Người sưu tầm hơn 3.000 hiện vật văn hóa Tây Nguyên

Thứ năm, 29/08/2013 10:46

(Cadn.com.vn) - Lo sợ những hiện vật văn hóa Tây Nguyên bị mai một, chị Ngô Thị Kim Cúc (45Bis Phạm Hồng Thái, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) cất công lặn lội khắp nơi sưu tầm. Đến nay, chị sở hữu bộ sưu tập thuộc dạng “khủng”, với khoảng 3.000 hiện vật quý hiếm được sưu tầm trong 30 năm qua gồm 3 nhóm chính: vật trang sức, dụng cụ sinh hoạt và các loại nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên. Trang phục sưu tầm gồm áo quần thường ngày của nam, nữ, trang phục lễ hội và đồ trang sức: vòng bạc, vòng đồng, khuyên tai bằng ngà voi... Dụng cụ sinh hoạt là các vật dụng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày như: ghế Kpan, gùi, bát, xà gạc, chóe, thuyền độc mộc, cung cụ săn bắt. Thế nhưng độc đáo nhất như chị nói là bộ sưu tập nhạc cụ. Ngoài những bộ cồng chiêng truyền thống, chị đang lưu giữ một bộ trống cổ trên 130 chiếc, mỗi trống có tuổi thọ hơn 100 năm.

Chóe “mẹ bồng con” quý hiếm được chị Cúc cẩn thận cất giữ.

“Hồi trước sau khi tốt nghiệp, mình đứng trước 3 sự lựa chọn cho tương lai là làm việc ở bảo tàng, đi dạy và phát hành sách. Bố mẹ hướng mình theo nghiệp đi dạy nhưng cuối cùng mình lại chọn làm việc tại bảo tàng vì muốn “lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Mình thường đi công tác xuống các buôn làng, được người dân yêu mến, tặng kỷ vật. Những hiện vật quý giá mình  vay mượn tiền bạc mua cho bằng được”, chị Cúc tâm sự. Với mong muốn mang những hiện vật văn hóa đã sưu tầm để quảng bá, giới thiệu về nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên, chị Cúc ấp ủ mơ ước sẽ thành lập bảo tàng tư nhân. Một kiến trúc sư ở Hà Nội một lần vào Tây Nguyên du lịch đã đến nhà chị tham quan hiện vật và hứa sẽ thiết kế giúp chị một bảo tàng mini tại nhà để trưng bày những hiện vật văn hóa này.

Ông Bùi Văn Khối, Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa- Sở VH-TT&DL Đắc Lắc cho biết: “Bà Cúc sở hữu bộ sưu tập hiện vật văn hóa khổng lồ, trong đó có nhiều vật quý hiếm, có giá trị rất lớn. Số lượng hiện vật này có thể mở được bảo tàng tư nhân”.

Hữu Phúc