Người tiêu dùng làm chủ trong chiến lược thực phẩm an toàn

Thứ bảy, 11/12/2021 14:54

Năm 2021 được xem là bước đột phá của Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng với điểm nhấn  là dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, một bước tiến trong lộ trình thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng.

Trong thời gian tới, người tiêu dùng Đà Nẵng dễ dàng biết được nguồn gốc thực phẩm thông qua truy xuất dữ liệu được gắn trên sản phẩm.

Ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 1 của dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang được tiến hành là hợp phần quan trọng trong đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến 2030. Với nhiệm vụ của mình, Ban đã đầu tư xây dựng phần mềm và mua sắm trang thiết bị, hướng đến mục tiêu kiểm soát, truy xuất nguồn gốc 4 nhóm thực phẩm gồm chuỗi thịt – trứng, chuỗi rau – trái cây, chuỗi thủy sản và chuỗi sản phẩm bao gói. Trong giai đoạn 1, dự án tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu và web/app truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu cho chuỗi sản phẩm thịt – trứng. Riêng sản phẩm có lượng tiêu thụ nhiều hàng ngày là thịt lợn, thông tin sẽ được truy xuất từ lò mổ đến người tiêu dùng đối với heo chăn nuôi ngoài thành phố. Trường hợp chăn nuôi trong địa bàn thành phố thì truy xuất thông tin tận trang trại đến người tiêu dùng.

Phần mềm truy xuất được áp dụng cho 3 cấp chính quyền quản lý nguồn gốc theo chiều rộng và cho các tác nhân của chuỗi thịt – trứng tham gia cung cấp thông tin và truy xuất. Ban Quản lý ATTP cũng đào tạo, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên cơ sở gắn với quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên tham gia. Đối với cơ quan chuyên môn, sẽ được quyền tiếp nhận các phản ánh về sản phẩm, tiến hành kiểm tra và cập nhật thông tin giám sát lên hệ thống. Ứng dụng truy xuất nguồn gốc cũng tập hợp các đầu mối quản lý thay cho phân cấp trước đây. Nghĩa là không chỉ cơ quan chức năng tiếp cận, kiểm tra, giám sát thông tin mà chính người dân cũng được tham gia giám sát. Các đơn vị sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm được hỗ trợ xây dựng kho dữ liệu, chủ động khai báo thông tin cơ sở, nhân sự, cập nhật đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng được cung cấp thông tin về chất lượng thực phẩm, dùng ứng dụng tra cứu, đánh giá, bình chọn, thậm chí cảnh báo hoặc tố giác các vụ việc có nguy cơ không đảm bảo an toàn. Theo Ban Quản lý ATTP, từ trước đến nay mặc dù chính quyền và ngành chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, có sự thay đổi lớn trong tư duy, thói quen của người tiêu dùng, nhưng trên thực tế người dân chưa thực sự giám sát được việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trong khi sự minh bạch thông tin là xương sống, thước do chất lượng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Giai đoạn mới, người tiêu dùng có quyền và đủ công cụ để biết nguồn gốc, chất lượng thực phẩm đối với bữa ăn của mình. “Việc triển khai đề án đưa trách nhiệm từ cơ quan quản lý Nhà nước đến nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng tăng lên. Đặc biệt, doanh nghiệp cung ứng phải thực sự quyết liệt, minh bạch nếu không muốn bị người tiêu dùng quay lưng. Dự án đi vào cuộc sống sẽ xây dựng thói quen, tư duy mới, để chính người dân tự kiểm tra thực phẩm trước khi quyết định mua sử dụng. Khi giám sát ATTP trở thành nhu cầu và trở nên đơn giản thì trách nhiệm và quyền lợi của các bên phải được thể hiện rõ ràng. Bữa ăn của người dân sẽ an toàn và chất lượng hơn”, ông Nguyễn Tấn Hải khẳng định.

Theo Trưởng ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng, qua khảo sát cộng đồng doanh nghiệp thì phần lớn đều cho rằng tham gia thực hiện đề án sẽ tăng chi phí, thời gian, khó khăn hơn trong thời gian đầu. Tuy nhiên cái được lớn nhất tham gia cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng sẽ là cơ hội nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Đây cũng là xu thế bắt buộc kinh doanh phải ngày càng văn minh, cải tiến, cạnh tranh bằng chất lượng và sự minh bạch. Với việc ngày càng quan tâm đến chất lượng bữa ăn thì người tiêu dùng chính là nhân tố sàng lọc doanh nghiệp.

BẢO NAM