Người “thổi hồn” vào sỏi đá
Từ việc tận dụng những viên sỏi, vỏ ốc...nhặt về làm đồ chơi cho con, chị Hạnh đã tự mày mò đính kết tỉ mỉ thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
Từ việc nhặt sỏi về làm đồ chơi cho con, chị Hạnh đã sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
Từ đồ chơi thành tác phẩm nghệ thuật
Có tình yêu rất lớn với hội họa, bà mẹ trẻ Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1985, trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã “hô biến” những viên sỏi, vỏ ốc vô tri vô giác trở thành những bức tranh vô cùng độc đáo, sống động và đẹp mắt. Theo lời chị Hạnh, tuổi thơ chị luôn gắn liền với suối và sỏi. Nên từ lâu chị đã mê mẫn với những viên sỏi vô tri vô giác nơi con sông Cu Đê chảy qua trước nhà. Vốn đam mê hội họa nên chị đã quyết định làm cho một xưởng tranh sơn dầu tại TP HCM để học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Sau khi cưới chồng chị quyết định về lại quê hương Đà Nẵng sinh sống.
Trong thời gian chăm con nhỏ, chị rất hay nhặt những viên sỏi gần nhà về để vẽ hình các con vật ngộ nghĩnh cho bé chơi. Cũng từ đó, chị nảy ra nhiều ý tưởng mới lạ hơn từ sỏi và dần sáng tạo ra những bức tranh đẹp hút hồn người xem. “Ban đầu tôi chỉ vẽ những bức tranh đơn giản để treo trang trí trong nhà. Về sau, tôi sáng tạo thêm và kết hợp nhiều viên sỏi để tạo nên những tác phẩm phức tạp hơn. Từ sỏi, tôi đã mở rộng, thử nghiệm thêm nhiều loại vật liệu khác như vỏ ốc, để tác phẩm phong phú hơn”, chị Hạnh chia sẻ.
Chị Hạnh cho biết, quá trình từ tìm kiếm nguyên liệu đến khi hoàn thành một sản phẩm ưng ý thường mất khoảng 4 đến 5 ngày. Sỏi sau khi được chị chọn lựa về thì cần chà các bề mặt cho nhẵn bóng, còn vỏ ốc cần khử mùi và làm sạch. Sau đó nguyên liệu được phơi khô, tránh bụi bẩn, ẩm mốc. Tiếp đó, chị bắt đầu lên ý tưởng cho tác phẩm nghệ thuật của mình. Chị sẽ phác họa hình mà mình muốn vẽ rồi chọn lựa những viên sỏi, vỏ ốc phù hợp và sắp xếp chúng một cách hợp lý. Sau đó, bằng con mắt nghệ thuật của mình, chị sẽ định hình cách phối màu cho tác phẩm sao cho thật đẹp mắt. Có ý tưởng rồi chị mới bắt đầu phủ một lớp “áo mới” cho sỏi và vỏ ốc. Khi màu khô thì chị ráp những chất liệu lên tranh như đã định hình và dùng keo silicon cố định chúng lại một cách hoàn chỉnh.
Chính sự sắp đặt nghệ thuật và hài hòa của sỏi và vỏ ốc đã giúp bức tranh của chị Hạnh trở nên mới lạ và đầy sức hút. Chẳng ai nghĩ, những thứ tưởng chừng là vô tri vô giác ấy lại “sống” thành những tác phẩm tuyệt vời dưới bàn tay “ma thuật” của chị Hạnh. “Để một bức tranh hoàn thiện cần rất nhiều thời gian. Và phải đặt cả tình yêu nghề và trọn trái tim vào tác phẩm mới cho ra được một bức tranh có hồn và được người xem đón nhận”, chị Hạnh nói.
Ngoài sỏi và vỏ ốc, chị Hạnh còn sử dụng cả vỏ cây hay các loại hạt để sáng tạo nghệ thuật. Theo chị, nghệ thuật đôi khi rất gần gũi, chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát và biết cách sử dụng khéo léo, hài hòa những nguyên vật liệu có sẵn từ thiên nhiên đều có thể tạo nên những bức tranh đẹp mắt.
Cùng con làm nghệ thuật
Trong những ngày TP Đà Nẵng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, chị Hạnh có nhiều thời gian ở nhà với các con hơn. Cũng vì thế chị thường xuyên hướng dẫn hai con của mình phân loại các nguyên liệu sỏi đá, vỏ ốc... theo màu, kích thước và cùng con sáng tác nghệ thuật.
Hai bé trai của gia đình chị rất đáng yêu và kháu khỉnh. Bé lớn năm nay đã hơn 5 tuổi và bé nhỏ hiện tại cũng gần 3 tuổi. Có bố mẹ đều là họa sĩ, nên các bé cũng sớm bộc lộ niềm yêu thích đối với hội họa. Các con của chị Hạnh rất hào hứng, tự ngồi sáng tạo ra những bức tranh của riêng mình. Qua óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của trẻ nhỏ, các tác phẩm được tạo hình với các con vật ngộ nghĩnh: con cá, con bò, con gấu... được ra đời. “Đây cũng là một cách tạo niềm vui cho trẻ nhỏ trong thời gian ở nhà chống dịch. Hoạt động này cũng giúp 2 con của tôi biết tận dụng đồ tái chế, biết yêu thiên nhiên, môi trường hơn”, chị Hạnh cho hay.
Núi Thành