Người tị nạn Syria – "vật tế thần" trong cuộc khủng hoảng kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ ba, 13/08/2019 11:49

Bahaa, một công nhân dệt may người Syria 33 tuổi, làm việc trong một xưởng ở ngoại ô Istanbul. Mỗi sáng, anh đều tìm những con đường vắng vẻ để đến nơi làm việc, tránh những người đi lại và phương tiện giao thông công cộng. "Tôi từng đi xe buýt, nhưng bây giờ tôi đi trong các con hẻm nhỏ",  anh nói. Bahaa đã sống trong sợ hãi kể từ khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trục xuất những người tị nạn không đăng ký sống ở Istanbul.

Istanbul là nơi có số người tị nạn Syria cao nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.  Ảnh: Daily Sabah

Trên lý thuyết, không có nhiều thay đổi đối với hơn 3,6 triệu người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ vẫn đủ điều kiện được "bảo vệ tạm thời", cho phép người tị nạn Syria có quyền được ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù không có những quyền được nêu rõ trong các công ước quốc tế về người tị nạn. Nhưng ở Istanbul, những người tị nạn hiện phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Người Syria đã đăng ký được bảo vệ tạm thời bên ngoài Istanbul phải rời khỏi thành phố trước ngày 20-8 và trở về tỉnh đã đăng ký. Những người không có giấy tờ vẫn đủ điều kiện để được bảo vệ tạm thời nhưng họ phải rời Istanbul và đăng ký ở một tỉnh khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố của Istanbul như dội một "gáo nước lạnh" đối với những người tị nạn Syria như Bahaa. Anh có thể sẽ bị mất việc, vì phải đi đến một thành phố khác để được đăng ký. Nhưng theo Bahaa, điều đó còn tốt hơn là bị bắt và bị đưa trở lại Syria. Bahaa nói rằng nếu trở về Syria, anh "sẽ mất tất cả và chết".

Ankara phủ nhận việc họ có chính sách trục xuất người Syria. Chính phủ nói rằng họ tạo điều kiện cho việc "tự nguyện trở lại". Ankara khẳng định họ đang thực thi các quy định hiện hành, chống di cư bất hợp pháp và cố gắng đối phó với dân số tị nạn lớn nhất thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cho phép người Syria đăng ký bên ngoài Istanbul và cho họ một số quyền tiếp cận các cơ hội chăm sóc sức khỏe và giáo dục ở các tỉnh khác. Nhưng các lãnh đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ đang rất đau đầu về người tị nạn Syria.

Kinh tế gặp khó khăn

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, chính phủ đã chi hơn 37 tỷ USD để tiếp nhận người tị nạn Syria. Điều đó đã trở thành một gánh nặng đối với người nộp thuế Thổ Nhĩ Kỳ trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Người Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao và tỷ lệ thất nghiệp cao, và người tị nạn Syria dễ dàng trở thành "vật tế thần" cho tai ương kinh tế của họ.

Phương tiện truyền thông xã hội Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện đầy rẫy những thông tin không có căn cứ, với một số ý kiến cho rằng, người Syria được ưu tiên hơn người Thổ Nhĩ Kỳ tại các bệnh viện công và nhận lương hưu của chính phủ. Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đã cố gắng bác bỏ những tuyên bố này bằng các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, nhưng tình trạng chống đối người Syria vẫn tồn tại.

Ở lại Thổ Nhĩ Kỳ

Thực tế cho thấy người Syria có thể ở lại Thổ Nhĩ Kỳ lâu dài. Nhưng chưa có nhiều kế hoạch để họ có thể hòa nhập vào xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thống kê của chính phủ, người Syria chiếm 81% dân số ở thị trấn biên giới Kilis và 434.000 trẻ em Syria đã được sinh ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong 8 năm qua. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng người Syria là "khách", được chào đón với lòng hiếu khách của người Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày một ít đi.

Thổ Nhĩ Kỳ bị phân cực. Khi chính phủ lần đầu tiên đưa ra thông báo về việc trục xuất người tị nạn ở Istanbul hôm 22-6, một số tổ chức phi chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ người Syria. Nhưng đồng thời, các hashtag như "chúng tôi không muốn người Syria" bắt đầu xuất hiện trên Twitter của Thổ Nhĩ Kỳ. Những căng thẳng gần đây ở Istanbul có thể là điểm khởi đầu của nhiều rắc rối phía trước. Dù tình hình sẽ diễn biến thế nào, thật phi thực tế khi tưởng tượng rằng tất cả 3,6 triệu người Syria sẽ trở về quê hương của họ. Từ lâu, Ankara đã đặt ra hy vọng thành lập các khu vực an toàn dọc biên giới, nơi người Syria có thể trở về.

Cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một kế hoạch toàn diện và được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng người Syria đang và sẽ tiếp tục là một phần của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình sẽ vẫn bấp bênh. Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng đã gánh vác trách nhiệm cưu mang người Syria trong thời điểm họ cần. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu phần còn lại của thế giới xắn tay áo lên và giúp đỡ họ.

AN BÌNH