Người thầy của những “chú ngựa bất kham”
Bản thân đã từng là một thanh niên ngỗ nghịch, quậy phá, giờ đây võ sư Nguyễn Lê Thành Tây – một người con đất Quảng – đang giúp đỡ cả trăm thanh niên tại địa phương nhận ra được giá trị của cuộc sống.
Thầy giáo – Võ sư Nguyễn Lê Thành Tây - Chủ nhiệm CLB Dinh Trấn Thanh Chiêm. |
Nguyễn Lê Thành Tây vốn dĩ là một thầy giáo dạy Giáo dục thể chất tại Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Nam). Ngoài giờ đứng lớp tại trường, anh dành thời gian phát triển song song lớp võ và dẫn dắt đoàn Lân Sư Rồng Dinh Trấn Võ lớn nhất tỉnh Quảng Nam.
Thầy là người bạn tâm giao
Năm học lớp 8, vì quá ngỗ nghịch mà Nguyễn Lê Thành Tây được ba mẹ gửi vào võ đường của võ sư Trần Xuân Mẫn (Võ đường Kỳ Sơn). Một thời gian dài ăn ngủ cùng võ, anh dần điềm đạm hơn và trở nên yêu thích bộ môn này và từ đó anh bắt đầu ý nghĩ nối nghiệp sư phụ. Anh Tây khiêm tốn: “Bản thân tôi áp dụng những điều được học từ thầy của mình, rồi đúc kết lại để dạy dỗ từng bạn. Tôi xem chúng như em út, dạy bảo từng chút một để ý thức đương đầu với cuộc sống”.
Với các em võ sinh, võ sư Nguyễn Lê Thành Tây không chỉ là người thầy mà còn là người anh, người bạn để tâm sự, sẻ chia những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Theo em Nguyễn Quốc Bảo (SN 1997), thầy Tây và các thành viên trong CLB là chỗ dựa tinh thần cho em những năm tháng sa ngã. Khi lên 6 tuổi gia đình đổ vỡ, ba mẹ mỗi người một nơi nên không được ai quan tâm sâu sát, đến giai đoạn tuổi dậy thì tâm lý bất ổn, em chán nản bỏ học đi theo những đàn anh đàn chị khắp nơi quậy phá, có khi là “cắm mặt” vào game cả ngày rồi bỏ học. May mắn có duyên được gặp anh Tây, Bảo dần thay đổi sau sự kiên trì khuyên nhủ, răn dạy, Bảo tâm sự: “Thời gian đầu, vẫn cảm thấy chán nản nhưng rồi cũng nghe lời thầy cố gắng học và từ đó, em dần suy nghĩ trưởng thành hơn, nghiêm túc hơn về bản thân. Bây giờ những bạn vô sau cùng hoàn cảnh thì em cũng lấy tấm gương của chính bản thân để giúp các bạn”.
Không chỉ xây dựng môi trường học tập anh Tây còn giáo dục các em hiểu được giá trị lao động thông qua các hình “phạt” của mình. Khi tôi thắc mắc, dụng cụ, quần áo đội lân đi diễn về ai là người giặt giũ thì các em nhanh miệng đáp ngay: “Ai đến trễ mỗi buổi tập là người giặt chị ạ”. Đấy chính là hình “phạt” dành cho những ai không tuân thủ đúng giờ quy định của CLB. Những công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng lại giúp cho các thành viên ý thức được công việc chung của tập thể.
Ngoài dạy võ, dạy đạo đức, Võ sư Tây còn định hướng cho từng em thanh thiếu niên có được nghề nghiệp phù hợp với bản thân, để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Anh Trần Dương Cảnh (25 tuổi, Quảng Nam) là anh cả của CLB, ngoài giờ đi múa lân cùng đội, Cảnh còn duy trì tiệm cắt tóc để kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng còn trích ra một khoản để cùng thầy giúp đỡ chi phí ăn học cho các em trong CLB. Cảnh hóm hỉnh nói: “Theo thầy cũng được 9 năm, từ khi đội lân thành lập, đi diễn được bao nhiêu thầy cũng cất riêng vào quỹ, những ai còn đang đi học thầy đều lấy ra để đóng tiền học cho các em. Từ khi mở tiệm cắt tóc, mình là người cắt những đầu tóc “hot” nhất hiện giờ cho cả đội đấy”.
Những điệu nhảy khó được các em hăng hái luyện tập. |
Đội lân Dinh Trấn Võ
Cứ đều đặn mỗi tuần 2, 4, 6 thì lớp võ sinh hoạt, 3, 5, 7 thì đội lân luyện tập, nào là tiếng trống, tiếng kẻng, tiếng hô hào vang lên nhưng hàng xóm xung quanh không một ai cảm thấy phiền hà, ngược lại họ lại thấy buồn khi nhà anh Tây vắng lặng. Không cần phải đến Trung thu mới có dịp được nghe những âm thanh của lân, mà xóm làng quanh đây được phấn khởi khi không khí lúc nào cũng vui nhộn. “Mỗi khi thầy Tây đưa đội đi biểu diễn xa, cả nhà im ắng lắm, ấy thế mà tôi và mấy đứa nhỏ xung quanh đây buồn chứ. Đội lân của thầy Tây sinh hoạt đều đặn, đúng giờ giấc, nên không làm phiền đến xóm giềng. Ai nấy đều ủng hộ và vui vẻ lắm”, ông Nguyễn Tân (80 tuổi), hàng xóm, tổ trưởng tổ dân phố nơi anh Tây sinh sống, nói.
Khi đội lân dần có tên tuổi, nhận được nhiều “show” hơn thì thầy Tây phân chia từng đội nhỏ để đi diễn. Chi phí chi tiêu cho cả CLB đều được anh Tây tích cóp và chia ra những khoản riêng biệt để tiện chăm lo và xây dựng CLB, “Bên cạnh việc học hỏi các tiền bối về nghệ thuật lân, anh còn tự mình nghiên cứu sáng tạo nhiều lối múa mới, cách điệu hơn với lối múa truyền thống. Những khoản thu nhập từ múa lân dịch vụ anh dành một phần để các em tự trang trải tiền học phí, phần để hỗ trợ các em tự kinh doanh”, anh Tây chia sẻ. Hoạt động, tập luyện một thời gian dài, anh cũng bắt đầu đưa đoàn lân thử sức với các cuộc thi và cũng tạo cơ hội cho các em trong CLB giao lưu, học hỏi với các đội lân khác. Vui mừng hơn khi những nỗ lực của các em được ghi nhận ở các giải đấu trong và ngoài nước: Năm 2017, giải nhất cuộc thi “Giải Lân – Sư – Rồng tranh cúp Hào Dũng miền Trung Tây Nguyên 2017”, giải ba của “Giải Lân – Sư – Rồng toàn quốc” tổ chức tại Cần Thơ năm 2018. Tiến xa hơn là đấu trường quốc tế, thầy trò anh Tây đã xuất sắc giành giải 5, tham dự Giải Lân Địa bửu Thế giới tranh Cup tại Yoho – Malaysia diễn ra vào tháng 8 vừa qua.
Một người thầy tận tâm với tấm lòng bao dung cùng những điệu lân đầy đam mê đã dìu dắt biết bao học trò ngỗ nghịch trở thành những người có ích, biết vươn lên trong cuộc sống. Đó là một giai điệu đẹp giữa cuộc đời còn lắm bộn bề để ta biết rằng cuộc sống vẫn luôn tràn ngập tình yêu thương.
DIỆU HUYỀN