Người Quảng và dinh Độc Lập (3)
>>Người Quảng và dinh Độc Lập (2)
Kỳ 3: Nằm trong lòng thủy quân lục chiến
Cựu Cụm phó A10, “đại úy thủy quân lục chiến quân lực VNCH”, thiếu tá An ninh CATPHCM, và hiện là Giám đốc Cty Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy (Năm Quang) - ông có một cuộc đời sôi động.
(Cadn.com.vn) - Năm Quang (Nguyễn Hữu Khánh Duy) chở Ba Hoàng (Thiếu tướng Huỳnh Huề) từ căn cứ (mật khu “Hố Bò”, Trảng Bàng, Tây Ninh) vào Sài Gòn, qua trạm gác gần Tân Sơn Nhất thì bị quân cảnh chặn lại. Lúc đó, Ba Hoàng đang hoạt động ở nội thành Sài Gòn, còn Năm Quang thì hoạt động ở Quảng Trị dưới vỏ bọc bác sĩ (BS) của thủy quân lục chiến. Mấy tên sĩ quan vừa chặn xe, Năm Quang đốp ngay vào mặt chúng: “Đ.M, tụi bay muốn gì?”. Bọn sĩ quan quân cảnh nhìn đại úy thủy quân lục chiến rồi lấm lét rút lui, cho xe qua. Cả hai vị Cụm phó của Điệp báo A10 thong dong vào thành phố!
Kể lại chuyện này với tôi, ông Năm Quang giải thích: “Hồi đó lính thủy quân lục chiến “gấu” lắm. Vì là đánh nhau ở trận tiền nên khi về thành phố thì uy đầy mình. Bởi vậy, tui mặc đồ, đeo lon đại úy của lực lượng này thì yên tâm đi lại”.
Ông Năm Quang người gốc Đà Nẵng, theo gia đình vào TPHCM từ năm 1966, học ở ĐH Y khoa Sài Gòn, làm Chủ tịch Ban đại diện SV y khoa; Chủ tịch Ủy ban SV y khoa tranh đấu chống đàn áp, bắt bớ SV-HS; Đoàn trưởng Đoàn công tác Y tế SV Y - Nha - Dược (thực tế là một tổ chức công khai do Cụm A10 và chính bản thân ông lãnh đạo).
Ông Năm Quang kể: “Tui với Huỳnh Bá Thành là bạn học cùng lớp từ đệ thất lên đệ tam ở Trường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng. Tụi tui hiểu nhau vì cùng là những thanh niên sôi nổi trong phong trào đấu tranh của Phật giáo, SV-HS từ năm 1963 ở Đà Nẵng. Chính tui cũng là một trong những người giới thiệu Thành với A10. Nói đi làm cách mạng nghe có vẻ “nghiêm trang” chứ có gì đâu. Tui bảo Thành: “Thôi, tao nói mi cho nhanh: đi làm cách mạng đó, mi có đi không. Thành bảo: Ừ, để từ từ tao tính. Thế là rủ nhau làm điệp báo thôi!”.
Năm 1972, khi A10 vừa thành lập, Năm Quang nhận chức Cụm phó. Năm 1973, khi vừa tốt nghiệp BS thì ông bị gọi động viên vào quân đội Sài Gòn. Sau khi bàn bạc với lãnh đạo, ông trở thành BS sư đoàn thủy quân lục chiến, đóng ở Thạch Hãn (Quảng Trị). Ông Năm Quang kể: “Ngay từ đầu A10 đã là một tổ chức tình báo không thuần túy thu thập tin tức mà còn đấu tranh chính trị. Bởi vậy, việc tui thâm nhập vào lực lượng thủy quân lục chiến vẫn tiếp tục thực hiện các công việc của cấp trên giao, vừa có điều kiện thu thập tin tức, vừa đánh từ bên trong của lực lượng này. Hơn nữa, vì là BS nên tháng nào tui cũng được đi phép về Sài Gòn, nhờ đó vẫn liên lạc tốt với các thành viên khác”.
Chỉ sau 3 năm nằm trong lòng địch, nhờ sự khôn khéo của một chiến sĩ điệp báo cách mạng, Năm Quang nhanh chóng lên tới cấp đại úy thủy quân lục chiến, là BS trưởng quân y của Tiểu đoàn 6 - Thần ưng quyết tử và sau này là BS của Lữ đoàn 258. Ông còn được báo Sóng Thần của lực lượng này ca ngợi là “anh hùng quân y”.
Trong lòng địch, ông Năm Quang không những nắm được thông tin quân sự mà còn tác động mạnh làm nhụt chí chiến đấu của lực lượng được xem là hung hăng nhất của quân lực VNCH. Lân la nhậu nhẹt với binh lính, ông nói: “Thôi tụi bay ơi, đánh đấm cái gì. Tụi mình ra đây đánh nhau chẳng biết hồi nào chết, còn bọn ở Sài Gòn nó lo tham ô, ve gái, đánh bạc chứ có quan tâm cái khỉ mẹ gì đâu. Đ.M, xăng nó cấp cho còn chưa đủ nổ máy mà đòi đánh”.
Ông Năm Quang nói với tôi: “Trong thủy quân lục chiến là phải nói tục. Không nói lịch sự được đâu. Mà nói tục thì mới có tác dụng”! Những tác động vừa cởi mở, vừa có thật như thế từ BS quân y uy tín làm cho lính thủy quân lục chiến ở Lữ 258 bất mãn với Sài Gòn. Hơn nữa, với vai trò là BS, Năm Quang luôn kiếm cớ để quân sĩ được... nghỉ nhiều hơn, khỏi phải mất công chiến đấu.
Về công tác thu thập tin tức tình báo, ông Năm Quang kể một câu chuyện khá thú vị. Lúc đó, đầu năm 1973, ông Mười Hương muốn biết: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có chịu ký Hiệp định
![]() |
Cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn ngày 30-4-1975 trở thành hình ảnh tiêu biểu cho sự thất bại thê thảm của Mỹ và tay sai tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu |
Hồi đó, BS Năm Quang ở Quảng Trị về Sài Gòn nghỉ phép. Có người nhờ khám bệnh cho một em HS, con một quan chức cấp cao thân cận Nguyễn Văn Thiệu. Cứ đôi ba ngày Năm Quang lại đến khám và kê toa cho em HS. Rồi vị BS thủy quân lục chiến “phán” cả bố mẹ của em đều có bệnh. Mà đã là con người thì ai mà không có bệnh! Dần dà, trong lúc khám bệnh, ông gợi mở vấn đề Hiệp định
Có bận, một tên chiêu hàng bơi qua sông Thạch Hãn. Hắn kể đi từ Bắc vào, tới đâu gặp đơn vị ta, bố trí ra sao, quân số thế nào... Toàn là những thông tin cực kỳ nhạy cảm và địch rất muốn khai thác. BS Năm Quang được điều lên, tiêm thuốc bổ để hắn tiếp tục khai. Tình hình như vậy nhưng ông lại không có cách gì báo cáo với tổ chức. Hôm sau, Năm Quang ra ngã ba Hải Lăng nhậu với binh sĩ. Đây là khu vực khá phức tạp, điệp báo, cơ sở ta cũng có, mật thám, đặc vụ ngụy cũng nhiều (thường cả hai bên trà trộn lẫn nhau). Trong lúc “cao hứng”, Năm Quang nói oang oang: “Mừng quá tụi bay ơi. Đ.M, hôm qua có thằng chiêu hàng. Nó khai hết trơn địa điểm đóng quân, tình hình Việt cộng rồi”. Năm Quang cứ thao thao bất tuyệt nói về tên chiêu hàng nhằm đánh tiếng để cơ sở ta ở đó nắm tình hình.
Chiều về, an ninh sư đoàn gọi ông lên: “BS ơi, BS làm vậy là chết tụi tui rồi”. Năm Quảng tỉnh bơ: “Thì tui mừng quá nên nói với anh em chứ có gì đâu mà chết!”. An ninh lắc đầu ngao ngán: “Trời ơi, BS nói với anh em mình nhưng Việt cộng nó nghe hết rồi!”.
Ngày 29-3, quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Lúc này, thủy quân lục chiến cánh phía bắc dồn hết về Đà Nẵng. Khi quân ta đến, lính VNCH, trong đó có thủy quân lục chiến, hỗn loạn như ong vỡ tổ, tinh thần suy sụp nghiêm trọng. Lúc đó, quân lính chỉ biết cầu cạnh BS Năm Quang. Chính ông cũng đã gom họ lại ở Viện cổ Chàm để chờ quân giải phóng tới. Vì nhiệm vụ an ninh, ông cũng “bị bắt” trong đợt ấy và tham gia “cải tạo”.
Bây giờ, cựu thiếu tá an ninh Nguyễn Hữu Khánh Duy là Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, Q. Bình Thạnh, TPHCM.
Nguyễn Lê
(còn nữa)