các tài xế kịp vận chuyển hàng hóa, vừa tăng thêm thu nhập. Nhờ cần mẫn làm việc, mỗi ngày vợ chồng ông thu nhập từ việc vá lốp ô-tô và xe máy tại cơ sở từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng, chưa kể vá lốp lưu động.
Anh Nguyễn Văn Minh ở thị trấn Bình Dương, cho biết: “Nhiều năm qua, tôi thường đến tiệm của bà Nhàn để vá hoặc thay lốp ô-tô vì bà làm việc rất nhanh, cẩn thận, giá cả phải chăng, đặc biệt tính tình vui vẻ. Tôi còn giới thiệu cho nhiều tài xế khác đến đây làm khi xe bị sự cố về lốp”.
Khi được hỏi khi nào bà thôi cái nghề nặng nhọc, độc hại để nghỉ ngơi hoặc chuyển sang làm công việc nhẹ nhàng hơn, bà Nhàn cười xòa: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc thôi cái nghề này, bởi đây không chỉ là niềm vui mà còn là nghề vợ chồng tôi bỏ công sức gầy dựng trở thành thương hiệu, chỉ khi nào sức khỏe không còn cho phép. Hiện tại, vợ chồng tôi đang dạy nghề cho hai đứa con trai để sau này thay thế khi vợ chồng tôi già yếu”.
Nghe bà chia sẻ về tình yêu dành cho công việc đã gắn bó hơn 30 năm qua, rồi nhìn bà cặm cụi, tỉ mẩn vá lốp xe cho khách, tôi thật sự thấy trân quý và thán phục.
Hoài Nam