Người tiên phong ở xóm nhà bè lòng hồ Sông Tranh
Từ ngày thủy điện Sông Tranh 2 (H. Bắc Trà My, Quảng Nam) chưa tích nước, ông Trần Văn Mạo (1972, trú xã Trà Sơn, H. Bắc Trà My) đã có ý tưởng nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy điện này. Đến nay, sau hơn 5 năm gầy dựng, ông Mạo đã có cơ ngơi 25 bè cá với tài sản trị giá hàng tỷ đồng. Điều đáng nói, thấy mô hình nuôi cá của ông Mạo hiệu quả, nhiều người dân địa phương đã làm theo. Đến nay, xóm nhà bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh đã có gần 20 hộ nuôi cá, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, đây là mô hình kinh tế cho nhiều địa phương trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm...
Mô hình nuôi cá lồng bè của ông Mạo thường xuyên có người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. |
Quê ở tỉnh Thanh Hóa nhưng ông Mạo có cơ duyên với Quảng Nam. Đến Bắc Trà My từ năm 1992, không có ruộng vườn, đất đai, thời gian đầu, ông Mạo kiếm sống bằng nghề xây dựng. Đến năm 2001, ông dẫn vợ con vào để cùng lập nghiệp. Sau thời gian mưu sinh, vợ chồng ông tích lũy được một ít vốn nên bắt đầu chuyển sang buôn bán nhỏ. Thời điểm sau năm 2005, thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu xây dựng, ông Mạo đã có ý tưởng sau này thủy điện tích nước sẽ đầu tư nuôi cá lồng bè ở đây. "Nước ở lòng hồ này rất thích hợp để nuôi cá lồng bè, nó không biến động như ở các lòng sông. Do vậy sau khi thủy điện tích nước, đến cuối năm 2012, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, tôi đầu tư làm 6 lồng bè nuôi cá diêu hồng, trê, rô phi trên thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc thôn 1, xã Trà Đốc). Sau 4 tháng, tôi cho xuất lứa cá đầu tiên và thu lãi được hơn 30 triệu đồng. Thấy hiệu quả, tôi tiếp tục vay 120 triệu đồng để mở rộng thành 20 lồng và nuôi thêm các loại cá đặc sản như cá chình, lăng, leo,... Tuy nhiên, những năm sau liên tục thua lỗ do cá bị bệnh chết nhiều, một phần tư thương ép giá khiến đầu ra rất thấp. Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục khắc phục khó khăn, học hỏi thêm kinh nghiệm để mô hình chăn nuôi của mình đạt hiệu quả hơn... Đến nay, từ nuôi cá lồng bè, mỗi năm tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng"- ông Mạo thông tin.
Để đầu ra đạt hiệu quả, những năm gần đây ông Mạo không bán cá cho các thương lái thu mua mà trực tiếp tìm mối bán cho các nhà hàng ở Đà Nẵng, Huế, Tam Kỳ... Trung bình mỗi tháng ông xuất bán khoảng 1,5 tấn cá các loại. Nhiều loại cá khó nuôi như chình, lăng, cá hỏa tiễn... cũng được ông lấy giống về nuôi thành công. Hiện nay, ngoài cá chình là chủ lực, ông Mạo cũng nuôi gần 10 loại cá, ếch các loại nhằm luôn có nguồn hàng bán. "Nuôi nhiều loại thủy sản có lợi là có thể thay phiên bán chúng theo yêu cầu của người mua. Tuy nhiên, cái khó nhất là mình không thể xử lý hết các vấn đề đồng loạt xảy ra đối với nhiều loại thủy sản. Bởi vậy, khi nhận thấy có thể nuôi cá chình tôi đã quan tâm đầu tư và lấy loại cá này là con chủ lực" - ông Mạo nói. Ngoài ra, ông còn mở một cửa hàng ở chợ Bắc Trà My để vợ bán cá lẻ, mỗi ngày cũng thu được vài trăm nghìn đồng, giải quyết chi tiêu hàng ngày. Thấy mô hình nuôi cá của ông Mạo hiệu quả, nhiều người dân địa phương đã làm theo. Đến nay, xóm lồng bè này đã có 16 hộ nuôi cá với thu nhập tương đối ổn định.
Ông Trần Văn Mạo (giữa) kể về quá trình nuôi cá lồng bè của mình. |
Ông Huỳnh Ngọc Thiệu-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 có 2.000ha mặt nước, nguồn nước trong sạch, rất phù hợp với nuôi thủy sản. Để khai thông lợi thế, tiềm năng lớn, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện tạo điều kiện để các hộ dân đầu tư nuôi cá trong lồng bè. Đến nay, đã có 16 hộ được phép nuôi cá trên lòng hồ này, qua đó phát triển tốt nghề nuôi trồng thủy sản, đem lại thu nhập khá. Trong đó, hộ ông Trần Văn Mao là một điển hình tiêu biểu. Thời gian qua, địa phương đã giới thiệu nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi, làm quen với phương thức nuôi cá trong lồng bè của hộ ông Mạo, trong đó có nhiều đoàn của tỉnh bạn Sê Kông (Lào)...
Bão Bình