Người Quảng Nam bên dòng sông Long Khốt
(Cadn.com.vn) - Xã Thái Trị, H. Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, là xã nằm sát biên giới Việt Nam- Campuchia, bên dòng sông Long Khốt, cả làng có hơn 90% là người dân có quê quán Duy Xuyên, Quảng Nam. Đời sống bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ấp Thái Kỳ...
Những đồng hương xứ Quảng
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Chủ tịch Hội Đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM cho biết: Trong lần họp đồng hương mới đây ông có thông tin về một cộng đồng cư dân Quảng Nam-Đà Nẵng đang sống tại một xã vùng biên thuộc xã Thái Trị, H. Vĩnh Hưng, Long An. Do giao thông cách trở bởi dòng sông Long Khốt, người dân nơi đây chỉ quanh quẩn bên công việc đồng áng, ruộng vườn, họ sống như một ốc đảo khô hạn giữa vùng Đồng Tháp Mười. Trước khó khăn của bà con đồng hương vùng biên xa xôi, bác sĩ Đẩu đã cùng chúng tôi về Thái Trị, nhằm chia sẻ và kết nối tình cảm của những người con xa quê hương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND H. Vĩnh Hưng Trương Văn Diệp rất vui khi biết chúng tôi từ TPHCM đến thăm bà con cùng quê Quảng
Bí thư Đảng ủy xã Trần Thanh Đô, 27 tuổi, tâm sự: Xã chúng tôi còn quá nghèo, làm sao để bà con nơi đây có cuộc sống bớt khó khăn hơn đó là nỗi trăn trở từng ngày của Đảng ủy, chính quyền địa phương, nhất là giao thông đi lại quá khó khăn và đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn quá bấp bênh. Nói rồi anh Đô đưa chúng tôi về hai ấp Thái Kỳ và Thái Vĩnh nằm giữa hai đôi bờ sông Long Khốt, chiếc xuồng nhỏ đón chúng tôi bên này dòng sông, tròng trành đi qua những đám lục bình giăng kín, phải cố hết sức người lái xuồng mới đưa được chúng tôi qua bên kia sông. Hai mặt sông chỉ cách nhau hơn 50m mà biết bao cách trở, bởi không có một cây cầu nào bắc qua.
Trưởng ấp Thái Kỳ Nguyễn Văn Đức (quê ở Duy Xuyên) kể rằng: Cha ông mang ông vào vùng đất này lúc còn rất nhỏ, khai phá vùng đầm lầy hoang vu này để sống suốt mấy chục năm qua. Ông đưa chúng tôi đến thăm cụ bà Nguyễn Thị Yến, năm nay cụ tròn 108 tuổi, là người cao niên nhất vùng này, mắt cụ bà đã mờ nhưng vẫn còn minh mẫn, khi nghe chúng tôi giới thiệu về mình: Chúng con ở Quảng Nam mới vào đây! Bà như chợt bừng tỉnh: “Mô! Mô rứa, ở Duy Nghĩa hả! Quê tôi Duy Nghĩa”... rồi lặng thinh đượm buồn.
![]() |
Qua sông Long Khốt lục bình giăng đầy mặt sông. |
Cụ bà đang sống với người con nuôi là Lê Công Tuấn, anh Tuấn là con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Nam, trong thời chiến tranh ác liệt mẹ Nam đã gửi Tuấn cho mẹ Yến nuôi. Chiến tranh kết thúc mẹ Trần Thị
Trăn trở bên dòng Long Khốt
Những năm tháng chiến tranh ác liệt trên vùng đất Nam Bộ, những địa danh nơi đây nổi tiếng với nhiều chiến công oanh liệt, đây cũng là một cứ điểm quan trọng để quân dân nổi dậy tiến về giải phóng Sài Gòn. Nhưng đau thương nhất là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, khi quân Pôn Pốt tràn qua biên giới sát hại đồng bào ta, nỗi ám ảnh ấy vẫn còn in sâu trong tâm trí của người dân nơi đây. Chiến tranh kết thúc đã lâu, đến hôm nay người dân nơi đây vẫn còn nghèo, vẫn còn cơ cực, từng nếp nhà xiêu vẹo, trống không.
Nhưng, có một điều đáng trân trọng là con cháu nơi đây rất hiếu học dù cơ cực đến đâu, các gia đình vẫn cho con đến trường để kiếm chữ. Ngặt nỗi chuyện đi học của con em ở Thái Kỳ là nỗi gian truân, khi phải vượt sông Long Khốt để đến trường, sợ nhất là mùa nước nổi đường trơn trượt, lầy lội, qua sông bằng xuồng ba lá, cực nhất là những ngày lục bình về đầy ắp dòng sông không thể nào bơi xuồng được. Mong có một chiếc cầu bắc qua sông là ước mơ bao đời của người dân nơi đây nhưng các gia đình còn quá nghèo nên đành phó mặc cho trời.
Ông Nguyễn Văn Đức nhìn ra cánh đồng chạy dài thẳng tắp về phía biên giới mà ngậm ngùi nói với chúng tôi rằng: Bây giờ làm nông nghiệp khó quá, đất nhiễm phèn năng suất lúa không cao, chuyển qua cây sen, nhưng không tìm được đầu ra, đến nay giá sen chỉ có 10.000 đồng/kg nhưng thương lái thì không thấy đâu cả, nhiều gia đình bắt đầu nhổ sen trồng lúa lai.
Cả ấp Thái Kỳ có 114 hộ với 600 nhân khẩu, ấp Thái Vĩnh có 157 hộ, 672 nhân khẩu, hiện đang sống lay lắt bên dòng sông Long Khốt. Đại úy Lê Kiều Hưng, Đội trưởng ĐộI Trinh sát Đồn Biên phòng 885, đơn vị luôn luôn gắn bó mật thiết với bà con nhân dân nơi đây, cho biết: Bà con vùng biên giới còn quá nghèo, nhưng có tinh thần đoàn kết, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tình hình ANTT luôn được đảm bảo, song điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nên đời sống bà con còn quá khó khăn.
Nỗi nhớ quê như đong đầy, ai cũng muốn một lần về thăm quê cha đất tổ, nhưng cuộc sống quá khó khăn rồi từng ngày, từng tháng cứ mong mỏi, đợi chờ. Vào những dịp như Tết, giỗ chạp ông bà, nghĩ về quê nhà mà nuốt nước mắt vào trong, ngậm ngùi xót xa.
Khi chúng tôi ra về, nhìn bóng dáng những người nông dân, những người con xứ Quảng xa quê đứng bên kia dòng sông vẫy tay tạm biệt, lòng ai cũng trầm buồn, bởi nơi đây vẫn còn những mái nhà của người con đất Quảng tha hương nghèo khó. Mong sao có một chiếc cầu bắc qua sông Long Khốt cho người dân nơi đây bớt khổ, cho quê nhà gần hơn, cho con em mang dòng máu xứ Quảng bớt cơ cực.
Thông qua bài viết này mong sao có nhiều nhà hảo tâm chung sức chung lòng để giúp cho bà con xứ Quảng bên dòng Long Khốt ở tận miền biên giới xa xôi có chiếc cầu nho nhỏ bắc qua sông.
Mai Phúc