Người tiên phong chế biến các sản phẩm dược liệu ở vùng biên giới Tây Giang

Thứ sáu, 04/03/2022 18:51

Ở thôn AGrồng, xã A Tiêng, H. Tây Giang, Quảng Nam, Hợp tác xã Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang của anh Bùi Nam Chính được bà con Cơ Tu vùng biên giới Việt-Lào nhắc tới như một địa chỉ giúp bà con tiêu thụ nông sản, nhất là các loại dược liệu ba kích, đẳng sâm, giúp họ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Anh Chính được coi là người tiên phong chế biến các sản phẩm từ các loại dược liệu sẵn có ở vùng biên cương này.

Anh Chính giới thiệu sản phẩm làm từ ba kích, đẳng sâm.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Chính tâm sự,  sinh ra lớn lên ở vùng quê Thái Bình, hơn 15 năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học, anh Chính vào lập nghiệp ở miền Trung rồi lên tít thôn AGrồng, H. Tây Giang cho đến tận bây giờ. Tây Giang là xứ sở của các loại sâm quý như ba kích, đẳng sâm được bà con Cơ Tu trồng khắp nơi trên nương rẫy, nhưng ngặt nỗi chưa mấy ai biết đến các loại sâm quý này. Đường sá xa xôi cách trở nên các loại sâm người dân trồng khó đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường, bà con chỉ biết dùng để ngâm rượu uống cho vui, chứ chưa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực nhằm cải thiện đời sống.

Năm 2014, A Nông là xã đầu tiên của H. Tây Giang và cũng là địa phương đầu tiên của các huyện miền núi Quảng Nam được công nhận xã nông thôn mới, được tổ chức phi chính phủ Malteser International (Đức) và Viện nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIR) tư vấn về quy trình làm các sản phẩm thương hiệu bản địa. Anh Chính mạnh dạn xin tham gia chương trình và được tư vấn ngành nghề sản xuất, chế biến rượu ba kích, đẳng sâm. Được sự hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng địa phương, anh Chính thành lập Cơ sở sản xuất rượu Chính Châu. Sau một thời gian đi học tập tại các địa phương về quy trình công nghệ sản xuất rượu, cơ sở của anh Chính bắt tay vào sản xuất chế biến các loại rượu ba kích, đẳng sâm. Anh Chính cho biết, quy trình, kỹ thuật nấu rượu, loại bỏ các độc tố trong rượu đều được cơ sở tuân thủ kỹ càng theo đúng quy định của ngành y tế, thực phẩm. Khâu chọn các loại ba kích, đẳng sâm cũng được cơ sở chọn lựa đúng theo tiêu chuẩn các loại dược liệu. Anh Chính hướng dẫn bà con Cơ Tu tại các vùng nguyên liệu như xã Lăng, Ga Ry, Chơm thu hoạch sâm theo đúng độ tuổi, rồi đưa về làm vệ sinh, sấy khô với dây chuyền công nghệ cao. Ba kích, đẳng sâm được ngâm ủ với rượu theo đúng công thức, tỷ lệ, thời gian để ra được sản phẩm rượu đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngành chức năng. Ngoài rượu ba kích, đẳng sâm, cơ sở rượu Chính Châu còn chế biến sản xuất các loại rượu như chuối rừng, ngọc cẩu… đều là các nguyên liệu có sẵn tại địa phương Tây Giang. Được UBND huyện Tây Giang hỗ trợ, cơ sở rượu Chính Châu được trang bị máy lọc rượu, máy đóng nút chai,  máy ghi ngày sản xuất, đăng ký thương hiệu. Năm 2016, tại Hội chợ xuân  Quảng Nam, sản phẩm rượu ba kích, đẳng sâm Tây Giang đạt giải A, là mặt hàng tiêu biểu trong các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thành công với sản phẩm rượu ba kích, đẳng sâm, năm 2018, tiếp tục được sự hỗ trợ của tổ chức Malteser International, anh Chính làm đề án và được hỗ trợ dây chuyền sản xuất máy rửa, máy sấy, thái, sao, nghiền dược liệu để sản xuất sản phẩm túi trà đẳng sâm, ba kích. Từ chương trình nông thôn mới, UBND H. Tây Giang tiếp tục hỗ trợ  cho cơ sở sản xuất thêm sản phẩm măng điền trúc sấy khô, chè dây túi lọc. Cả 3 sản phẩm rượu ba kích, măng điền trúc sấy khô, trà đẳng sâm đều được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là sản phẩm đạt thương hiệu OCOP 4 sao năm 2020.

Với kết quả đạt được, anh Chính thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang, nhiều sản phẩm mới của Hợp tác xã được khách hàng các địa phương trong cả nước ưa chuộng như cao ba kích, cao đẳng sâm. Hợp tác xã đạt doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là bà con đồng bào Cơ Tu, giúp họ có thu nhận ổn định. Nhưng quan trọng hơn, Hợp tác xã Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang đã góp phần thu mua sản phẩm nông sản các loại, giúp bà con ổn định nơi tiêu thụ, ổn định về giá cả. Anh A Lăng Lơ- Chủ nhiệm Hợp tác xã đẳng sâm Chơm cho biết, trước đây bà con Cơ Tu trồng ba kích, đẳng sâm thường bị tư thương ép giá sản phẩm, nhưng từ khi có Hợp tác xã Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang, bà con bán được sản phẩm với giá ổn định. Đẳng sâm tươi thời gian qua duy trì giá 150- 200 nghìn đồng/kg, nhờ đó đời sống người dân được cải thiện, yên tâm sản xuất.

Anh Bùi Nam Chính tâm sự: “Hơn 2 năm qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, việc phát triển sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang gặp khó khăn, rất mong được chính quyền, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, huyện Tây Giang quan tâm hơn nữa, để Hợp tác xã cùng bà con nhân dân vùng biên giới phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng vùng nông thôn mới giàu đẹp”.

Hồng Thanh