Người thầy hết lòng với học sinh vùng cao

Thứ bảy, 03/03/2018 11:22

“Tôi đau lòng khi vẫn còn thấy các con em học sinh đồng bào dân tộc không biết đọc, không biết viết hay tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, bỏ học hoặc có vợ, có chồng trong độ tuổi THCS còn xảy ra. Bởi vậy, xin đừng vô cảm với xã hội hiện tại, hãy coi học sinh như con đẻ của mình”, thầy Trần Trực - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Tr’hy (xã Tr’hy, huyện biên giới Tây Giang) - người có gần 33 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục miền núi tỉnh Quảng Nam, tâm sự.

Hơn 33 năm gắn bó với giáo dục vùng biên giới, thầy Trần Trực luôn tâm niệm làm những việc tốt nhất cho con em học sinh đồng bào dân tộc.

Những kỷ niệm với nghề

32 năm trước, đến với giáo dục H. Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), thầy giáo trẻ Trần Trực mang trong mình sức trẻ, khát vọng cống hiến. Cuộc sống người dân, điều kiện học tập của con em dân bản khó khăn chồng chất như càng tiếp thêm động lực, niềm tin cho thầy giáo trẻ.

Nói về những kỷ niệm ngày đầu bước chân đến với huyện miền núi Hiên dạy học, thầy Trần Trực chia sẻ: “Lúc ấy, giao thông cách trở muôn vàn, không cầu cống, phải lội qua biết bao nhiêu sông suối. Từ xã Ba đến xã Sông Kôn, mỗi lần về quê có thể đi nhờ xe tải. Từ P’rao đến các xã Khu 7 thì đi bộ cả một tuần lễ. Việc về phép tranh thủ thăm người thân lại càng khó hơn. Dân cư ở rải rác. Nạn du canh du cư liên tục xảy ra, người thầy giáo phải theo dân bám bản, bám lớp. Đời sống vật chất thì thiếu thốn mọi bề, đời sống tinh thần không có gì, chỉ số ít thầy cô giáo dành dụm mua được chiếc radio nhỏ nghe tin tức. Báo chí đọc được thì phải qua hơn hai tháng phát hành, phim màn ảnh rộng thì một năm may ra mới xem được một lần và các loại hình nghệ thuật khác là thứ xa xỉ không bao giờ biết đến. Thầy giáo và cô giáo ở những xã xa trung tâm huyện lỵ thì bám dân mà sống. Thầy cô giáo ở tuyến đường giao thông huyết mạch thì bám tiêu chuẩn 13kg lương thực/tháng, trong đó có tháng hơn 30% là sắn khô hoặc bo bo. Thực phẩm là tem phiếu. Lương mỗi tháng chỉ đủ mua một ang gạo. Thuở ấy đến dịp Tết có câu nói cửa miệng: “Chiều ba mươi thầy giáo tháo giày đi chợ bán/Sáng mồng một giáo chức dứt cháo đón xuân sang”.

“Cuộc sống, điều kiện đi lại trong khó khăn, nguy hiểm nên đã có những đồng nghiệp của tôi mãi mãi ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, còn mang trong mình lòng nhiệt huyết cống hiến với nghề. Đó là nỗi đau khi thầy Huỳnh Văn Anh (quê H. Đại Lộc, Quảng Nam) - Phó Hiệu trưởng Trường TH Arooih bị nước lũ sông A Vương đoạn Axanh – A Dung cuốn trôi; cô giáo Nguyễn Thi Hoa (quê xã Hòa Ninh, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đi nhờ xe tải từ Sông Kôn về đến xã Ba, xe mất thắng lật tại thôn Éo vĩnh viễn ra đi; thầy giáo Nguyễn Văn Thảnh (quê Đại Lộc) sau chuyến về phép trên đường trở lại Trường TH Tr’hy không may bị một số người ra tay sát hại. Mới đây, thầy giáo Nguyễn Văn Phong, thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn, cô giáo Trương Thị Nhân vĩnh viễn ra đi trong cơn lũ dữ...”, thầy Trực xúc động.

Người “vác tù và” cho học sinh

Đến nay, diện mạo giáo dục huyện biên giới Tây Giang đã đổi thay. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, thử thách ở phía trước đối với chính quyền địa phương, ngành GD-ĐT và tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đó là chất lượng học tập của học sinh còn quá thấp so với yêu cầu hiện tại; tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh THCS đi học không chuyên cần hay bỏ học vẫn xảy ra; tình trạng học sinh có vợ, có chồng còn xảy ra phổ biến.

Chính vì những trăn trở với nghề, với điều kiện học tập khó khăn của con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây mà bao năm qua, thầy Trực đã thầm lặng làm những công việc tiếp sức học sinh đến trường. Vườn rau sạch tự tay thầy gieo trồng không chỉ cung cấp đủ cho học sinh trong trường chế biến bữa ăn bán trú quanh năm, mà còn cung cấp cho người dân địa phương. Những quần áo, sách vở, suất học bổng tiếp sức đến trường được các đơn vị, tổ chức, cá nhân trao tận tay các em cũng được thầy âm thầm đi vận động, trợ giúp. Mô hình lớp học phụ đạo ban đêm, tiếng kẻng học tập cũng được thầy tích cực vận động, khuyến khích giáo viên nhà trường duy trì, thực hiện trong thời gian qua, mang lại những kết quả rất tích cực.

Bởi vậy, khi nói về người cán bộ quản lý của mình, thầy Trần Anh Tuần – Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Giang không khỏi tự hào: “Đã bao năm nay, cứ vào những ngày cuối tuần, thầy Trần Trực cứ đều đặn trên chiếc xe máy cà tàng vượt hơn 200 cây số lên núi, xuống phố vận động các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ con em học sinh đồng bào dân tộc. Quần áo, sách vở, những suất học bổng cứ thế đều đặn được gửi đến các em học sinh đã tiếp thêm nghị lực, ý chí cho các em đến trường học chữ. Không chỉ có tấm lòng thương yêu học sinh, thầy còn là một người cán bộ quản lý đầy trách nhiệm, tâm huyết với nghề. Hơn 33 năm gắn bó với giáo dục miền núi H. Tây Giang, thầy đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý áp dụng vào thực tiễn dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, giáo dục dân tộc của địa phương”.

Sau hơn 33 năm dạy học, nhiều giáo viên cùng thế hệ với thầy đã lần lượt xin về vùng đồng bằng, thành thị công tác nhưng thầy Trực vẫn “một lòng, một dạ” gắn bó trọn đời với giáo dục vùng khó.

KHẢI MINH